Các nhà sinh vật học đã phát hiện một loài tắc kè hoa tưởng như đã tuyệt chủng cách đây 100 năm ở đảo Madagascar.

Phát hiện loài tắc kè hoa tưởng đã tuyệt chủng cách đây 100 năm

Long Hải | 31/10/2020, 12:00

Các nhà sinh vật học đã phát hiện một loài tắc kè hoa tưởng như đã tuyệt chủng cách đây 100 năm ở đảo Madagascar.

tac-ke1.jpg
Tắc kè hoa Voeltzkow cái có màu sắc sặc sỡ - Ảnh: Kathrin Glaw

Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã toàn cầu (GWC) đã thông báo phát hiện này vào hôm 30.10 trong một bài viết trên tạp chí Salamandra. Theo đó, tắc kè hoa Voeltzkow được phát hiện trong một chuyến thám hiểm vào năm 2018, nhưng đến nay mới được công bố.

Loài này được nhìn thấy lần cuối vào năm 1913, trước Thế chiến thứ nhất. Sau hơn một thế kỷ tưởng như đã tuyệt chủng, sinh vật sặc sỡ có khả năng đổi màu này bất ngờ xuất hiện trên đảo Madagascar. Trong một dự án tìm kiếm các loài động vật “bị thất lạc” của GWC, các nhà sinh vật học đã tìm thấy hơn một chục cá thể tắc kè hoa Voeltzkow khỏe mạnh, bao gồm cả con đực và con cái.

tac-ke2.jpg
Tắc kè hoa Voeltzkow đực có một màu chủ đạo là xanh lá cây nhạt - Ảnh: Kathrin Glaw

Theo các nhà khoa học thuộc Bộ sưu tập Động vật học bang Bavaria (ZSM), phân tích gien đã xác định rằng loài này có quan hệ họ hàng gần với tắc kè hoa Labord. Nhóm nghiên cứu cho rằng cả hai loài này chỉ sống trong mùa mưa, nở từ trứng, lớn nhanh, tranh giành với các đối thủ để giao phối và sau đó chết trong vài tháng ngắn ngủi.

Frank Glaw, trưởng nhóm nghiên cứu và là nhà thám hiểm tại bảo tàng lịch sử tự nhiên Zoologische Staatssammlung München ở Đức, cho biết: “Tôi từng nghĩ chúng ta có thể lại tìm thấy tắc kè hoa Voeltzkow nhưng không ngờ việc này mất nhiều thời gian đến vậy. Môi trường sống xa xôi cùng với tuổi thọ ngắn ngủi đã giúp chúng ẩn mình trong nhiều thập kỷ”.

Trong khi tắc kè hoa Voeltzkow đực có một màu chủ đạo là xanh lá cây nhạt, con cái sặc sỡ hơn nhiều với những hoa văn màu đỏ, xanh lam, xanh lục, tím, cam, đen và trắng trên cơ thể. GWC cho biết: “Những con cái có thể thay đổi màu sắc tùy thuộc vào tâm trạng của chúng. Số lượng chấm đỏ trên hai bên sườn của con cái cũng thay đổi theo từng cá thể”.  

Nhóm nghiên cứu cũng đã phát hành một đoạn video về loài tắc kè quý hiếm trong tự nhiên. Đoạn phim bao gồm cảnh quay về một con tắc kè hoa đang ăn côn trùng cùng các ví dụ về cách con cái thay đổi màu sắc.

“Tắc kè hoa Voeltzkow tô điểm thêm màu sắc và vẻ đẹp cho hành tinh, đồng thời nhắc nhở chúng ta rằng ngay cả khi tất cả dường như đã biến mất, một cuộc phiêu lưu tuyệt vời có thể thắp lại hy vọng cho những loài mà chúng ta chưa từng thấy kể từ khi Woodrow Wilson làm tổng thống”, Don Church, Chủ tịch GWC nhấn mạnh ý nghĩa của khám phá mới.

Tắc kè hoa Voeltzkow nằm trong danh sách các loài thất lạc được mong muốn tìm thấy nhất của GWC. Đầu năm nay, tổ chức này cũng đã công bố việc phát hiện lại loài chuột chù voi Somali sengi quý hiếm sau hơn 50 năm biến mất ở châu Phi.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
6 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát hiện loài tắc kè hoa tưởng đã tuyệt chủng cách đây 100 năm