Các nhà khoa học Úc đã phát hiện một loài sinh vật dưới biển sâu được xem là loài vật dài nhất thế giới, với độ dài cơ thể lên tới 120 mét.
Các nhà học làm việc trên tàu nghiên cứu của Viện Đại dương Schimdt (SOI) đã tìm thấy sinh vật này khi đang khám phá bằng tàu ngầm điều khiển từ xa ở ngoài khơi vùng biển phía tây nước Úc.
Theo các nhà khoa học, sinh vật kỳ bí này có cách kiếm ăn khá kỳ lạ và lần đầu tiên được phát hiện ở vùng biển Tây Úc và có kích thước lớn hơn nhiều so với vẻ bề ngoài của nó. Sinh vật này có tên sifonofor Apolemia, là một loài có liên quan đến sứa và san hô. Loài sifonofor Apolemia từng được tìm thấy trước đây, lần này kích thước lớn nhất với tổng độ dài lên tới 120 mét.
Điều này khiến nó được ghi nhận là sinh vật lớn nhất từ trước đến nay. Sifonofor Apolemia không giống như sứa, gồm hàng ngàn bản sao đơn lẻ, chuyên biệt, kết hợp với nhau. Nó tạo thành một lưới bẫy trong đại dương và săn bắt các sinh vật khác không may bơi vào bẫy.
Sifonofor Apolemia sử dụng chất độc để làm tê liệt con mồi, độc tố này có thể dễ dàng giết những con cá, thậm chí người. Khi mỗi bản sao bắt được mồi, nó sẽ tự tiêu hóa con mồi và truyền dinh dưỡng nuôi các cá thể còn lại trong tổng thể.
Ái Vi (theo Somag)