Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19.4 bày tỏ quan ngại sâu sắc về số người mắc cúm gia cầm ngày càng gia tăng, đồng thời thông báo phát hiện vi rút H5N1 trong sữa tươi.
Nhà khoa học WHO Jeremy Farrar lưu ý rằng cúm gia cầm do H5N1 gây ra có tỷ lệ tử vong cực kỳ cao. Ông cảnh báo: “Mối lo lớn nhất là vi rút tiến hóa và phát triển khả năng lây từ động vật sang người, sau đó từ người sang người”. Đến nay, vẫn chưa ghi nhận trường hợp lây nhiễm cúm gia cầm từ người sang người nào.
Thông tin phát hiện H5N1 trong sữa tươi gây chấn động, tuy nhiên sữa tiệt trùng vẫn an toàn. Nông dân nuôi bò sữa ở Mỹ được yêu cầu tiêu hủy sữa lấy từ cá thể mắc bệnh nên sản phẩm nhiễm vi rút không lọt được vào chuỗi cung ứng.
Theo Tiến sĩ Zhang Wenqing – người đứng đầu Chương trình kiểm soát cúm toàn cầu của WHO - sữa tươi lấy từ bò mắc bệnh chứa lượng vi rút cao. Giới nghiên cứu đang tìm hiểu H5N1 tồn tại bao lâu trong sữa. Sữa tươi vốn không an toàn vì chứa nhiều mầm bệnh khác như salmonella, listeria hay E.coli.
Ông Farrar không loại trừ khả năng H5N1 tồn tại trên thiết bị vắt sữa hoặc trong môi trường nuôi. Nhà khoa học WHO nhắc nhở cần chuẩn bị năng lực ứng phó ngay lập tức bằng vắc xin, phương pháp chuẩn đoán và điều trị phòng kịch bản vi rút lây được từ người sang người.
Số người mắc tăng lên cộng thêm thông tin phát hiện H5N1 trong sữa tươi đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ đại dịch cúm gia cầm bùng phát.
Đầu tháng qua cộng đồng khoa học đưa ra nhận định một đại dịch như vậy sẽ tồi tệ hơn COVID-19 gấp trăm lần. Tiến sĩ Suresh Kuchipudi (Đại học Pittsburgh) cho biết: “H5N1 đã đứng đầu danh sách vi rút có thể gây bùng phát đại dịch trong nhiều năm thậm chí nhiều thập kỷ”.
Chuyên gia vắc xin John Fulton chia sẻ: “Một khi vi rút biến đổi để lây nhiễm sang người dễ dàng hơn, chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng tỷ lệ tử vong sẽ giảm xuống”.
Trung tâm Kiểm soát - Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) xác định từ năm 2003 đến năm 2019, toàn cầu có 861 ca mắc H5N1 và 455 ca tử vong (tỷ lệ tử vong 53%).