Hôm nay 30.7, Venezuela tổ chức bầu cử Quốc hội lập hiến nhưng phe đối lập ở Venezuela tiếp tục đòi lật đổ Tổng thống Nicolas Maduro từ ngày 31.7 tới.
Phe đối lập dọa sẽ đổi chiến thuật, đồng thời kêu gọi biểu tình thật đông ở thủ đô Caracas trong ngày bầu cử.
Phó chủ tịch Quốc hội thuộc phe đối lập là ông Freddy Guevara tuyên bố “Ngày mai chúng ta sẽ nổi dậy”.
Nghị sĩ Freddy Guevara tuyên bố: “Từ thứ Hai tới, chúng tôi sẽ có những hành động, chiến thuật và chiến lược mới để thích ứng với thực tại mới mà chúng tôi sẽ sống chung. Đây là một giai đoạn căng thẳng, xung đột mà chúng tôi không muốn, nhưng sẽ chỉ khiến tăng tốc độ sụp đổ của chính quyền”.
Ông yêu cầu người ủng hộ dựng rào chắn tại thủ đô Caracas cho đến hết ngày 30.7.
Chính phủ đã ra lệnh cấm tụ tập nơi đông người, giúp kéo giảm số người biểu tình, nhưng vẫn có những cuộc phản đối, hôi của và ẩu đả giữa người phản đối đã dựng rào chắn bằng cây cối và kẽm gai tại nhiều thành phố từ tối 28.7.
Xem ra nỗ lực của cựu Thủ tướng Tây Ban Nha Luis Rodriguez Zapatero, người làm trung gian một thỏa thuận để tránh căng thẳng gia tăng đã bị thất bại.
Ngày 29.7, ông ra một tuyên bố ngầm hiểu cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến sẽ được tổ chức, nhưng kêu gọi quyền lực của cơ quan này phải bị hạn chếvà đề nghị chính phủ Maduro công bố ngày tổ chức bầu cử tổng thống và bầu cử địa phương.
Ông Zapatero kêu gọi chính phủ Venezuela “có những động thái mới” để kéo giảm căng thẳng, nhưng không kêu gọi hủy tổ chức bầu cử Quốc hội lập hiến.
Người biểu tình phản đối cuộc bầu cử ngày 30.7 và đòi tổ chức tổng tuyển cử. Từ ngày 29.7, người phản đối chống ông Maduro đã chặn những con phố ở Caracas, là nỗ lực cuối để chặn cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến.
Kẻ kích động biểu tình sẽ bị trả giá
Ông Maduro nói Quốc hội mới sẽ có quyền sửa Hiến pháp và có quyền giải tán các cơ quan nhà nước, nhằm đem lại hòa bình cho đất nước đang bị chia rẽ.
Theo kế hoạch này, trong 6.120 ứng cử viên sẽ bầu 545 nghị sĩ. Toàn bộ số ứng viên đều không có phe đối lập đã tuyên bố tẩy chay điều họ gọi là “bầu cử gian lận”, chỉ nhằm củng cố quyền lực cho ông Maduro.
Phe đối lập chỉ trích Tổng thống Venezuela không có ý sửa đổi Hiến pháp vốn đã trao nhiều quyền lực cho bên hành pháp, cho rằng ông chỉ muốn nắm quyền lực tuyệt đối. Như vậy, ông trở thành độc tài và phá tan nền dân chủ từ 60 năm nay.
Khoảng 2,8 triệu công chức nhà nước Venezuela đã nhận được tin nhắn và cuộc gọi điện thoại, yêu cầu họ tham gia các cuộc tập hợp chính trị trong giờ làm việc.
Đệ nhất phu nhân Venezuela, bà Cilia Flores cũng là một ứng cử viên của Quốc hội lập hiến, nói cơ quan siêu quyền lực này sẽ lập một “ủy ban kỷ luật”, để xử lý những người kích động phản đối chính trị.
Vợ Tổng thống Maduro nói thêm: “Chúng sẽ phải trả giá, phải học một bài học”.
Phó chủ tịch thứ nhất đảng Xã hội, ông Diosdado Cabello nói Quốc hội lập hiến sẽ lột quyền miễn trừ truy tố của các nghị sĩ thuộc phe đối lập đang nắm thế đa số ở Quốc hội, nhưng bị Tòa án tối cao thân chính phủ treo quyền từ tháng 4.
Ông còn nói Viện trưởng Viện kiểm sát quốc gia sẽ bị “úp”.
Vị nữ Viện trưởng Luisa Ortega từng ủng hộ chế độ Maduro, nhưng đã quay ra chỉ trích việc tổ chức bầu cử Quốc hội lập hiến của ông Maduro là vi hiến.
Dân thường Venezuela sợ đói khát trong những ngày tới
Những cuộc biểu tình phản đối chính phủ suốt 4 tháng qua đã khiến ít nhất 113 người chết và hơn 2.000 người bị thương, trong những cuộc xung đột giữa họ với lực lượng an ninh sử dụng lựu đạn cay, đạn cao su và súng đại bác bắn nước để giải tán đám đông biểu tình.
Người Caraquedo (cư dân Caracas) nào còn tiền đã phải đi bộ trên đường phố đầy rác để mua đồ dự trữ như bánh mì, thịt gà và sữa, đề phòng những cuộc nổi loạn sẽ khiến các cửa hàng phải đóng cửa cho đến hết ngày 30.7.
Venezuela giàu tài nguyên dầu mỏ nhưng bị suy thoái nặng, nhiều dân nghèo bị đói vì thiếu lương thực và lạm phát tăng nhanh.
Khi tình hình căng thẳng hơn, các doanh nghiệp đã giảm hoạt động, các nhà ngoại giao Mỹ đưa gia đình về nước, nhiều hãng hàng không ngưng các chuyến bay đến Venezuela.
Hãng hàng không quốc gia Avianca (Colombia) tuyên bố ngưng bay đến Venezuela lập tức, trong khi chính phủ Colombia nói sẽ không công nhận kết quả cuộc bầu cử “không chính đáng” của Venezuela.
Những người phản đối chính phủMaduro tuyên bố sẽ không đi bầu, ở nhà xem TV rồi xuống đường biểu tình phản đối kế hoạch lập Quốc hội lập hiến của chính phủ Maduro.
Mỹ cùng nhiều nước đang áp các lệnh trừng phạt đối với 13 cựu và đương kim quan chức chính phủ Venezuela.
Trung Trực (theo Guardian)