Hãng tin Al Jazeera cho biết, sau lần trình diện trước tòa của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13.6, phiên tòa xét xử vụ cất giữ phi pháp tài liệu mật có thể phải chờ đến hơn 1 năm sau mới diễn ra.
Cựu Tổng thống Trump đã không nhận tội trong lần trình diện mới đây. Ông được phép rời tòa mà không bị áp đặt hạn chế đi lại hay nộp tiền bảo lãnh. Thẩm phán Jonathan Goodman yêu cầu ông không được liên lạc với các nhân chứng tiềm năng trong vụ án.
Công tố viên liên bang sẽ bắt đầu bàn giao bằng chứng cho đội ngũ luật sư của cựu Tổng thống Trump. Quá trình trao đổi giữa hai bên, cộng thêm Cơ quan Lưu trữ quốc gia Mỹ (NARA) dự kiến mất rất nhiều thời gian.
Đội ngũ luật sư cũng có thể gửi đơn kiến nghị bỏ án với nhiều lập luận rằng trong đó có khẳng định đã giải mật tài liệu trước khi lấy chúng của cựu Tổng thống Trump, hay cáo buộc phía công tố có hành vi sai trái, chẳng hạn như không cho phép bị cáo liên lạc riêng với luật sư.
Kiến nghị bỏ án không cá biệt nhưng hiếm khi thành công vì bị cáo khó thuyết phục thẩm phán rằng vụ án có quá nhiều thiếu sót để đưa ra bồi thẩm đoàn. Loạt cáo buộc từ phía công tố cũng hưởng lợi nhờ nguyên tắc “hoài nghi hợp lý” (tin ai đó trung thực hoặc vô tội, trừ phi chứng minh được điều ngược lại).
Cáo trạng liên bang công bố ngày 9.6 đưa ra 37 tội danh với cựu Tổng thống Trump, trong đó, 31 tội liên quan đến Đạo luật Gián điệp. Đặc biệt, có tội cố tình cản trở đội ngũ điều tra bằng cách không trả lại số tài liệu được đề cập.
Số tài liệu mật này chứa nội dung như chương trình hạt nhân của Mỹ, điểm yếu của nước này trong trường hợp bị tấn công, sự ủng hộ của một quốc gia khác đối với chủ nghĩa khủng bố chống lại các lợi ích của Mỹ…