Ngày 26.3, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cho biết, dù quan hệ Philippines với Trung Quốc được cải thiện, việc Manila tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Bắc Kinh vẫn là một thách đố.

Philippines: Tranh chấp Biển Đông vẫn là một thách đố

26/03/2018, 19:54

Ngày 26.3, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cho biết, dù quan hệ Philippines với Trung Quốc được cải thiện, việc Manila tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Bắc Kinh vẫn là một thách đố.

Nhật tặng 3 máy bay tuần tra biển cho Philippines - Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Delfin Lorenzana ra tuyên bố trên tại một căn cứ hải quân ở phía nam thủ đô Manila, nhân dịp Nhật tặng 3 máy bay tuần tra biển Beechcraft TC-90 (đã qua sử dụng) để giúp hải quân Philippines tăng khả năng thu thập tin tình báo ở vùng Biển Đông mà Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ, khiến Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan lo ngại.

Ông Lorenzana nói: “Chúng tôi thừa nhận vẫn còn nhiều việc phải làm, để tăng cường phương tiện quân sự nhằm đối phó nhiều thử thách an ninh hàng hải kéo dài”.

Từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte nắm quyền lực ở Philippines hồi tháng 7.2016, căng thẳng giữa Philippines với Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông đã hạ nhiệt, quan hệ giữa hai nước được cải thiện thông qua hoạt động đầu tư và thương mại của Trung Quốc.

Bộ trưởng Lorenzana nói Philippines cũng lo ngại vấn đề hải tặc và phong trào nổi dậy ở vùng biển Sulu cùng vấn đề tội phạm liên quốc gia gồm buôn lậu ma túy và đánh bắt nguồn hải sản phong phú trong lãnh hải Philippines.

Theo Reuters, Nhật Bản từng tính cho Philippines thuê 5 máy bay tuần tra biển với giá 28.000 USD/năm trong 5 năm. Nhưng đến năm 2017, Nhật quyết tặng 5 chiếc TC- 90 cho Philippines, sau khi Luật tự vệ của Nhật có sự thay đổi, cho phép tặng khí tài quân sự - quốc phòng thừa cho các nước đối tác.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Tatsuo Fukuda nói: Nhật sẵn lòng giúp các đồng minh cải thiện khả năng để bảo vệ an ninh cho các tuyến đường biển quốc tế, làm lợi cho không chỉ Philippines mà còn cho cả toàn khu vực.

Tại lễ bàn giao 3 chiếc TC-90, các ông Lorenzana-Fukuda đã chứng kiến chúng hạ cánh tại căn cứ hải quân bảo vệ Vịnh Manila. Căn cứ này cách Bãi Scarborough hàng trăm dặm về phía đông nam. Bãi này hiện có tàu tuần tra biển Trung Quốc tuần tra.

Hải quân Philippines nói các chiếc máy bay TC-90 có tầm bay 300 km, tức gấp đôi khả năng của máy bay hiện có, và chúng có thể bay tuần tra vào khu vực 7 đảo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đã xây trái phép và đã chuyển các thực thể nhân tạo này thành các căn cứ quân sự

Hải quân Philippines nói có nguồn kinh phí 114 triệu USD để mua hai máy bay tuần tra biển tầm xa mới tinh để tăng cường khả năng tình báo, giám sát và trinh sát (ISR).

Trước đó tại một diễn đàn kinh tế ở Manila, Bộ trưởng Lorenzana cho các nhà kinh tế học biết: Philippines không tính mua thêm tàu hộ vệ, sau khi Hàn Quốc giao 2 chiếc tàu hộ vệ dài 107 m. Ông nói: “Tôi nghĩ hai chiếc này sẽ là hai chiếc cuối cùng trong tương lai gần. Chúng tôi không muốn đặt mua thêm tàu lớn, và chúng tôi sắp mua thêm nhiều tàu nhỏ hơn, các tàu cao tốc ”.

Đây là lời đáp của ông Lorenzana cho câu hỏi của ông Romulo Neri, cựu lãnh đạo Ủy ban phát triển và kinh tế quốc gia, người đã hỏi liệu có khôn ngoan hay không khi mua tàu đắt tiền mà địch chỉ cần bắn một phát là chìm, theo báo Rappler.

Ông Neri còn nói sẽ khôn ngoan hơn nếu mua tàu nhỏ hơn và do Philippines tự đóng. Ông Lorenzana đồng ý với ông Neri, dẫn một thông tin cho biết một quả thủy lôi có thể đánh chìm chiếc tàu hộ vệ trị giá 8 tỉ peso (tiền Philippines).

Nhưng quan điểm trên sẽ gặp phải những thắc mắc, từ các nhân vật muốn hải quân Philippines có thêm tàu để tuần tra Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Tàu nhỏ hơn thường chỉ thích hợp tuần tra ven biển, không thể triển khai lâu được, theo một sĩ quan hải quân hưu trí.

Philippines hiện cần ít nhất 6 chiếc tàu hộ vệ hoặc tàu tuần tra đường dài, để kiểm soát toàn bộ lãnh hải nước này. Hải quân Philippines cũng cho rằng nên có khoảng chục chiếc tàu chiến nhỏ.

Bảo Vĩnh (theo Reuters)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Philippines: Tranh chấp Biển Đông vẫn là một thách đố