'The Boys in the Band' (1970) do William Friedkin đạo diễn là bộ phim đầu tiên của Hollywood tập trung khai thác cuộc sống của người đồng tính.
Kể từ thưở bình minh của bộ môn nghệ thuật thứ 7, các nhân vật LGBT (đồng tính, song tính & chuyển giới) đã xuất hiện thế nhưng chúng không hề giống với những gì mà chúng ta nhìn thấy hiện nay. Theo nhiều sử gia, hình ảnh hai người đàn ông nhảy múa trong bộ phim trắng đen The Dickson Experimental Sound Film (1895) được xem là mô tả đầu tiên của người đồng tính trong lịch sử điện ảnh.
Hình ảnh 2 người đàn ông nhảy với nhau trongThe Dickson Experimental Sound Film
Từ đầu đến giữa thế kỷ 20, các nhân vật LGBT trên màn ảnh thường được thể hiện dưới hình ảnh của những người đàn ông đi ngược lại với định chuẩn của xã hội về giới, ví dụ như ăn diện như phụ nữ hay có nhiều hành động nữ tính. Thậm chí, nhiều người còn đóng vai trò là kẻ biến thái giết người hàng loạt hay bị tâm thần phân liệt.
Tới thập niên 1950, châu Âu dần xuất hiện những bộ phim mang chủ đề đồng tính như A Song of Love (Pháp, 1950) và Different from You and Me (Đức, 1957) nhưng đều bị cấm chiếu hoặc kiểm duyệt nặng nề.
Sau vụ bạo động tại quán rượu Stonewall ở thành phố New York vào năm 1969, sự hiện diện của cộng đồng LGBT tại Mỹ đã bắt đầu rõ ràng hơn. Đây là lần đầu tiên họ dám đứng lên thách thức sức mạnh của chính quyền và đòi quyền bình đẳng cho chính mình.
Cùng với sự phát triển của phong trào LGBT, Hollywood cũng đã thay đổi để bắt kịp với thời thế.
Mart Crowley là một người đồng tính công khai
Năm 1968, vở The Boys in the Band của nhà biên kịch Mart Crowley với 1,000 đêm diễn được xem là tác phẩm mang tính tiên phong khi lần đầu tiên khắc họa chân thật cuộc sống của những người đồng tính nam trên sân khấu kịch mà không hề đưa ra bất kỳ lời phán xét nào. Thừa thắng xông lên, Mart Crowley tiếp tục đưa dự án này lên màn ảnh rộng và đã thành công trong việc đàm phán với hãng phim Cinema Center Films thuộc tập đoàn CBS.
Poster phim The Boys in the Band
Ban đầu, Mart Crowley muốn Robert Moore – một đạo diễn sân khấu – đảm nhận vai trò đạo diễn. Tuy nhiên, chủ tịch hãng Cinema Center Films lại không muốn mạo hiểm giao bộ phim này cho một người chưa từng làm phim điện ảnh. Sau cùng, William Friedkin đã được chọn. Đây là người sau này đã làm ra bộ phim kinh điển The Exorcist (1973).
Lấy bối cảnh khu nhà giàu ở thành phố New York vào năm 1968, The Boys in the Band tập trung vào buổi tiệc sinh nhật lần thứ 32 của chàng trai đồng tính Harold (Leonard Frey đóng). Bạn của Harold là Michael (Kenneth Nelson đóng) đã giúp gửi thư mời đến nhiều người bạn đồng tính khác.
Tại buổi tiệc, khi các khách mời dần say xỉn và không khí trở nên gợi tình hơn thì chàng vũ công thoát y Cowboy Rex (Robert La Tourneaux đóng) đến. Đây là món quà của người bạn Emory tặng cho Harold. Tuy nhiên, anh đã bị đối xử bằng thái độ khinh thị.
Bất thình lình, Alan (Peter White đóng) – một người bạn dị tính của Michael từ thời đại học – xuất hiện ngay ngưỡng cửa. Sự cố này đã khiến cho tất cả những vị khách có mặt lúc đó phải “gồng” mình để tránh bị phát giác là đồng tính. Mặc dù vậy, một cuộc xung đột đã xảy ra. Alan đấm thẳng vào mặt của Emory và mọi thứ rắc rối cứ thế nảy sinh.
Công chiếu vào 17.3.1970, The Boys in The Band đã nhận được sự tán dương mạnh mẽ từ giới phê bình nghệ thuật. Hầu như tất cả tạp chí lớn và uy tín tại Hollywood đều bình luận về bộ phim như TIME, Variety, The Los Angeles Times… Trên trang Rotten Tomatoes, The Boys in the Band hiện nắm giữ số điểm tuyệt đối “100%” từ 15 chuyên gia.
“The Boys in the Band là một bộ phim mang tính đột phát và cực kỳ nhân văn. Nó đã giúp cho công chúng hiểu thêm hơn về người đồng tính”, trích từ bài nhận xét trên tạp chí TIME vào năm 1970.
Đối với những người LGBT trẻ hiện nay vốn đã quá quen thuộc với những bộ phim như Brokeback Mountain, Carol, Call Me By Your Name, Moonlight hay sự phát triển như vũ bão của phong trào giành quyền bình đẳng cho cộng đồng LGBT thì The Boys in the Band trông giống như một món đồ cổ kèm theo nội dung cũ rích. Thế nhưng vào năm 1970, đó là một cột mốc quan trọng đánh dấu sự hiện diện của người đồng tính tại Hollywood.
Trong nhiều thập kỷ, người đồng tính không thể xuất hiện công khai trên màn ảnh. Bộ luật Motion Picture Production Code ban hành vào năm 1930 được thi hành cho đến tận năm 1968 và cấm các nhân vật được xem là “biến thái tình dục”. Tuy nhiên, một số nhân vật trong các bộ phim kinh điển như Plato trong Rebel Without a Gause, con sư tử hèn nhát trong The Wizard of Oz và kẻ giết người máu lạnh trong Rope vẫn có thể dễ dàng vượt qua kiểm duyệt.
Có thể nói, người đồng tính đã bị mắc kẹt trong những khuôn mẫu mà xã hội đương thời hay nghĩ về họ. The Boys in the Band thì hoàn toàn ngược lại, xu hướng tính dục của người đồng tính được thể hiện rất rõ ràng. Thành công của bộ phim đã góp phần thúc đẩy những cuộc tranh luận cởi mở về chủ đề đồng tính luyến ái trên truyền thông. Rất đông người Mỹ khi ấy vẫn cho rằng họ chưa bao giờ nhìn thấy một người đồng tính ở ngoài đời thật và chẳng mấy ai bàn luận công khai về nó.
Đáng tiếc, khán giả đồng tính không hề chào đón The Boys in the Band nồng hậu khi nó vừa ra mắt. Nhiều người cho rằng họ đã bị xây dựng như những kẻ đáng ghê tởm, rối loạn chức năng và bộ phim truyền đi thông điệp khá tiêu cực.
Kỷ niệm 50 năm ngày The Boys in the Band ra mắt, sân khấu Broadway đã dựng lại vở kịch này với sự tham gia của Jim Parson
Gần 50 năm đã trôi qua, dòng phim LGBT đã gặt hái được nhiều thành công mà Mart Crowley ngày xưa từng mơ tới. Không ít bộ phim LGBT đã xuất hiện trong danh sách đề cử giải Oscar cho hạng mục “Phim hay nhất” như Brokeback Mountain, The Kids Are All Right, Call Me By Your Name và Moonlight là bộ phimđầu tiên chiến thắng. Tính bi kịch của các bộ phim này cũng giảm dần và thay vào đó là những thông điệp nhẹ nhàng về tình yêu, gia đình như Love, Simon.
Hivọng trong tương lai gần, các bộ phim LGBT sẽ đến được với số đông khán giả chứ không chỉ riêng cộng đồng LGBT.
Mai Thảo