Kết luận tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh về hiện tượng hải sản chết bất thường, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm nhanh chóng hỗ trợ người dân bị thiệt hại để nhanh chóng khôi phục sản xuất.

Phó thủ tướng chỉ đạo hỗ trợ người dân bị thiệt hại vì hiện tượng cá chết

Trí Lâm | 29/04/2016, 05:54

Kết luận tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh về hiện tượng hải sản chết bất thường, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm nhanh chóng hỗ trợ người dân bị thiệt hại để nhanh chóng khôi phục sản xuất.

Thống kê đầy đủ, hỗ trợ kịp thời

Theo đó, Phó thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ các biện pháp, chính sách hỗ trợ người dân bị thiệt hại để khôi phục sản xuất trong khi chờ xác định nguyên nhân làm cá chết.

Giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng, báo chí thực hiện việc đưa tin, tuyên truyền chính xác, khách quan, đầy đủ, có cơ sở khoa học, không tạo tâm lý hoang mang trong dư luận nhân dân nhằm góp phần nhanh chóng khôi phục nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và sản xuất kinh doanh để ổn định cuộc sống của người dân.

Phó thủ tướng cũng giao cho UBND các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế kịp thời thống kê đầy đủ các hộ nuôi trồng, khai thác thuỷ, hải sản bị thiệt hại, mức độ thiệt hại, đảm bảo chính xác, đúng thực tế.

“Chủ động thăm hỏi, hỗ trợ kịp thời các gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn, các trường hợp bị thiệt hại nặng nề đảm bảo người dân ổn định cuộc sống”, Phó thủ tướng nói.

Ngoài ra, Phó thủ tướng cũng yêu cầu cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định thời điểm phù hợp để chỉ đạo, hướng dẫn người dân tiếp tục tổ chức nuôi trồng, khai thác, đánh bắt thủy, hải sản.

Tăng cường công tác bảo vệ môi trường

Theo chỉ đạo của Phó thủ tướng, UBND các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế chỉ đạo các doanh nghiệp, các nhà máy, cơ sở sản xuất trên địa bàn chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, thực hiện đúng các nội dung theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Cần chủ động rà soát, tự kiểm tra hoạt động của hệ thống xử lý chất thải của cơ sở mình, đảm bảo đúng quy định, tự giác, chủ động báo cáo với cơ quan chức năng khi xảy ra sự cố môi trường để kịp thời xử lý; phối hợp, tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước trong công tác kiểm tra, thanh tra về môi trường tại cơ sở của mình.

Để việc bảo vệ môi trường đạt kết quả, giảm thiểu các tác hại do chất thải từ các cơ sở sản xuất, yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất trên địa bàn, xây dựng và triển khai hệ thống quan trắc độc lập của địa phương nhất là đối với các cơ sở sản xuất có thải ra các chất thải, nước thải ra môi trường. Xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật những trường hợp vi phạm.

Nhanh chóngtìmra nguyênnhân

Trong thông báo kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại buổilàm việc cũng nêu rõ, hiện tượng thủysản nuôi trồng và hải sản tự nhiên chết bất thường, không rõ nguyên nhân đã gây thiệt hại về kinh tế, môi trường, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động nuôi trồng, khai thác, sản xuất, kinh doanh thủy, hải sản, đặc biệt gây tâm lý hoang mang cho người dân.

Theo Phó thủ tướng, ngay sau khi xảy ra sự việc, các bộ, ngành, địa phương liên quan đã chủ động triển khai các hoạt động kiểm tra, lấy mẫu, xác định nguyên nhân, thực hiện các biện pháp khắc phục, tổ chức thu gom, xử lý môi trường, hướng dẫn, khuyến cáo bà con ngư dân các giải pháp nuôi, khai thác phù hợp nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống.

Đến nay tình hình cơ bản đã ổn định, tình trạng cá chết đã giảm, vệ sinh môi trường được bảo đảm; một số lồng nuôi người dân thả thử nghiệm cá giống đã sống bình thường.

Tuy nhiên, do đây là sự việc bất thường, lần đầu tiên xảy ra tại nước ta, có phạm vi ảnh hưởng lớn, nên trong quá trình xử lý ban đầu vẫn còn bị động, lúng túng. Trong khi đó, khả năng nghiên cứu, hệ thống quan trắc môi trường còn hạn chế lại chưa được kết nối liên thông giữa cơ sở sản xuất và cơ quan quản lý nhà nước về môi trường nên công tác kiểm soát môi trường còn chưa kịp thời, thiếu chính xác và chưa thường xuyên.

Để khẩn trương xác định nguyên nhân và có giải pháp khắc phục, xử lý, khôi phục hoạt động sản xuất, nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản, ổn định cuộc sống của bà con ngư dân vùng bị ảnh hưởng, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an...) khẩn trương xác định nguyên nhân làm thủy, hải sản chết bất thường, bảo đảm chính xác, khách quan, khoa học, thận trọng và nhanh nhất theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trường hợp cần thiết, yêu cầu thuê các tổ chức tư vấn, khoa học và các chuyên gia nước ngoài để thực hiện. Trường hợp nguyên nhân là do các vi phạm của tổ chức, cá nhân thì phải điều tra, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật, không loại trừ bất cứ ai.

Trí Lâm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phó thủ tướng chỉ đạo hỗ trợ người dân bị thiệt hại vì hiện tượng cá chết