Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 7.4 tại tỉnh Tiền Giang, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cùng ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NNPT-NT và ông Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ TN-MT chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương vùng ĐBSCL: Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Long An.
Mùa khô năm nay, do mực nước sông Mê Kông giảm khoảng 7% so trung bình các năm nên vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng, chịu tình trạng nước mặn xâm nhập sớm, sâu hơn trung bình nhiều năm; ngoài ra mùa mưa đến muộn, đặc biệt có 3 đợt hạn mặn gay gắt...
Tiền Giang là một trong số các tỉnh vùng ĐBSCL chịu ảnh hưởng nặng nề của xâm nhập mặn từ 3 con sông chính: sông Tiền, sông Vàm Cỏ Tây, sông Hàm Luông. Đáng lưu ý là sông Tiền độ mặn 0,55 gam/lít đã xâm nhập vào sâu cách cửa sông 68km, cao hơn đỉnh mặn cùng kỳ năm 2016 là 0,5gam/lít.
Tuy nhiên do làm tốt công tác chủ động phòng chống hạn mặn từ nhiều năm qua, nhất là có các cống ngăn mặn nên đến thời điểm này, nước mặn về cơ bản đã được kiểm soát; hạn mặn chưa gây thiệt hại đáng kể trên địa bàn tỉnh. Hơn 44.800ha lúa đông xuân, hơn 25.600ha hoa màu đã được thu hoạch, hiện chỉ còn 219ha hoa màu có nguy cơ bị thiếu nước ngọt. Tiền Giang có diện tích vườn cây ăn trái hơn 84.000ha nằm trong hệ thống các cống đập ngăn mặn, trữ ngọt nên không bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn.
Đối với nước sinh hoạt mùa khô, do nhu cầu sử dụng của người dân tăng cao nên khu vực phía đông tỉnh hiện thiếu hụt khoảng 25.000 mét khối nước/ngày đêm; trong đó huyện cù lao Tân Phú Đông thiếu hơn 1.700 mét khối nước/ngày đêm. Tiền Giang đã kịp thời mở 101 vòi nước công cộng để cấp nước miễn phí cho người dân, đang sử dụng nhiều sà lan chở nước ngọt phục vụ người dân huyện cù lao Tân Phú Đông.
Tại Bến Tre, hầu hết nguồn nước mặt, nước ngầm đều nhiễm mặn, địa phương đã tăng cường tích trữ nước, chuyên chở nước ngọt; kích hoạt máy xử lý RO nhưng ở nhiều địa phương người dân vẫn phải sử dụng nước sinh hoạt bị nhiễm mặn.
Tỉnh Sóc Trăng nhờ chủ động phòng chống hạn mặn từ cuối năm ngoái, nên vụ lúa đông xuân cơ bản an toàn, nông dân đã thu hoạch được hơn 5.000ha, chỉ có 43ha lúa gieo sạ trễ bị thiệt hại do thiếu nước ngọt; hơn 1.400ha lúa giảm năng suất; hơn 6.500 hộ dân có nguy cơ bị thiếu nước sinh hoạt; tỉnh đang có phương án khắc phục.
Tại 2 tỉnh Cà Mau và Kiên Giang, dù nguồn nước sinh hoạt và sản xuất đang được kiểm soát, tình trạng bị thiếu không nghiêm trọng nhưng do mực nước giảm đã gây sụt lút bờ kênh, sụp lún đất, sạt lở nghiêm trọng. Cà Mau có hơn 130 con sông, rạch bị sụp lún, sạt lở với chiều dài 16km (trong đó có 12km đường bê tông). Tỉnh Kiên Giang có hơn 300 điểm sạt lở, sụp lún, 26 nhà dân ven sông rạch bị sập gây thiệt hại hơn 100 tỉ đồng…
Phát biểu tại buổi làm việc với đoàn công tác của Chính phủ, lãnh đạo các tỉnh kiến nghị các bộ ngành trung ương và Chính phủ hỗ trợ xây dựng hoàn chỉnh các công trình thủy lợi để khép kín ao hồ chứa nước ngọt, các công trình phục vụ nước sạch tập trung ở vùng duyên hải, khắc phục tình trạng sụp lún, sạt lở đất…
Lãnh đạo Bộ NNPT-NT, Bộ TN-MT đã chia sẻ những khó khăn mà vùng ĐBSCL đang chịu tác động của hạn mặn do mực nước thượng nguồn giảm, nắng nóng; dòng chảy của sông Mê Kông đã biến dạng...
Bộ TN-MT sẽ hoàn chỉnh dự án dữ liệu cấp quốc gia, tăng cường khâu dự báo, dự đoán để giúp chính quyền và người dân vùng ĐBSCL phòng chống thiên tai.
Phát biểu kết luận buổi làm việc với các địa phương vùng ĐBSCL, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao những nỗ lực của các tỉnh trong vùng khi chủ động có những giải pháp hữu hiệu ứng phó với hạn mặn nên đến thời điểm này chưa bị thiệt hại nào nghiêm trọng cho sản xuất, kinh doanh; nước sinh hoạt mới ở dạng khan hiếm cục bộ. Các địa phương đã có phương án đồng bộ, kịp thời, giúp người dân giảm bớt khó khăn trong mùa khô hạn.
Đến thăm công trình xây dựng cống âu kênh Nguyễn Tấn Thành tại xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao những nỗ lực của chủ đầu tư, các nhà thầu trong việc đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo kế hoạch ngăn mặn trữ ngọt.
Cống âu kênh Nguyễn Tấn Thành do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 (Bộ NNPT-NT) làm chủ đầu tư với kinh phí hơn 500 tỉ đồng. Đến nay, tiến độ thi công cống âu Nguyễn Tấn Thành đạt khoảng 82% khối lượng, dự kiến cuối năm nay sẽ được hoàn thành đưa vào khai thác.
Những ngày qua, khi sông Tiền bị xâm nhập mặn, cống âu kênh Nguyễn Tấn Thành đã đóng kín để ngăn mặn, trữ ngọt và sẽ mở cống vào ngày 12.4 tới để đưa nước ngọt vào bên trong phục vụ sản xuất, sinh hoạt của hàng chục nghìn người dân 2 tỉnh Tiền Giang, Long An.
Dịp này, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác của Chính phủ đã đến thị sát việc mở vòi nước công cộng cấp nước sinh hoạt miễn phí cho người dân tại xã Gia Thuận, huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang.