Đầu năm 2018, làn sóng #MeToo (đấu tranh phòng chống nạn quấy rối tình dục), khởi nguồn từ Hollywood, bất ngờ dâng cao tại thị trường giải trí Hàn Quốc. Theo sau việc phơi bày liên tiếp scandal xâm hại tình dục chấn động, liên quan đến nhiều nhân vật tên tuổi trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, có vẻ xứ sở kim chi đang đứng trước ‘bước ngoặc’ mới của nỗ lực xây dựng nhân quyền và bình đẳng giới.
Sự kiện mở màn phong trào #MeToo ở Hàn Quốc xảy ra cuối tháng 1 vừa qua. Nữ công tố viên tên Seo Ji-hyeon công khai tố giác một cấp trên từng làm việc cho Bộ Tư Pháp nước này, cáo buộc ông đã ngang nhiên sờ soạn, quấy rối cô trong một đám tang vào năm 2010. Sau khi Seo xuất hiện trên truyền hình chứng thực câu chuyện, sự việc sớm gây rúng động, lan tỏa nhanh chóng. Từ đây, nhiều phụ nữ khác với nỗi đau bị xâm hại lần lượt lên tiếng.
Kim Suk-Young - giáo sư gốc Hàn hiện công tác tại đại học California, chuyên ngành Văn hóa Đông Á, nêu quan điểm: “Seo thừa nhận làn sóng #MeToo từ Bắc Mỹ đã khiến cô ấy có dũng khí nói về trãi nghiệm riêng. Tôi nghĩ trường hợp của Seo minh chứng cho cách những cá nhân hoạt động vì nữ quyền có thể chung tay tạo nên khác biệt đến đâu.”
Nối tiếp scandal kể trên, tháng 2.2018, một đạo diễn lên án đồng nghiệp nữ Lee Hyun-ju vì hành vi quấy rối diễn ra cách đây vài năm. Vị đạo diễn kỳ cựu sau đấy công khai xin lỗi dư luận. Đồng thời, bà buộc phải rút lui khỏi nghiệp đoàn đạo diễn.
Tạo chấn động mạnh là vụ việc nam diễn viên Jo Min-ki, người từng giảng dạy ở đại học Cheongju danh giá bậc nhất Hàn Quốc, chịu liên tiếp đơn thư cáo buộc xâm hại, quấy rối sinh viên nữ. Sau tuyên bố từ đơn vị đại diện, rằng ông sẽ “khai báo thành khẩn với phía cơ quan điều tra,” Jo bất ngờ tự sát hồi đầu tháng 3.
Tương tự, đạo diễn sân khấu Lee Youn-taek đã phải trực tiếp xin lỗi một số phụ nữ, những người cùng lúc tố cáo ông từng lợi dụng chức vụ để tấn công họ trong quá khứ.
#MeToo với người Hàn nói chung và giới nghệ sĩ nói riêng, dường như mang ý nghĩa nội hàm đặc biệt. Giáo sư Kim phân tích: “Hàn Quốc vốn không xuất hiện tình trạng căng thẳng sắc tộc như Hoa Kỳ, nhưng dân chúng phải đối diện vấn đề chia cách giai cấp nảy sinh từ rất lâu. Tôi nghĩ, không chỉ đối với phụ nữ, nhiều người trẻ, công nhân viên chức cấp thấp đang nhìn nhận #MeToo là ‘công cụ’ giúp phản ánh nỗi chật vật họ trãi qua lâu nay.”
‘Đỉnh điểm’ hiện thời của #MeToo có thể cảm nhận rõ nhất ở thị trường âm nhạc Kpop. Giữa tháng 2, rapper Moon In-sub (nghệ danh Don Malik) vướng phải cáo buộc xâm hại tình dục một fan tuổi vị thành niên. Trong vòng 24 tiếng, văn phòng đại diện Daze Alive Music ra tường trình rằng tố cáo hoàn toàn đúng sự thật, và thông báo cắt hợp đồng cùng Moon. Rapper 22 tuổi vừa có lời xin lỗi người hâm mộ, trong khi một nạn nhân khác tiếp tục lên tiếng.
Cuối tháng 10 năm ngoái, Amber - thành viên nhóm nhạc nữ nổi tiếng f(x), đăng tải một số chia sẻ gây xúc động trên Instagram cá nhân về vấn nạn tấn công tình dục mà cô cho rằng “đang xảy ra khắp nơi” trong thị trường Kpop. Amber đồng thời ám chỉ kiểu quan hệ thể xác ‘có qua có lại’ khá phổ biến giữa nghệ sĩ và cánh bảo trợ giàu có.
Ví dụ đơn cử chứng minh điều này là scandal ầm ỉ năm 2016 của ca sĩ người Canada gốc Hàn G.Na (Gina Choi), khi cô bỗng chốc dính phải tội danh mua bán dâm bởi mối quan hệ mập mờ với một nhà bảo trợ.
Có bối cảnh văn hóa - xã hội còn ẩn chứa không ít hệ tư tưởng bảo thủ, duy những vụ tấn công tình dục, dịch vụ sex đang tăng cao tại Hàn Quốc. Thống kê năm 2017 từ Uỷ ban Gia đình và Bình đẳng giới Hàn Quốc cho thấy, phân nửa nam giới quốc gia này chi trả mua dâm ít nhất một lần trong đời.
Bên cạnh đó, thực trạng bất bình đẳng giới, với nền tảng xã hội phụ hệ luôn chiếm lĩnh, đã thúc đẩy #MeToo trở thành phong trào tranh đấu quan trọng, vì giá trị nữ quyền lẫn nhân quyền ở xứ Hàn thời gian gần đây.
“Nữ quyền vẫn đang bị chế giễu, xem nhẹ tại Hàn Quốc. Chủ đề này thậm chí mới được công nhận là đề tài đàm luận công khai khoảng 20 năm trở lại đây ở xã hội Hàn.” Giáo sư Kim nhận xét. Cá nhân đề cao xu hướng nữ quyền cũng có thể hứng chịu ảnh hưởng tiêu cực, nặng nề. Son Naeun, nữ ca sĩ thuộc nhóm Apink, mới đây bị dư luận nước nhà phê phán chỉ vì bức ảnh cô đăng trên trang mạng xã hội với một vỏ bao điện thoại có dòng chữ ‘Girls can do anything’ (‘Phụ nữ có thể làm mọi thứ.’)
Tranh cãi việc nên hay không nên quảng bá yếu tố nữ quyền trong làng nhạc K-pop càng đáng chú ý khi #MeToo bắt đầu ‘đổ bộ’ và lan rộng ở Hàn Quốc.
Bộ ba nữ ca sĩ gốc Nhật - Mikami Yua, Sakura Moko và Matsuda Miko - những cựu minh tinh JAV (phim người lớn của Nhật) tạo nên làn sóng chỉ trích mạnh khi quyết định lập nghiệp như ca sĩ Kpop. Nhóm nhạc họ thành lập, Honey Popcorn, trở thành mục tiêu phản đối công khai hiện nay. Hơn 35.000 người cùng kí tên yêu cầu trục xuất 3 cô gái từng làm diễn viên phim người lớn khỏi thị trường giải trí Hàn Quốc.
Một thực tế trái ngược, nếu không nói là mỉa mai, khi Kpop nghiễm nhiên tồn tại xu hướng ‘gợi cảm hóa’ nam lẫn nữ ca sĩ họ đào tạo. Tiêu biểu như HyunA hay nhóm nữ EXID đều được biết đến rộng rãi một phần nhờ hình tượng nóng bỏng, quyến rũ trên sân khấu.
Mặt khác, đối với nạn nhân chịu nỗi đau bị xâm hại, thẳng thắn cất tiếng nói trước công luận, đặc biệt khi họ đồng thời đang là người nổi tiếng, dễ kéo theo nguy cơ lung lay sự nghiệp lẫn phải chứng kiến bao gièm pha từ xã hội.
Tuy chưa có được nhiều dấu hiệu cải thiện thực tiễn, những ngày gần đây, làng giải trí xứ Hàn đã thể hiện cái nhìn nghiêm túc về loạt scandal quấy rối, xâm hại. Giữa lúc phong trào #MeToo tiếp tục lan tỏa, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã yêu cầu điều tra khẩn trương, toàn diện tất cả cáo buộc liên quan đến tấn công tình dục.
Như Ý (theo Billboard)