Cuộc sống của nhiều người livestream bị đảo lộn do phong tỏa kéo dài ở Thượng Hải.

Phong tỏa kéo dài ở Thượng Hải, dân livestream khóc ròng vì quảng cáo và đơn hàng tụt dốc

Sơn Vân | 11/05/2022, 19:42

Cuộc sống của nhiều người livestream bị đảo lộn do phong tỏa kéo dài ở Thượng Hải.

phong-toa-thuong-hai-khien-dan-livestream-khoc-han-vi-quang-cao-va-don-hang-tut-doc.jpg
Một người dẫn chương trình livestream giới thiệu sản phẩm ở thành phố Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang - Ảnh: Tân Hoa xã

Việc phong tỏa kéo dài 6 tuần ở Thượng Hải, cùng các vụ việc tương tự ở nhiều thành phố khác thuộc đồng bằng sông Dương Tử, đã giáng đòn nặng nề vào ngành livestream vốn phát triển mạnh một thời ở khu vực này sau cuộc đàn áp bằng quy định của chính phủ Trung Quốc vào năm ngoái.

Bị mắc kẹt tại căn hộ ở Thượng Hải của mình trong 40 ngày liên tiếp, Zhu Cancan (người livestream chuyên nghiệp 27 tuổi) cho biết hiện tại cô gần như từ bỏ công việc này.

Zhu Cancan vẫn đặt báo thức buổi sáng, nhưng không phải để sẵn sàng làm việc. Cô thức dậy sớm để mua thực phẩm tươi sống trên các ứng dụng tạp hóa. Giờ đây, lịch trình thoải mái hơn của Zhu Cancan thường bao gồm chơi game di động của Tencent Holdings vào buổi sáng và phiên bản Mạt chược trực tuyến với bạn bè buổi chiều. Buổi tối, cô ấy say sưa xem phim truyền hình.

Về cơ bản, bạn không thể bán sản phẩm thông qua livestream trong thời gian bị phong tỏa ở Thượng Hải. Hệ thống chuyển phát nhanh không hoạt động, nên tôi không thể nhận được sản phẩm mà tôi đã định bán. Các đồng nghiệp cũng đang bị phong tỏa ở những nơi khác. Các thương hiệu đang bị ảnh hưởng nặng nề và nhiều thương hiệu đã cắt giảm ngân sách của họ. Nếu trước đây bạn có thể kiếm 200.000 nhân dân tệ (30.000 USD) mỗi tháng thì bây giờ con số này là khoảng 40.000 nhân dân tệ, hoặc bằng không”, Zhu Cancan thổ lộ.

Zhu Cancan vẫn kiếm được một số thu nhập bằng cách đăng quảng cáo trên các tài khoản mạng xã hội như Weibo, nơi cô có 3,4 triệu người theo dõi. Zhu Cancan là một trong số hàng trăm người livestream có cuộc sống bị đảo lộn do phong tỏa ở Thượng Hải, trong bối cảnh dòng chảy hậu cần bị gián đoạn và nhu cầu mua hàng suy yếu trong nền kinh tế đang phát triển chậm lại.

Vào tháng 3.2022, tổng doanh thu bán lẻ hàng tiêu dùng ở Trung Quốc giảm 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức tăng 34,2% của năm ngoái trong bối cảnh phục hồi sau suy thoái năm 2020, theo dữ liệu chính thức của chính phủ.

Các hệ thống chuyển phát nhanh tư nhân, vốn là cách hàng hóa mua trực tuyến thường được gửi đi, đã bị gián đoạn nghiêm trọng bởi các biện pháp kiểm soát đại dịch. Nhiều người bán hàng trực tuyến thường gửi cho khách hàng danh sách các thành phố và quận mà họ hiện không thể giao.

Trong danh sách được một hiệu sách chia sẻ trên trang mạng mua sắm trực tuyến Taobao, 16 tỉnh đã bị ảnh hưởng, bao gồm cả tỉnh Giang Tô, Chiết Giang và Hắc Long Giang. Taobao thuộc sở hữu của tập đoàn Alibaba Group Holding, chủ sở hữu của tờ South China Morning Post.

Kể từ khi việc phong tỏa ở Thượng Hải bắt đầu vào ngày 1.4, người dân chỉ có thể mua những thứ cần thiết thông qua hình thức mua theo nhóm và nguồn cung cấp của chính phủ. Các giao dịch mua thương mại điện tử với các mặt hàng không cần thiết như sách và cà phê không có khả năng được giao hàng.

Zhu Cancan cho biết một người bạn ở thành phố Hàng Châu hiện chỉ nhận được khoảng hai quảng cáo mỗi tháng cho kênh livestream của cô ấy, nơi mà trước đây người này có quảng cáo gần như mỗi ngày.

Không chỉ những người nổi tiếng ở Thượng Hải bị ảnh hưởng mà có cả các thương hiệu, sức tiêu thụ, các công ty quảng cáo. Tình hình cũng không tốt cho những người sống bên ngoài thành phố này. Bạn không thể làm việc một cách hiệu quả", Zhu Cancan nói.

Zheng Liuping, một người livestream sống ở thành phố Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang đã phải vật lộn để duy trì hoạt động kinh doanh của mình như bình thường trong thời gian dịch bệnh bùng phát. Nghĩa Ô, thành phố có cộng đồng livestream sôi động, đã tiến hành xét nghiệm hàng loạt vào tháng trước sau khi báo cáo một số ca mắc COVID-19 ở địa phương.

Zheng Liuping nói: “Nhiều người tiêu dùng đã hủy đơn đặt hàng vì họ không thể nhận được sản phẩm. Dù chúng tôi nhận được một lượng truy cập tương tự, các đơn đặt hàng chúng tôi nhận được ít hơn trước”.

Deng Jinling (cư dân Nghĩa Ô) nhờ các công ty livestream giúp cô bán bình giữ nhiệt trong nước. Tuy nhiên, việc giao hàng thường bị hoãn hoặc hủy bỏ.

Bạn có thể thấy nơi A bị phong tỏa, nơi B hoạt động bình thường. Sau đó, nơi A có thể mở cửa, nhưng nơi B bị phong tỏa. Chúng tôi đang mắc kẹt trong một chu kỳ như vậy”, Deng Jinling nói.

phong-toa-thuong-hai-khien-dan-livestream-khoc-han-vi-quang-cao-va-don-hang-tut-doc1.jpg
Viya phát biểu trong Diễn đàn Boao cho châu Á (BFA) ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc vào ngày 20.4.2021 - Ảnh: AFP

Thời kỳ đầu đại dịch, ngành công nghiệp livestream Trung Quốc được hưởng lợi từ việc thay đổi thói quen của người tiêu dùng vì họ buộc phải mua sắm trực tuyến nhiều hơn khi phải ở nhà. Vào năm 2020, quy mô ngành livestream trên thương mại điện tử của Trung Quốc đã vượt quá 1.200 tỉ nhân dân tệ, gần gấp ba lần quy mô của 2019. Theo báo cáo của công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường iResearch được công bố vào tháng 9.2021, ngành công nghiệp này được dự đoán sẽ vượt 4.900 tỉ nhân dân tệ vào năm 2023.

Ngành công nghiệp đó cũng bị các cơ quan quản lý nhắm mục tiêu. Vào tháng 12.2021, cơ quan thuế đã phạt nữ hoàng livestream Viya 1,3 tỉ nhân dân tệ vì tội trốn thuế. Tài khoản Weibo chính thức và cửa hàng Taobao của cô sau đó đã biến mất khỏi internet.

Theo các quy tắc được Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc, Cục Thuế Nhà nước và Cơ quan Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường đồng ban hành vào tháng 3.2022, các nền tảng được yêu cầu cung cấp báo cáo về những người livestream của họ hai lần một năm, trong đó phải bao gồm các chi tiết như số nhận dạng cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng và thu nhập.

Theo Chen Tao, nhà phân tích thương mại điện tử tại công ty Analysys, tình hình trong lĩnh vực livestream cho thấy sự gián đoạn rộng hơn của ngành thương mại điện tử. Ông nói: “Bản chất là sự gián đoạn của các luồng hậu cần ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của lĩnh vực livestream trên thương mại điện tử”.

Chen Tao cho biết ông hy vọng ngành công nghiệp sẽ phục hồi sau khi dịch bùng phát được kiểm soát.

Carrie Zhang, đối tác ở Thượng Hải của Bain & Company (công ty tư vấn quản lý của Mỹ), cũng nhận thấy những lợi ích tiềm năng với ngành về lâu dài. Bất chấp “sự xáo trộn ngắn hạn”, những thói quen mới đã xuất hiện ở những người tiêu dùng trẻ tuổi, chẳng hạn những người thuộc thế hệ Z (được sinh ra từ năm 1997 đến 2012), vốn thường sử dụng tính năng livestream và xem các video khác trên internet để lấy thông tin về các thương hiệu.

Carrie Zhang cho biết: “Ngành công nghiệp này đã có mức tăng trưởng siêu nhanh (hơn 100% hàng năm) trong vài năm qua. Với việc các công ty lớn đã đạt được tổng giá trị hàng hóa lớn vào 2021, tốc độ tăng trưởng dự kiến ​​sẽ giảm xuống trong năm nay. Tuy nhiên, livestream có lẽ vẫn sẽ là định dạng thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Trung Quốc".

Hiện tại, Zhu Cancan tạm nghỉ trong thời gian này vì cô có thể sống bằng tiền tiết kiệm của mình.

Trước khi dịch bùng phát, tôi thấy nhiều lời mời kết bạn mới trên WeChat mỗi ngày khi thức dậy. Nhưng bây giờ không ai kết bạn với tôi", cô nói.

Bài liên quan
Phong tỏa gắt gao ở Thượng Hải khiến nhà máy đối tác của Apple hỗn loạn
Sự hỗn loạn trong Quanta Shanghai Manufacturing City, một trong ba cơ sở sản xuất của công ty Quanta Computer (Đài Loan) ở Trung Quốc, cho thấy căng thẳng do việc phong tỏa tại Thượng Hải

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Mục tiêu chống 'vàng hóa' đã thành công, nên bỏ độc quyền vàng miếng SJC
Các chuyên gia khẳng định mục tiêu chống "vàng hóa" đã thành công, họ đề xuất bỏ quy định nhà nước độc quyền vàng miếng SJC.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phong tỏa kéo dài ở Thượng Hải, dân livestream khóc ròng vì quảng cáo và đơn hàng tụt dốc