Đầu năm học, các bậc phụ huynh luôn "tái mặt" với hàng loạt các khoản chi tiêu, thậm chí có cả những khoản thu mang tên "tự nguyện" ngoài luồng mà không ai muốn... tự nguyện.

Phụ huynh kêu trời bởi các khoản thu 'tự nguyện' đầu năm học

Hải Yến | 04/09/2017, 09:35

Đầu năm học, các bậc phụ huynh luôn "tái mặt" với hàng loạt các khoản chi tiêu, thậm chí có cả những khoản thu mang tên "tự nguyện" ngoài luồng mà không ai muốn... tự nguyện.

Các khoản thu, đóng góp đầu năm học tại các trường con em mình theo học luôn là “đề tài nóng” của các vị phụ huynh. Nhiều khoản thu cơ bản được công bố, nhiều phụ huynh còn bức xúc khi có những khoản thu mang tên “tự nguyện” được thông báo như là: tiền mua điều hòa, tiền mua máy chiếu, mua rèm, tiền chăm sóc cây xanh…

Về các khoản thu trên, mới đây Sở GD-ĐT Hà Nội đã chỉ đạo, hoạt động thu phải minh bạch, đối với các khoản đóng góp tự nguyện để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của nhà trường, cần thu theo nguyên tắc không ép buộc hay bình quân hóa mức đóng góp đối với phụ huynh. Tuy vậy, liên quan đến vấn đề này vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều…

Trao đổi với phóng viên ngay khi ngày khai giảng chỉ còn 2-3 ngày nữa, chị Nguyễn Thùy Dương (Đội Cấn, Hà Nội) cho biết: Năm nay đứa con út của chị vào lớp 1, tuy nhiên nhà trường đã thông báo tới các phụ huynh các khoản mua điều hoà, mua rèm, máy chiếu… Mặc dù chưa họp phụ huynh nhưng những khoản thông báo đó đã được gửi tới bố mẹ, lớp học của con chị tới gần 60 cháu nên việc đóng góp với số tiền không nhỏ như vậy đã khiến nhiều người bức xúc.

"Các thầy cô cứ nói là tự nguyện nhưng bản thân phụ huynh luôn cho rằng không đóng góp con mình sẽ bị trù dập, cả toàn thể 60 học sinh mà nếu con mình không đóng thì liệu có...yên thân? Các cô có nói tự nguyện nhưng bản thân phụ huynh luôn cho rằng như bị ép buộc để đóng". - chị Dương khẳng định.

Cũng như chị Dương, anh Hoàng Thế Lực (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho biết gia đình anh có 2 con đang học tiểu học và THCS, các khoản đóng góp cả 2 cháu đầu năm học luôn là điều khiến bố mẹ lo lắng.

“Lương công chức của vợ tôi không cao, còn tôi làm ngoài nên cũng có một chút thu nhập nhưng nếu để đầu năm với hàng loạt các khoản thu “không tên” đó khiến gia đình tôi gặp khó khăn về tài chính khi nộp cho cả 2 cháu. Riêng tiền bán trú cho đứa lớn, đứa nhỏ, tiền đồng phục, quỹ lớp cũng đã chiếm một khoản lớn. Và Ban phụ huynh lại thông báo đóng góp thêm 2-3 triệu mỗi em để làm quỹ và chi tiêu mua thêm đồ cho các con.

Biết là đóng góp để tăng cơ sở vật chất cho các con học tập nhưng con tôi học lớp 5 rồi, nếu giờ đóng mấy trăm ngàn để mua máy chiếu, năm sau con không học ở trường nữa thì cái máy chiếu đó như thế nào? Các khoản thu mang tên "tự nguyện" để lách luật chứ bản thân có phải tự nguyện không thì phụ huynh mới hiểu được” - anh Lực nêu thắc mắc?

Câu chuyện về đóng góp tự nguyện, nhưng thực chất là trên danh nghĩa bắt buộc cũng khiến nhiều phụ huynh bức xúc,đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt vì sợ con mình bị giáo viên ghét. Tự nguyện thường được hiểu là có bao nhiêu đóng bấy nhiêu, việc đóng góp phải thực sự tùy tâm.

Theo ghi nhận, mới chỉ có một số ít trường triển khai họp phụ huynh và thông báo thu phí đầu năm, còn lại đa số đợi 1-2 tuần lễ cho học sinh ổn định mới tiến hành thu. Tuy nhiên, nhiều trường tìm cách lách luật bằng việc chia nhỏ các khoản để thu trên tinh thần “tự nguyện” trước khi bắt đầu họp phụ huynh.

Khi trả lời báo chí về các khoản thu cần minh bạch trước khi vào năm học mới 2017-2018, bà Nguyễn Điệp Anh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Diệu, quận Ba Đình cho biết thực hiện đúng với chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, nhà trường đã gửi thông báo tới các giáo viên trước khi thu bất kỳ một khoản nào cần có sự đồng ý bằng văn bản của nhà trường. Khi cả 100% phụ huynh đều đồng ý thì mới được phép thu.

Cũng như chia sẻ của bà Điệp Anh thì để tạo điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh thì ngoài hệ thống điều hoà cũ của nhà trường thì các giáo viên cũng có đồng ý, thống nhất trang bị thêm cho các học sinh lớp 1 hệ thống điều hoà mới. Sơn sửa lại dãy nhà, dọn vệ sinh để đủ lớp học cho các con. “Việc các khối 1 có thu thêm tiền máy chiếu vì các máy cũ không sử dụng được, các phụ huynh đề đã đồng ý 100% mua mới cho các con và tự nguyện đóng góp” - bà Điệp Anh khẳng định.

Trước đó, Bộ GD-ĐT đã có văn bản đã đề nghị các cơ sở đào tạo giãn thời gian, tránh thu cùng một thời điểm đối với các cấp học để hạn chế tối đa tác động của học phí đến chỉ số giá tiêu dùng. Bộ cũng đề nghị tiết giảm chi phí hoạt động, hạn chế thu các khoản thu ngoài học phí. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu nhà trường phải xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ đảm bảo công khai, minh bạch, có cơ chế để cán bộ, giảng viên, người lao động, sinh viên và các tổ chức khác tham gia giám sát toàn bộ hoạt động của nhà trường.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT còn đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục cam kết và nghiêm túc không thu các khoản thu ngoài học phí trái quy định trong trường học. Các địa phương phải tự chịu trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm đối với các đơn vị, cá nhân cố tình vi phạm.

Dạ Thảo
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều cơ hội
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết trong quý 1/2024, gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường gạo thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phụ huynh kêu trời bởi các khoản thu 'tự nguyện' đầu năm học