Để bàn giao chức vụ “Tổng thống” cho Trần Văn Hương, Thiệu lập tức mời thành viên nội các, dân biểu, nghị sĩ và thẩm phán tối cao... đến dinh Độc Lập vào cuối chiều 21/4. Lễ diễn ra lúc 19h30, với các chi tiết khác thường. Hồi ký Nguyễn Cao Kỳ viết: “Sau ngày Hương trở thành tổng thống là một tuần lễ kinh hoàng hỗn loạn...Lúc này mắt ông ta đã kém tới nỗi gần như không thấy chữ nữa... Hương là một con số không..."
Phụ lục 8: Lá thư vay 3 tỉ đô la của Nguyễn Văn Thiệu nhằm chặn bước tiến về Sài Gòn Phụ lục 7: Vịnh Cam Ranh và ảo ảnh Bắc vĩ tuyến 13
Mất Xuân Lộc, đại tướng Weyand, Tham mưu trưởng quân lực Mỹ, nguyên Tổng tư lệnh quân Mỹ ở Việt Nam lắc đầu thất vọng: “Thế là hết!”.
Trong quá khứ, Weyand từng cùng Westmoreland trải những đêm kinh hoàng mất ngủ hồi Tết Mậu Thân 1968. Giờ đây, trước tình hình nguy ngập của quân đội Sài Gòn, một lần nữa đại tướng Weyand khẩn cấp tới Việt Nam theo lệnh của Tổng thống Ford.
Ông cùng nhóm Von Marbord và các chuyên gia hàng đầu của CIA như Shackley, Carver đánh giá tại chỗ và xem xét khả năng giúp đỡ của Mỹ vào “giờ chót” cho chế độ Thiệu.
Ông ta đến phòng làm việc của Thiệu ở dinh Độc Lập, chỉ trích nặng nề việc để mất cao nguyên và rút chạy khỏi căn cứ huấn luyện hải quân ở Nha Trang. Ông nêu đích danh tên một số tướng ra khiển trách như Phạm Văn Phú, Phạm Quốc Thuần, Lâm Quang Thi... và sau đó hứa hẹn sẽ đề đạt lên Tổng thống Ford dành cho chế độ Sài Gòn “một cơ hội cuối cùng với việc tái sử dụng không lực Mỹ”.
Trong một giác thư, Weyand viết:
“Tình hình biến chuyển rất mau lẹ, còn một vấn đề khác mà ngài (Tổng thống Ford) cần xem xét, đó là Hoa Kỳ nên hoạch định việc rút toàn bộ 6.000 công dân Mỹ và 10.000 người Nam Việt Nam (...). Bài học ở Đà Nẵng cho thấy việc rút lui này cần có sự yểm trợ tối thiểu của không lực để đè bẹp pháo phòng không và hỏa tiễn của Bắc Việt. Vào một thời gian thích hợp, chúng ta nên công bố chính thức đường lối này và lưu ý Bắc Việt rõ ràng về “dự tính của Mỹ sử dụng sức mạnh để rút lui một cách an toàn”.
Giác thư của Weyand (kèm theo bảng phân tích chi tiết) gửi Ford nói đến việc “rút lui an toàn”.
Việc đó, ngày 10/4/1975, bộ chỉ huy quân giải phóng đã tuyên bố: “Quân giải phóng lúc nào cũng sẵn sàng tạo điều kiện cho cố vấn Hoa Kỳ rút về nước bình an vô sự”.
Đề nghị dùng không lực Mỹ của Weyand bị Kissinger phản bác. Ông ta càng thất vọng hơn khi tuyến phòng thủ từ xa của Sài Gòn là Phan Thiết mất. Nay “cánh cửa thép” Xuân Lộc bị phá vỡ.
Chuẩn tướng Lê Minh Đảo, sư đoàn trưởng sư đoàn 18 tuyên bố tử thủ nhưng 10 ngày sau đành thất thủ và tan vỡ cùng thiết đoàn 5. Mặc dù, theo tài liệu, từ ngày 10 đến 16/4, quân Sài Gòn ném thêm vào tuyến phòng ngự lữ đoàn dù số 1 và liên đoàn biệt động quân số 33, trung đoàn 8, thiết đoàn 15 và 22, nâng lực lượng toàn tuyến lên 9 chiến đoàn bộ binh và 8 tiểu đoàn bảo an tại chỗ, nhưng vẫn không giữ nổi. Đại tướng Weyand thất vọng hoàn toàn: “Tình hình quân sự là tuyệt vọng”.
Trong lúc đó, tình hình chính trị chẳng sáng sủa gì. Cái “ủy ban cứu nguy” của Nguyễn Cao Kỳ mà cách vài ngày trước đại sứ Martin còn hứa hẹn “lơ lửng” là sẽ dùng đến, nay đứng dạt ra một bên nghe Thiệu từ chức.
Kỳ viết: “Tôi không bao giờ quên cái lúc mà ông Thiệu, 52 tuổi, tuyên bố với nhân dân Việt Nam rằng ông bắt buộc phải từ chức. Hai trăm người vừa bạn, vừa cùng chí hướng chen chúc trong căn nhà của tôi để nghe bài diễn văn thống thiết của con người mà đại sứ Mỹ Martin đã ủng hộ... Trong lúc theo dõi truyền hình, chúng tôi nghe rõ tiếng súng đại bác vang đến”.
Trước giờ tuyên bố từ chức, Thiệu triệu tập Nguyễn Bá Cẩn (Thủ tướng), Cao Văn Viên (Tổng tham mưu trưởng), Nguyễn Khắc Bình (Tổng giám đốc công an), Nguyễn Văn Toàn (Tư lệnh Quân đoàn III), Nguyễn Văn Minh (Tư lệnh biệt khu thủ đô). Đặng Văn Quang (phụ tá quân sự, tình báo)... đến dinh Độc Lập.
Trong số đó, không thấy Trần Văn Đôn mà lẽ ra ở vị trí “Tổng trưởng Quốc phòng” phải được mời. Về sau, qua Mỹ, Đôn bảo vào lúc ấy Thiệu nghi Đôn đang ngầm vận động lật đổ mình. Thiệu nói với mọi người là quân đội định đảo chính nhưng không nêu tên ai là kẻ chủ trương, cầm đầu. Tuy vậy, qua cách đối xử - không mời họp, cách ăn nói của Thiệu, người ta đoán Thiệu muốn ám chỉ Đôn.
Đôn thanh minh trong hồi ký: “Ai cũng nghi là tôi (muốn đảo chính Thiệu), sự thực không phải vậy”. Thiệu bảo ông ta từ chức “để làm vừa lòng quân đội”. Lý do thứ hai ông ta ra đi “để Mỹ viện trợ lại cho miền Nam” (!). Nghe vậy, Nguyễn Cao Kỳ lấy làm “xấu hổ” vì những lời lẽ không hay ho gì của Thiệu, còn Nguyễn Chánh Thi thì vạch trần Thiệu từ chức vì thua trận, muốn chạy thoát thân ra nước ngoài.
Để bàn giao chức vụ “Tổng thống” cho Trần Văn Hương (Phó tổng thống đương nhiệm), sau cuộc họp trên, Thiệu lập tức mời các thành viên nội các, dân biểu, nghị sĩ và thẩm phán tối cao pháp viện đến dinh Độc Lập vào cuối chiều 21/4. Lễ bàn giao diễn ra tối đó, lúc 19 giờ 30, với các chi tiết khác thường.
Mở đầu, Thiệu cà kê về diễn biến từ Hiệp định Paris 1973 đến các sự kiện chính trị, quân sự dẫn tới trận Ban Mê Thuột rồi mất miền Trung... Tựu trung đổ lỗi cho Mỹ “chơi xấu” không giữ lời hứa. Xong, Thiệu thông báo quyết định từ chức. Ngưng một chút, Thiệu tiếp: “Người thay thế tôi là Phó tổng thống Trần Văn Hương”.
Lẽ ra khi Thiệu dứt lời, bộ phận nghi lễ dinh Độc Lập phải mời ngay ông Trần Văn Hương lên bục để tuyên thệ trước Tối cao pháp viện, Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện. Nhưng có lẽ để rút cho nhanh, Thiệu bước xuống chỗ ông Hương đang ngồi tự làm phần việc “mời lên” không qua ban lễ tân.
Lời tuyên bố đầu tiên của ông Hương khi rõ khi tắt, thì thào trong miệng nghe rất thiểu não, nội dung động viên “quân nhân giữ vững tay súng”. Nhưng xem ra chung quanh ai nấy đều rã rời. Ngay Tổng trưởng Quốc phòng cũng tỏ ý quan ngại: “Lúc đó ông Trần Văn Hương đã 71 tuổi...
Tất cả nhân vật ở các cơ quan hành pháp, lập pháp, tư pháp và quân nhân cao cấp ngồi đó buồn bã nhìn ông Thiệu lúng túng đứng ra điều hành cuộc lễ, ông Hương lọm khọm nói không rõ ràng, mạch lạc”. Mọi người ái ngại cho “tân tổng thống”.
Nguyễn Cao Kỳ gọi: “Ôi, ông già Hương chân tình, người đã tặng tôi 200.000 đồng làm quà cưới vợ. Lúc này mắt ông ta đã kém tới nỗi gần như không thấy chữ nữa. Sau ngày Hương trở thành tổng thống... tiếp theo là một tuần lễ kinh hoàng và hỗn loạn. Hương là một con số không. Người ta chẳng làm được gì để ngăn chận cuộc tấn công của đối phương. Đến ngày 26/4, đối phương đã cắt đứt đường liên lạc giữa Sài Gòn với nguồn cung cấp thực phẩm chính và với Vũng Tàu, hải cảng duy nhất còn lại. Họ cũng đã hai lần thả bom xuống Sài Gòn như muốn cho chúng tôi nếm trước những gì sẽ xảy ra nếu chúng tôi không đầu hàng”.
Đúng ngày trên, chiến dịch Hồ Chí Minh đã vào giai đoạn tấn công áp gần hướng Đông và Tây Nam Sài Gòn, khống chế và chiếm khu rút lui cuối cùng của quân Sài Gòn ra biển... (Còn tiếp)
Mai Nguyễn