Sau khi Tổng thống Vladimir Putin bất ngờ tuyên bố sửa Hiến pháp Nga, đã có những nhận định ông cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn mãi mãi là lãnh đạo hai thế lực lớn luôn kình chống phương Tây.
Hãng tin AP bình luận hai ông Tập - Putin đã là những lãnh đạo quyền lực lớn nhất từ hàng chục năm qua, và việc ông Putin sửa Hiến pháp Nga được cho là động thái dọn đường giúp ông nắm quyền kiểm soát xứ bạch dương một khi nhiệm kỳ tổng thống của ông kết thúc năm 2024.
Kéo dài quyền lực để thách thức phương Tây
Hiến pháp Nga hiện cấm bất kỳ ai làm tổng thống hơn 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Thế nhưng việc ông Putin yêu cầu sửa Hiến pháp sẽ cho phép ông chuyển qua làm thủ tướng, hoặc tiếp tục điều hành nước Nga ở vị trí lãnh đạo Hội đồng Nhà nước gồm các quan chức liên bang và thống đốc vùng phụ trách tư vấn cho tổng thống. Đây là một cơ quan chính quyền chính thức mà ông Putin muốn thành lập khi lần đầu được bầu làm tổng thống Nga hồi năm 2000.
Giáo sư Sergey Radchenko thuộc khoa Quan hệ Quốc tế (ở Đại học Cardiff) nói: “Tất cả đó là những cơ sở quyền lực tiềm năng, nơi mà ông Putin có thể rút về sau năm 2024, cho phép ông duy trì một sự cân bằng chính trị nhạy cảm trong lúc giật dây từ sau cánh gà”.
Động thái đó bị phương Tây hoài nghi hệt như năm 2018 khi Quốc hội Trung Quốc đã xóa thời hạn 10 năm giữ chức chủ tịch nước, mở đường cho ông Tập lãnh đạo đất nước lâu dài.
Vẫn theo hãng tin Mỹ, việc ông Tập bãi bỏ thời hạn nhiệm kỳ là “một đòn tấn công” vào di huấn của Đặng Tiểu Bình, người nỗ lực thể chế hóa quyền lực tiếp sau thời chủ nghĩa tôn sùng cá nhân Mao Trạch Đông và cơn hỗn loạn chính trị xảy ra từ cuộc Cách mạng Văn hóa (1966-1976) ở Trung Quốc.
AP còn nêu từ vài năm gần đây, ông Tập tạo ra một tiền lệ là không chỉ ra ai sẽ là người kế nhiệm tiềm năng. Điều này dẫn đến đồn đoán ông đã lên kế hoạch tiếp tục cầm quyền sau khi kết thúc nhiệm kỳ 5 năm thứ hai.
Đấy là các động thái khiến phương Tây e ngại hai ông Tập - Putin có thêm nhiều năm cầm cương hai thế lực lớn luôn xung khắc với Mỹ và phương Tây về hàng loạt vấn đề, từ gián điệp kinh tế và chính sách đối ngoại đến dân chủ và nhân quyền.
Cả hai nhà lãnh đạp Nga - Trung đều thể hiện tính cách cứng rắn, sự quyết tâm phục hồi đất nước trở lại thời vinh quang sau thời gian bị phương Tây đè nén.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh : TASS
Phong thái khác nhau của Nga - Trung
Vẫn theo AP, việc lãnh đạo Nga - Trung thách đố các giá trị và quan điểm dân chủ của phương Tây đã được một vài quốc gia lớn - bé hoan nghênh. Thậm chí Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng khen các ông Tập - Putin, đúng vào lúc Mỹ đấu với Nga - Trung nhằm chiếm ưu thế về kinh tế và chiến lược.
Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc có quan điểm khác nhau trong chuyện tác động đến các sự kiện quốc tế. Bắc Kinh dùng đến sức mạnh kinh tế và quân sự, Nga sẵn sàng nhào vào các cuộc chiến tranh như ở Syria và cố gắng gieo tầm ảnh hưởng ở nước ngoài thông qua phương cách tung tin thất thiệt và tấn công mạng để gây hại cho đối phương.
Nhà nghiên cứu Ramon Pacheco Pardo ở Viện Nghiên cứu Quốc tế và châu Âu (thuộc Đại học King’s College London, Anh) nói: “Putin cho rằng Nga ngày nay mạnh mẽ hơn so với hồi kết thúc Chiến tranh Lạnh, khi đã đứng được chân ở vài nơi tại Trung Đông. Nên đây đúng là thời điểm để Nga duy trì và sử dụng quyền lực ấy”.
Phong cách xuất hiện trước công chúng của hai ông Tập - Putin cũng khác nhau. Ông Tập thường phổ biến tầm nhìn một cường quốc Trung Quốc thịnh vượng trong những bài phát biểu đầy khuôn sáo. Nhiệm vụ phê bình phương Tây và phản bác sự chỉ trích này được ông Tập giao cho Ngoại trưởng Vương Nghị. Ông Putin tỏ ra nói nhiều hơn, theo AP. Ông cũng thường có lời chua cay dành cho phương Tây cùng những chỉ trích chính phủ Nga.
Mỹ Trinh (theo AP)