Lằn ranh giữa sự sống và cái chết bên trong các Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân COVID-19 là rất mong manh. Các bác sĩ ở đây phải tranh thủ từng giây, từng phút để hồi sinh lại nhịp đập, kịp thời đưa bệnh nhân thoát khỏi “lưỡi hái thần chết”.

Phút nghẹt thở với ca ép tim giành sự sống cho bệnh nhân COVID-19

Hồ Quang | 19/09/2021, 19:15

Lằn ranh giữa sự sống và cái chết bên trong các Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân COVID-19 là rất mong manh. Các bác sĩ ở đây phải tranh thủ từng giây, từng phút để hồi sinh lại nhịp đập, kịp thời đưa bệnh nhân thoát khỏi “lưỡi hái thần chết”.

Chỉ huy kíp trực hô vang: "chuẩn bị ép tim"

Tiếng bộ đàm vang lên bên trong nhà N4 –một trong 5 khu điều trị hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 nguy kịch của Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đặt tại Bệnh viện Dã chiến số 13 ở TP.HCM.

Lập tức, các nhân sự của bác sĩ phụ trách khu điều trị được kết nối liên tục để kịp thời xử lý mọi tình huống nhanh nhất.

“Alo, alo, hỗ trợ cấp cứu bệnh nhân nguy kịch…”, trong nháy mắt, 2 kíp bác sĩ tập trung quanh 2 giường bệnh ở một góc giữa khu nhà N4. Đó là 2 bệnh nhân nằm tại giường G43 và G46 đang diễn biến rất nguy kịch. Trên màn hình chiếc máy hiện các chỉ số nhịp tim, SPO2, đường mạch… cũng bắt đầu “đi ngang”.

nhung-phut-nghet-tho-gianh-su-song-cho-benh-nhan-covid-19-hinh-anh(2).png
Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Trung tâm Gây mê Hồi sức (Bệnh viện Việt Đức) cùng kíp trực thực hiện ca ép tim cứu bệnh nhân COVID-19 thoát chết - Ảnh: BVCC

Giọng bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Trung tâm Gây mê Hồi sức (Bệnh viện Việt Đức), chỉ huy kíp trực vang lên rành rọt: “Chuẩn bị ép tim…”.

Không khí căng thẳng đến nghẹt thở, cả bác sĩ có mặt, mỗi người một vai trò, trong phút chốc, những chỉ số mạch, SPO2, huyết áp… chuyển từ màu đỏ, thành vàng và xanh… Tất cả thở phào nhẹ nhõm.

Những giọt mồ hôi hiện rõ đằng sau những tấm chắn giọt bắn, bác sĩ Hạnh và đồng đội không giấu được nụ cười hạnh phúc.

"Bệnh nhân giường G43 còn rất trẻ, bị COVID-19 trên nền viêm cơ tim cấp, mới nhập viện được một hôm. Khi nhập viện, bệnh nhân vẫn đáp ứng với thở oxy dòng cao HFNC nhưng đến hôm nay diễn biến rất nhanh. Trước khi cấp cứu khoảng 30 phút, bệnh nhân khó thở. Chúng tôi đã nỗ lực thở máy không xâm nhập nhưng không đáp ứng. Do đó, chúng tôi phải quyết định đặt ống thở sớm cho bệnh nhân”, bác sĩ Hạnh chia sẻ.

Theo bác sĩ Hạnh, những tổn thương phổi, tim nặng thì việc ép tim sẽ không được hiệu quả cao, nhưng bệnh nhân ở giường G43 vừa mới tổn thương, trẻ tuổi nên vẫn còn cơ hội. Hơn nữa, bệnh nhân G43 chưa phải dừng tim, mà tim bắt đầu đập yếu. Thời điểm đó, ép tim mang tính chất hỗ trợ nên sẽ có tác dụng tốt, nên bệnh nhân đáp ứng tốt. Với bệnh nhân này, nếu không ép, thì tim bệnh nhân sẽ đập kém đi và sẽ ngừng, mà khi đã ngừng thì cơ hội để tim đập tiếp rất thấp”.

“Bệnh nhân tại giường G46 điều trị ở đây đã được hơn 10 ngày, tình trạng viêm phổi nặng tăng lên. Do tổn thương phổi cũng đang trên đà xấu đi nên bệnh nhân có tình trạng xấu đi rất nhanh. Chúng tôi đã cấp cứu thở, bệnh nhân rất hợp tác nhưng do tổn thương phổi rất nặng nên đáp ứng kém”, bác sĩ Hạnh cho hay.

Căng mắt dõi theo hơn 50 máy đo chỉ số sinh tồn

Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19, Bệnh viện Việt Đức đặt tại Bệnh viện Dã chiến số 13 ở TP.HCM có 5 khu nhà điều trị: N4, N5, N6, N7, N8 tương ứng với khu điều trị bệnh nhân nguy kịch, nặng đến nhẹ và đủ điều kiện xuất viện.

Bên trong nhà N4 này có hơn 50 giường bệnh, được chia thành 2 dãy, xếp lần lượt ở hai bên tường của khu điều trị, bên cạnh được gắn chặt các thiết bị trợ thở, cùng âm thanh phát ra không có điểm nghỉ.

Những bệnh nhân nằm ở nhà N4 chủ yếu là những bệnh nhân thở oxy dòng cao HFNC, bệnh nhân chuyển nặng, có nhiều bệnh nền và diễn biến nhanh. Tất cả bệnh nhân đều có thể có nguy cơ nặng lên bất cứ lúc nào.

“Tất cả bệnh nhân đều có thể có nguy cơ nặng lên bất cứ lúc nào, nên các kíp trực nào cũng phải trong tâm thế sẵn càng cấp cứu”, bác sĩ Hạnh cho hay.

Kíp trực hôm nay của bác sĩ Hạnh có gần 10 thành viên, bao gồm cả điều dưỡng viên. Tất cả đều căng mắt dõi theo các chỉ số hiện trên màn hình hệ thống máy đo chỉ số sinh tồn, máy thở HFNC hoặc ECMO (tim phổi nhân tạo).

Khoảnh khắc bệnh nhân trở nguy kịch, không chỉ riêng bác sĩ Hạnh mà cả đồng đội, có lẽ, không thể nghĩ được gì hơn. “Tôi áp lực chứ, lúc đó, bản thân phải huy động mọi kỹ năng, kiến thức để tập trung truy tìm nguyên nhân để xem bệnh nhân đang gặp vấn đề gì để xử trí một cách tối ưu nhất, nhanh nhất. Chúng tôi rất vất vả và nguy hiểm, bởi 2 ca bệnh cùng diễn biến nặng nên phải chia đôi nhân lực để kiểm soát 2 bên. May mắn là đã nội khí quản thành công và tình trạng bệnh nhân tạm ổn định”, bác sĩ Hạnh nói rồi thở phào nhẹ nhỏm: “Giờ bệnh nhận coi như đã qua được cơn nguy kịch ban đầu, nhưng quãng thời gian tới thì tiên lượng khá nặng và vẫn còn phải điều trị rất dài”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
8 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phút nghẹt thở với ca ép tim giành sự sống cho bệnh nhân COVID-19