Chỉ là một quán cóc không tên, xe cafe vợt nhỏ của vợ chồng ông Ba Côn đã truyền đến 3 đời và suốt từng ấy năm chưa đóng cửa một lần nào.
Dân Sài Gòn sống lâu quanh khu Tân Định, cầu Kiệu xưa nay ít ai không biết xe cafe cóc trong con hẻm 330 Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận, vừa trờ qua cầu Kiệu một đoạn. Dân tình vốn quen miệng đặt cho nơi đây một biệt danh là cafe "âm phủ" bởi "cafe cóc mà bán không giống ai": thâu đêm suốt sáng, suốt 365 ngày quanh năm kể cả ngày Lễ, Tết và chỉ đóng cửa duy nhất mỗi năm một lần vào 10 phút giao thừa. Khách ở quán đa phần là "khách mối".
Quán cóc không tên, không biển hiệu này là tài sản gia truyền của vợ chồng ông Đặng Ngọc Côn (80 tuổi) và bà Phạm Ngọc Tuyết (75 tuổi), cặp vợ chồng được khách thân thương gọi là "ông Ba", "bà Ba". Ông Ba kể, quán cafe này là của cha ông để lại từ năm 1954, hồi những ngày Pháp còn chiếm đóng, đến nay đã hơn 60 năm.
Kế thừa nghiệp cha, ông mày mò học cách pha cafe bằng vợt vải như kiểu phổ biến lúc bấy giờ ở Sài Gòn, đến sau năm 1975 thì ông cùng vợ dọn về đây. Hiện nay, khi đã ở tuổi "thất thập cổ lai hy" ông vẫn còn cùng vợ đứng bán, dù ban đêm "ca" bán được giao lại cho anh con trai và con dâu tiếp giữ truyền thống gia đình.
Vì quán không có khái niệm giờ mở cửa hay giờ đóng cửa nên cánh cửa ngôi nhà đó luôn để mở, và là địa điểm cho những cuộc chuyện trò thâu đêm, hay những người lao động vội tìm một giấc ngủ giữa cuộc mưu sinh. Bà Ba nói: "Ông bà thường chỉ bán ban ngày, vì tuổi già sức yếu rồi". Thế nhưng, thỉnh thoảng người ta vẫn thấy bà cặm cụi bên xe cafe đến hơn 10 giờ đêm.
Bà Ba đang pha cafe cho khách. |
Ở Sài Gòn hiện chỉ còn chưa đến năm quán cafe còn pha cafe bằng vợt kiểu này. "Vợt này do tôi tự tay may, cái hay của nó là dùng càng lâu, pha càng nhiều thì hương vị cafe được giữ trên đó cũng khiến cafe đậm đà hơn". Sau một thời gian, bà luôn phải kiểm tra xem vợt đã được giặt kỹ chưa hoặc cẩn thận thay mới những chiếc đã hư, rách.
Để có cafe ngon, ông Ba tiết lộ phải lấy cafe về từ những mối quen, đem về tự rang xay theo công thức riêng.
Khách chờ mua xếp hàng đến lượt mình. |
Phạm Nhân, người làm nghề tự do, nói: "Cafe theo kiểu Tây, kiểu Ý mình có uống qua nhiều. Bạn có để ý thấy khi uống cafe pha bằng vợt có nghe mùi khói phảng phất không? Mùi khói từ thùng nước sôi nấu bằng than cho loại cafe này cái vị đó, và khi rót ra nó không bị nguội như các loại cafe thông thường. Uống nóng là ngon nhất". Đến nay, Nhân uống cafe ở quán đã được sáu năm, kể từ khi mới lên Sài Gòn học đại học.
60 năm chưa nghỉ một ngày
Người dân chung quanh đã quen với việc đầu con hẻm 330 lúc nào cũng tấp nập người ra vào, ngồi tràn hết cả hai bên hẻm. Hàng ngày, có đến hàng trăm lượt khách lui tới, khách ngồi lúp xúp ban ngày cũng như quá nửa đêm.
Quán chỉ có vài chiếc bàn gỗ con cũ kỹ đặt sát cửa, còn lại là khách tự bắt ghế nhựa ngồi dựa sát vào tường, lấy thêm chiếc ghế nữa làm bàn rồi ngồi dọc từ đầu hẻm đến trước cửa quán. 9 giờ tối là thời điểm đông khách nhất, khi đầu con hẻm nhỏ nhộn nhịp, người trông xe kiêm luôn bưng bê phải chạy thoăn thoắt vừa dắt xe cho khách xong là chạy ngược vào trong bưng ấm trà.
Những bài báo viết về quán được gia đình lồng khung, treo trang trọng trong nhà. |
Bà không đếm nổi một ngày bán được bao nhiêu ly. Người đàn bà tay đã ngả đồi mồi thoăn thoát chính xác từng động tác một trong công đoạn pha cafe. Khi được hỏi ông Ba đâu, bà Ba mỉm cười chỉ tay lên trên gác, ngụ ý chồng đã đi ngủ rồi. "Thường ngày tôi với chồng bán buổi sáng thôi, nhưng tối nay khách đông nên tôi xắn tay vào phụ con dâu".
Ở quán, người phụ việc không nhiều nên hầu như luôn phải tất bật làm nhiều khâu. Nhưng không phải cứ đông, chủ quán luôn tay rồi sinh ra lơ là khách. Bất kể giờ giấc nào, dù có đông cách mấy người bán vẫn vui vẻ, từ bà Ba, chị con dâu của bà, đến ông chú giữ xe kiêm bưng bê. Thấy ly trà đá của khách chỉ còn một khúc ngắn mà đã vội đi, bà Ba níu lại, trách "sao không uống hết rồi hẵng đi ", rồi một tay châm trà, tay bỏ thêm đá, lấy thêm cái bao xốp để "con bé móc trên xe đi đường uống cho dễ". Mà nào có phải tính thêm tiền, trà đá cho không mà cứ phải gói ghém "coi cho được một chút chứ", rồi cười xuề xoà.
Bà Ba vừa làm vừa hướng dẫn các công đoạn pha cafe bằng vợt. |
Đến hơn 12 giờ đêm mà hàng ghế xếp sát tường vẫn còn rôm rả tiếng nói cười. Khi "lớp" khách này về hết, thì "lớp" khách khác lại đến. Họ là những nhóm khách đặc biệt: người lao động chân tay không nhà. Không chốn về, nhiều người vẫn thường chọn quán cafe của ông bà làm nơi ngả lưng tạm bợ, lấy ly cafe làm cái cớ để nghỉ ngơi sau một ngày vất vả. Ly cafe hớp tạm trên ghế tan theo sương đêm mà có những người đã ngã say vào cơn ngủ, mặc cho đường phố vẫn ồn ào mùi của đêm Sài Gòn.
Một thời hoài niệm
Cafe vợt Sài Gòn trước 1975 vô cùng phổ biến, tuy nhiên sau này thì số lượng của chúng thu hẹp dần để nhường chỗ cho cafe hộp, cafe văn phòng hay cafe Tây Âu của giới trẻ. Cho đến khi chỉ còn vài quán mở cửa thì người Sài Gòn mới giật mình, quay trở về tìm kiếm cafe vợt để vun vén, giữ gìn nó, như sợ mất nó. Trong số những quán cafe vợt Sài Gòn người trẻ thường lui tới nhất, một là quán của ông Ba Côn, hai là một quán của người Hoa nằm ở chợ Thiếc, quận 5.
Một cậu sinh viên nói vui, người ta có thể dễ dàng gặp hình ảnh một người đàn ông dáng dấp dân làm ăn, bước xuống từ xe hơi bóng lộn đến kéo ghế ngồi chung bàn với chú xe ôm đang nhâm nhi cafe đợi khách. Khi ngồi xuống bàn, họ không phân biệt sang hèn đẳng cấp, mà chỉ có ly cafe trước mặt sẽ mở lời cho cuộc tán gẫu giữa những người không quen biết.
Khách ở quán phân chia hai dạng rõ rệt: người trung niên là khách quen hoặc người lớn tuổi ưa ngồi cafe lề đường để ôn giữ hoài niệm, và một bộ phận những người trẻ, thậm chí có phần sành điệu mê cái thú lóc cóc quán xá của thị thành. "Hình ảnh những người cao tuổi, tóc bạc, cụ già ngồi trầm ngâm uống cafe có cái gì đó hoài cổ, hay hay", bạn Khoa, một sinh viên mê thú chơi máy ảnh, phim, nói qua báo đài mà bạn được biết quán và say mê "phong cách hoài cổ ở nơi mà chỉ có thể toát ra từ phong thái của những người Sài Gòn xưa".
Giữa những xô bồ, người ta vẫn tìm cho mình một nơi đi về. Hiếm có quán xá nào mà khi bước vào, người ta toàn gặp người quen. Vì có những thói quen đã ăn sâu vào trong lề lối, nếp sống thường nhật. Cũng hiếm có một nơi có thể tìm được tiếng nói chung giữa những người lớn tuổi với những người trẻ.