Thierry Breton, Giám đốc ngành công nghiệp Liên minh châu Âu (EU), hôm 26.9 đã kêu gọi Tim Cook mở cửa hệ sinh thái phần cứng và phần mềm được bảo vệ nghiêm ngặt của Apple cho các đối thủ.

Quan chức cấp cao EU kêu gọi Tim Cook mở cửa hệ sinh thái của Apple cho các đối thủ

Sơn Vân | 26/09/2023, 21:00

Thierry Breton, Giám đốc ngành công nghiệp Liên minh châu Âu (EU), hôm 26.9 đã kêu gọi Tim Cook mở cửa hệ sinh thái phần cứng và phần mềm được bảo vệ nghiêm ngặt của Apple cho các đối thủ.

Bình luận của Thierry Breton được đưa ra sau cuộc gặp Tim Cook - Giám đốc điều hành Apple ở Brussels (Bỉ).

Thierry Breton nói với Reuters: “Theo Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA), công việc tiếp theo của Apple và các Big Tech (hãng công nghệ lớn) khác là mở cửa cho các đối thủ cạnh tranh. Có thể là ví điện tử, trình duyệt hoặc cửa hàng ứng dụng, người dùng iPhone của Apple sẽ có thể hưởng lợi từ các dịch vụ cạnh tranh của nhiều nhà cung cấp”.

Apple từ chối bình luận về chuyện trên.

DMA  đưa ra danh sách những điều nên làm và không nên làm mà Apple cùng các hãng công nghệ khác phải tuân thủ nhằm tăng tính cạnh tranh.

Thierry Breton cũng nhắm vào lập luận của Apple rằng các vấn đề về bảo mật và quyền riêng tư là lý do khiến hãng có một hệ sinh thái khép kín. Ông nói: “Quy định của EU thúc đẩy sự đổi mới mà không ảnh hưởng đến an ninh và quyền riêng tư”.

Cũng chính vì quy định của EU mà Apple phải từ bỏ cổng Lightning độc quyền để áp dụng USB-C trên dòng iPhone 15.

quan-chuc-cap-cao-eu-keu-goi-tim-cook-mo-cua-he-sinh-thai-cua-apple.jpg
Tim Cook liệu có mở cửa hệ sinh thái phần cứng và phần mềm của Apple cho các đối thủ sau lời kêu gọi từ Thierry Breton? - Ảnh: Getty Images

Hai đạo luật mới của EU sẽ nhắm đến Apple và các hãng công nghệ lớn

EU đang nỗ lực thắt chặt quy định với các hãng công nghệ lớn bằng hai đạo luật mới là DMA và Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA).

DSA có hiệu lực vào ngày 25.8, đặt ra những quy định về nội dung với các nền tảng mạng xã hội, thị trường trực tuyến và cửa hàng ứng dụng. Đạo luật này buộc chủ sở hữu các nền tảng này phải hạn chế các thông tin sai lệch và nội dung tiêu cực như các bình luận mang tính thù địch, nội dung cổ vũ khủng bố và quảng cáo các đồ chơi không an toàn.

Trong khi đó, DMA đặt ra một loạt quy định cấm và nghĩa vụ với các hãng công nghệ có vị thế nổi trội trên thị trường, qua đó thay đổi cách hoạt động kinh doanh của họ tại EU.

Với DSA, chính phủ các quốc gia sẽ có nhiều quyền hơn để buộc các hãng công nghệ lớn dỡ bỏ các nội dung trái phép. Các hãng công nghệ còn có nghĩa vụ nộp các bản đánh giá rủi ro lên Ủy ban châu Âu (EC), trong đó trình bày rõ họ đang giảm thiểu ảnh hưởng của các nội dung độc hại như thế nào.

Nếu EC nhận thấy rằng các hãng công nghệ đã không có đủ các biện pháp ngăn chặn các nội dung độc hại, họ có thể bị yêu cầu phải thay đổi thuật toán quyết định nội dung mà người dùng có thể nhìn thấy. Nếu không tuân thủ, các công ty có thể bị phạt lên tới 6% doanh thu hàng năm.

Quyền ngăn chặn thông tin sai lệch còn được tăng cường trong các thời điểm khủng hoảng như xung đột hay đại dịch. EC sẽ quyết định những yếu tố cấu thành nên một nội dung độc hại. DSA cũng cấm các quảng cáo hướng đến đối tượng trẻ em – một nguồn doanh thu đáng kể với Meta Plaforms (công ty mẹ của Facebook) và Alphabet (công ty mẹ của Google).

Về DMA, 5 tập đoàn công nghệ Mỹ được coi là "người gác cổng" gồm Alphabet, Amazon, Apple, Meta Platforms và Microsoft, cùng ByteDance (Trung Quốc), sẽ đối mặt với các hạn chế mới nghiêm ngặt về cách thức hoạt động. Chẳng hạn như các nền tảng này không được thiên vị các dịch vụ của mình hơn dịch vụ của đối thủ.

DMA cũng cấm các hãng công nghệ kết hợp dữ liệu cá nhân từ các dịch vụ khác nhau của mình, cũng như sử dụng dữ liệu thu thập được từ các bên bán hàng thứ ba để cạnh tranh với họ. Mục đích của DMA là ngăn chặn các hành vi vi phạm luật chống độc quyền để đảm bảo các hãng công nghệ lớn không thể bóp méo sự cạnh tranh trên các thị trường mới.

EC đã nêu tên 22 ứng dụng nền tảng cốt lõi thuộc 6 gã khổng lồ công nghệ nêu trên, trong đó có App Store của Apple, Facebook, Instagram và WhatsApp của Meta Platforms; YouTube và Chrome của Google cũng như Safari của Apple. Các dịch vụ khác là hệ điều hành mà Apple, Microsoft và Google sử dụng cũng như Google Maps, Google Play và Shopping của Alphabet.

Các ứng dụng và dịch vụ trên phải tuân thủ đầy đủ DMA vào ngày 6.3.2024. Một ứng dụng được coi là "người gác cổng" khi có trên 45 triệu người dùng mỗi tháng và trên 10.000 người dùng là doanh nghiệp được thành lập tại EU mỗi năm. Một tập đoàn sẽ bị phạt đến 10% doanh thu toàn cầu nếu vi phạm các quy định về cạnh tranh nghiêm ngặt nhất và thậm chí đến 20% nếu tái phạm.

Theo Thierry Breton, ủy viên phụ trách thị trường nội khối của EU, với DMA và DSA thì khối này đã trở thành nơi đầu tiên trên thế giới mà các nền tảng trực tuyến không còn có thể tự đặt ra quy định của riêng mình. Ông cho rằng quy định mới sẽ hạn chế lợi thế kinh tế của các ứng dụng là "người gác cổng", mang lại cho người dùng nhiều lựa chọn hơn và tạo ra các cơ hội mới cho các hãng công nghệ đổi mới có quy mô nhỏ hơn.

Để tuân thủ DSA, Google cho biết đang mở rộng khả năng tiếp cận dữ liệu được sử dụng trong mảng quảng cáo của nền tảng này và công khai nhiều thông tin hơn về hoạt động kiểm duyệt nội dung cho các dịch vụ như dịch vụ tìm kiếm Google Search.

Về phía mình, Meta Platforms thông báo sẽ chấm dứt việc hướng các quảng cáo đến đối tượng thanh thiếu niên dựa vào hoạt động của họ trên Facebook và Instagram. ByteDance nói sẽ cho phép người dùng báo cáo các nội dung vi phạm. Với DMA, các hãng công nghệ có thời hạn đến tháng 3.2024 để tuân thủ đạo luật này.

DSA tách biệt với DMA, nhưng cả hai đều đi kèm với mối đe dọa về tiền phạt khổng lồ. Trong khi DMA tìm cách hạn chế sức mạnh thị trường của các hãng công nghệ lớn, DSA lại nhằm đảm bảo các nền tảng loại bỏ nội dung độc hại một cách nhanh chóng.

Nhiều cơ quan trong chính phủ Mỹ, gồm cả Bộ Thương mại, bước đầu lên tiếng phản đối các quy định trên của EU vì cho rằng chúng nhắm đến các công ty Mỹ một cách không công bằng. Thế nhưng, các nhà làm luật Mỹ cũng đã đề xuất những dự luật có nội dung tương tự với DSA và DMA.

Các dự luật này bao gồm những điều luật cấm các hãng lớn sử dụng nền tảng của mình để quảng bá cho chính sản phẩm của mình. Các biện pháp khác còn đảm bảo người dùng smartphone có thể tải ứng dụng từ các cửa hàng trực tuyến thay thế. Song cho đến nay, hầu hết các nỗ lực quản lý các hãng công nghệ lớn ở cấp liên bang đều chưa đem lại kết quả đáng kể.

Theo Alphabet, Amazon, Apple, Meta Platforms, Microsoft, ByteDance
Copy Link
Bài liên quan
Reuters: Tòa án tối cao Mỹ đang nghiêng về ủng hộ lệnh cấm TikTok
Tòa án tối cao Mỹ đang xem xét vụ kiện liên quan đến việc cấm hoặc buộc TikTok bán lại quyền sở hữu tại Mỹ, với trọng tâm tranh luận đặt vào những lo ngại về an ninh quốc gia và quyền tự do ngôn luận.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược
2 giờ trước Sự kiện
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ba Lan, sáng 17.1, tại thủ đô Warsaw, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Tổng hợp Warsaw, nhấn mạnh về việc đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược, vì hòa bình và phát triển của hai khu vực Đông Nam Á và Trung Đông Âu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quan chức cấp cao EU kêu gọi Tim Cook mở cửa hệ sinh thái của Apple cho các đối thủ