Luxeed, thương hiệu được phát triển bởi Chery Automobile thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc và gã khổng lồ thiết bị viễn thông Huawei, sẽ ra mắt mẫu ô tô điện đầu tiên vào tháng 11.
S7, một mẫu ô tô điện kiểu coupe, sẽ dựa trên nền tảng E0X của Chery Automobile, theo thông tin trên trang web của Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc. Nền tảng E0X đã được thiết kế cho các mẫu ô tô điện có hệ thống dẫn động cầu sau cùng hai động cơ.
Coupe là dòng xe mui kín thiết kế gần giống với sedan nhưng có 2 cửa, mái dốc về đuôi và không có trụ B nhưng vẫn còn có nhiều biến thể khác nhau, đặc biệt là coupe 4 cửa.
“Chiếc ô tô điện sẽ ra mắt vào cuối tháng 11”, Yu Chengdong, người đứng đầu bộ phận ô tô của Huawei, cho biết trong lễ ra mắt sản phẩm mới hôm 25.9 mà không nêu chi tiết về giá cả, phạm vi lái xe hay các tính năng thông minh.
“Nó sẽ vượt trội hơn Model S của Tesla ở nhiều khía cạnh”, ông tuyên bố.
Yu Chengdong cũng là Giám đốc điều hành nhóm kinh doanh tiêu dùng của Huawei.
Các nhà phân tích cho biết S7 sẽ cạnh tranh với một loạt ô tô điện thuần túy cao cấp đã được người tiêu dùng trung lưu Trung Quốc đón nhận nhờ các công nghệ kỹ thuật số như lái xe tự động, tự đỗ xe và điều khiển kích hoạt bằng giọng nói
Gao Shen, nhà phân tích độc lập ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), bình luận: “Chery Automobile là một khối uy lực trong ngành công nghiệp ô tô và là đối tác mạnh nhất của Huawei trong việc phát triển ô tô thông minh cho đến nay. Hy vọng lớn đã đổ dồn vào Luxeed vì sự kết hợp giữa sức mạnh công nghệ của Huawei và sức mạnh sản xuất từ Chery Automobile”.
Có trụ sở tại tỉnh An Huy phía đông Trung Quốc, Chery Automobile chuyển đổi sang ô tô điện trong bối cảnh chúng được áp dụng nhanh chóng ở Trung Quốc và nước ngoài. Năm 2018, Chery Automobile thành lập Jetour, công ty con để khai thác thị trường này. Jetour đã giao hơn 180.000 ô tô điện vào năm 2022, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bị Mỹ trừng phạt từ tháng 5.2019, Huawei thâm nhập vào lĩnh vực ô tô điện sau khi công bố giải pháp ô tô thông minh Huawei HI vào tháng 4.2021. Hệ thống Huawei HI bao gồm một hệ thống điện toán, radar hình ảnh 4D, nền tảng lái xe tự động và quản lý nhiệt thông minh.
Huawei đã và đang cung cấp cho các hãng như Arcfox và Avatar Technology chip ô tô, cảm biến lidar và các công nghệ cho phép ô tô kết nối internet và với nhau.
Vào cuối năm 2021, Huawei đã ra mắt thương hiệu Aito với nhà sản xuất ô tô Seres để sản xuất những chiếc xe điện hạng sang được bán tại các cửa hàng Huawei trên khắp Trung Quốc. Yu Chengdong cho biết M9 của Aito, mẫu xe điện thể thao đa dụng sang trọng cỡ lớn, sẽ có mặt tại thị trường Trung Quốc vào tháng 12.
Theo dự báo của ngân hàng UBS, Trung Quốc (thị trường ô tô và xe điện lớn nhất thế giới) dự kiến sẽ chứng kiến doanh số bán ô tô điện sạc pin tăng trưởng 55% trong năm nay, dự kiến đạt 8,8 triệu chiếc. Tuy nhiên, thị trường ô tô điện Trung Quốc có đến 200 công ty tham gia và mối lo ngại ngày càng gia tăng về tình trạng dư thừa sản lượng nghiêm trọng.
Tesla (có trụ sở tại thành phố Austin, bang Texas, Mỹ) hiện là công ty dẫn đầu trong lĩnh vực ô tô điện cao cấp của Trung Quốc. Model 3 sản xuất tại Thượng Hải, có giá từ 259.900 nhân dân tệ (35.554 USD) đến 295.900 nhân dân tệ, là chiếc ô tô điện cao cấp bán chạy nhất ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, Tesla đang phải đối mặt sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các công ty khởi nghiệp ô tô điện của Trung Quốc như Nio, Li Auto và Xpeng, cung cấp những phương tiện được coi là có nhiều tính năng thông minh hơn.
Giữa tháng 8 vừa qua, Tesla đã giảm giá mẫu Model Y phiên bản tiêu chuẩn Long-range và phiên bản Performance cao cấp nhất tại thị trường Trung Quốc.
Tesla giảm 14.000 nhân dân tệ (1.934,58 USD) trong giá khởi điểm của cả hai phiên bản nói trên. Theo đó, giá khởi điểm của Model Y Long Range giảm 4,5% xuống 299.900 nhân dân tệ, còn giá khởi điểm Model Y Performance hiện còn 349.900 nhân dân tệ, giảm 3,8%.
Cũng trong thông báo này, Tesla cho biết sẽ cung cấp khoản trợ cấp bảo hiểm trị giá 8.000 nhân dân tệ tại Trung Quốc cho những những khách hàng mua ô tô điện Model 3 phiên bản entry-level và rear-wheel-drive trong thời gian từ ngày 14.8 – 30.9.
Tháng 8, Giám đốc điều hành Elon Musk cho biết Tesla có thể tiếp tục giảm giá, kể cả khi chiến lược này làm giảm mạnh tỷ suất lợi nhuận của hãng này.
Tesla đã nhiều lần triển khai chiến lược giảm giá tại Mỹ, Trung Quốc và nhiều thị trường khác kể từ cuối năm ngoái, đồng thời gia tăng các chương trình chiết khấu và đưa ra nhiều ưu đãi khác để giảm lượng ô tô điện tồn kho, trong nỗ lực “tự vệ” trước sự cạnh tranh và tình hình kinh tế bất ổn.
Theo Forbes, các đối thủ trong nước của Tesla cũng chịu áp lực bán ô tô điện với mức giảm giá 3% của Xpeng và 3,2% tại Nio.
Tesla đã khởi động cuộc chiến giá cả vào tháng 10.2022 và trong năm nay với nhiều đợt giảm giá hơn khiến Model Y và Model 3 (hai mẫu ô tô điện bán chạy nhất của hãng) ở Trung Quốc được bán lẻ với giá thấp hơn khoảng 1/3 so với tại Mỹ.
Gần đây, Tesla đang mất dần thị phần và chứng kiến doanh số bán ô tô điện sản xuất ở Trung Quốc giảm khoảng 1/3 ở tháng 7 so với tháng 6, trong khi BYD mở rộng vị trí dẫn đầu với dòng ô tô điện Dynasty và Ocean.
Elon Musk nói với các nhà đầu tư rằng "thật hợp lý khi hy sinh lợi nhuận để sản xuất nhiều phương tiện hơn bởi chúng tôi nghĩ rằng trong tương lai không xa, chúng sẽ có mức tăng giá trị đáng kể".
Hiệp hội Xe chở khách Trung Quốc cho biết doanh số bán ô tô trong nước vào tháng 7 là 1,79 triệu chiếc, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Hiệp hội Xe chở khách Trung Quốc, Tesla đã bán được 64.285 ô tô điện trong tháng 8, giảm 31% so với tháng 6 và giảm 16,5% so với tháng 7.2022.