Tham vọng mở rộng lĩnh vực mua sắm trực tuyến của TikTok phải đối mặt với cú sốc lớn từ các quy định mới ở Indonesia nhằm hạn chế công ty Trung Quốc tại thị trường thương mại điện tử lớn nhất của họ.

Tham vọng mở rộng mua sắm online của TikTok ảnh hưởng nặng nề vì quy định ở Indonesia

Sơn Vân | 26/09/2023, 15:39

Tham vọng mở rộng lĩnh vực mua sắm trực tuyến của TikTok phải đối mặt với cú sốc lớn từ các quy định mới ở Indonesia nhằm hạn chế công ty Trung Quốc tại thị trường thương mại điện tử lớn nhất của họ.

Indonesia cấm các công ty truyền thông xã hội tạo điều kiện thanh toán thương mại điện tử trực tiếp trên nền tảng của họ, Bộ trưởng Thương mại Zulkifli Hasan cho biết hôm 25.9. Động thái này nhắm vào TikTok của tập đoàn ByteDance (Trung Quốc), đồng nghĩa công ty sẽ chỉ có thể quảng cáo sản phẩm chứ không thể thực hiện các giao dịch trực tiếp.

Quy tắc trên là một phần của các quy định thương mại mới được Indonesia thắt chặt và Bộ Thương mại dự kiến sẽ công bố hôm 26.9 hoặc sắp tới. Chính sách này nhằm mục đích giữ cho 64,2 triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa của Indonesia (đóng góp 61% tổng sản phẩm quốc nội) không bị các công ty thương mại xã hội chèn ép.

Hiện TikTok là công ty truyền thông xã hội duy nhất cho phép giao dịch thương mại điện tử trực tiếp trên nền tảng của mình.

Indonesia là thị trường đầu tiên và lớn nhất của TikTok Shop và mua sắm trực tuyến đã trở thành tính năng phát triển nhanh nhất ứng dụng này với lượng người hâm mộ ngày càng tăng ở quốc gia Đông Nam Á. TikTok đang đặt cược vào Indonesia với một kế hoạch chi tiết để mở rộng sang các thị trường mua sắm trực tuyến khác, gồm cả Mỹ.

Với quy định mới, Indonesia sẽ là nước đầu tiên ở Đông Nam Á ngăn TikTok thực hiện giao dịch thương mại điện tử.

Việc giải quyết quy định này ở Indonesia sẽ là vấn đề then chốt với TikTok khi các chính phủ trên toàn thế giới đang đánh giá cách quốc gia lớn nhất Đông Nam Á hành động nhằm hạn chế sự hiện diện thương mại điện tử đang phát triển của gã khổng lồ truyền thông xã hội, chỉ vài tháng sau khi TikTok cho biết sẽ đầu tư hàng tỉ USD vào khu vực Đông Nam Á.

TikTok đang chịu lệnh cấm của Ấn Độ vì lo ngại an ninh quốc gia và sự giám sát chặt chẽ từ Mỹ, châu Âu.

TikTok đã phản đối chính sách được đề xuất của Indonesia. Công ty lập luận rằng việc tách phương tiện truyền thông xã hội và thương mại điện tử thành các nền tảng khác nhau không chỉ cản trở sự đổi mới mà còn gây bất lợi cho hàng triệu thương nhân và người tiêu dùng Indonesia. TikTok cho biết nhiều người trong số họ dựa vào nền tảng này để kiếm sống.

Người phát ngôn TikTok Indonesia cho biết trong một tuyên bố: “Thương mại xã hội ra đời để giải quyết vấn đề thực tế cho những người bán hàng nhỏ truyền thống ở địa phương, bằng cách kết nối họ với những người sáng tạo địa phương có thể giúp tăng lưu lượng truy cập đến các cửa hàng trực tuyến của họ. Dù tôn trọng luật pháp và quy định của địa phương, chúng tôi hy vọng rằng các quy định này sẽ tính đến tác động của nó với sinh kế của hơn 6 triệu người bán và gần 7 triệu người sáng tạo liên kết sử dụng TikTok Shop”.

tham-vong-mo-rong-mua-sam-online-cua-tiktok-anh-huong-nang-ne-vi-quy-dinh-moi-o-indonesia.jpg
Indonesia cấm các công ty truyền thông xã hội tạo điều kiện thanh toán thương mại điện tử trực tiếp trên nền tảng của họ, ảnh hưởng nặng nề đến tham vọng mở rộng mua sắm online của TikTok - Ảnh: EPA-EFE

Các nhà bán lẻ trực tuyến truyền thống sẽ được hưởng lợi từ các hạn chế với TikTok Shop. Cổ phiếu Sea, công ty có đơn vị Shopee dẫn đầu về mua sắm trực tuyến ở Indonesia, đã tăng 12% trong phiên giao dịch tại New York (Mỹ) hôm 26.9. Cổ phiếu GoTo Group, công ty mẹ của nhà bán lẻ trực tuyến Tokopedia, tăng tới 5,8% trong phiên giao dịch sớm ở Jakarta (thủ đô Indonesia).

Việc Indonesia có thể tách biệt hoạt động thương mại điện tử và truyền thông xã hội của TikTok tại có thể gây trở ngại cho việc chuyển đổi thêm nữa của 125 triệu người dùng hàng tháng (MAU) tại địa phương thành người mua sắm, điều này mang lại lợi ích cho Shopee của Sea. Giống như TikTok Shop, Shopee dựa vào lĩnh vực làm đẹp và chăm sóc cá nhân cho hầu hết doanh số bán hàng nội địa.

Tokopedia của GoTo, có 34 triệu MAU trong tháng 8 so với 138 triệu MAU của Shopee và 37 triệu MAU của Lazada thuộc sở hữu Alibaba, nên có khả năng tốt hơn để bảo vệ thị phần GMV (tổng giá trị giao dịch) tại Indonesia, nơi đã đóng góp 90% doanh số bán hàng của tập đoàn vào năm 2022”, Nathan Naidu, nhà phân tích tại Bloomberg Intelligence, nhận định.

Tổng thống Indonesia - Joko Widodo thông báo nước này có thể sẽ công bố các quy định mới vào ngày 26.9 nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động bán hàng trên mạng xã hội.

Đây là động thái để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như tiểu thương trước sức ép cạnh tranh từ TikTok.

"Chúng tôi vừa có quyết định liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội cho thương mại điện tử. Có lẽ ngày 26.9 sẽ có thông báo chính thức", ông Joko Widodo nói với Reuters.

"Điều mà mọi người đang kỳ vọng là tiến bộ trong công nghệ có thể tạo ra những tiềm năng kinh tế mới, chứ không phải bóp nghẹt các hoạt động kinh tế hiện có", nhà lãnh đạo Indonesia nói thêm.

Hiện các quy định về giao dịch thương mại ở Indonesia vẫn chưa có điều khoản liên quan đến việc bán hàng trực tiếp thông qua mạng xã hội, cụ thể là bán hàng qua TikTok.

Trong một sự kiện ở tỉnh East Kalimantan cuối tuần qua, ông Joko Widodo đề cập chi tiết hơn về những ảnh hưởng của các gã khổng lồ mạng xã hội như TikTok với các tiểu thương cùng doanh nghiệp vừa và nhỏ.

"Mạng xã hội này (TikTok) gây ảnh hưởng cho năng suất của khối tiểu thương cũng như doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời tác động tiêu cực cho các thị trường truyền thống. TikTok chỉ nên giữ vai trò là nền tảng mạng xã hội chứ không là trung gian cho hoạt động kinh doanh", Tổng thống Indonesia tuyên bố.

TikTok thông báo đang có khoảng 325 triệu người dùng mỗi tháng ở Đông Nam Á. Trong số này có 125 triệu người ở Indonesia. Khoảng 2 triệu doanh nghiệp nhỏ ở Indonesia đang hoạt động trên các cửa hàng trực tuyến của TikTok.

Bài liên quan
Senegal chặn truy cập internet sau khi cấm TikTok, người dân gánh hậu quả
Nhiều năm qua, một số chính phủ trên thế giới đã chỉ trích các mạng xã hội vì vai trò của chúng trong việc lan truyền thông tin sai lệch, kích động bạo lực và những cuộc nổi dậy.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tham vọng mở rộng mua sắm online của TikTok ảnh hưởng nặng nề vì quy định ở Indonesia