Quảng Ngãi xác định mục tiêu đến năm 2030 là tỉnh công nghiệp với hai ngành công nghiệp chủ lực là lọc hóa dầu và luyện kim thép.

Quảng Ngãi đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm công nghiệp và lọc dầu

Quế Sơn | 16/03/2023, 15:20

Quảng Ngãi xác định mục tiêu đến năm 2030 là tỉnh công nghiệp với hai ngành công nghiệp chủ lực là lọc hóa dầu và luyện kim thép.

Ngày 16.3, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh đã chủ trì Hội nghị thẩm định quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho biết tỉnh đã lựa chọn kịch bản phát triển theo hướng hài hòa, bền vững. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 là 7,25-8,25%, trong đó 2021-2025 là 7-8% và 2026-2030 là 7,5-8,5%.

Quảng Ngãi xác định mục tiêu đến năm 2030 là tỉnh phát triển khá của cả nước, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước; là tỉnh công nghiệp với hai ngành công nghiệp chủ lực là lọc hóa dầu và luyện kim thép.

Hướng tới năm 2050, Quảng Ngãi trở thành tỉnh phát triển bền vững và đa dạng với các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao tập trung tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung.

Để phục vụ cho các mục tiêu phát triển, Quảng Ngãi xác định 3 tầm nhìn chiến lược gồm: phát triển dựa trên những ưu thế riêng của mình, hướng đến mô hình phát triển kiểu mẫu bền vững; trở thành điểm đến mới, chuyên sâu trên cung kinh tế trọng điểm miền Trung; kết hợp Quảng Nam phát huy lợi thế riêng có để trở thành trung tâm công nghiệp, hậu cần cảng biển, kinh tế biển - đảo, kinh tế rừng xanh, hành lang kinh tế Đông - Tây.

Bên cạnh đó, theo lãnh đạo tỉnh, trên cơ sở phân tích thực trạng, nhận diện được các thế mạnh, điểm yếu của từng vùng, khu vực trên địa bàn tỉnh, quy hoạch tỉnh cũng đã định hình không gian, tầm nhìn phát triển thể hiện qua cấu trúc 4 hành lang kinh tế chiến lược, 5 vùng liên huyện kết nối, 6 không gian kinh tế động lực.

4 hành lang kinh tế chiến lược

Hành lang kinh tế Bắc Nam: Dung Quất - TP.Quảng Ngãi - Sa Huỳnh (hành lang Bắc Nam quốc gia); Hành lang Ba Vì (Ba Tơ) - Sơn Hà - Sơn Tây - Trà Bồng (hành lang liên kết nội tỉnh, dọc theo tỉnh lộ 622, 626 và 24B kết nối từ Trà Bồng đến Ba Tơ); Hành lang Lý Sơn - Dung Quất - Trà Bồng - Trà My dọc quốc lộ 24C mở rộng kết nối Trà My, và cửa khầu Nam Giang (Hành lang Đông Tây phía bắc); Hành lang kinh tế dọc Quốc lộ 24 Sa Huỳnh - Ba Tơ - Bờ Y: từ Phổ An đi Thạch Trụ - Phổ Phong đến Ba Tơ - Kon Tum - Bờ Y - Ngọc Hồi (Hành lang Đông Tây phía nam).

6 không gian kinh tế động lực

Thành phố Quảng Ngãi và vùng phụ cận (khu vực A): Vùng phụ cận thuộc một phần các Huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành. Trong đó, thành phố Quảng Ngãi đóng vai trò thủ phủ của tỉnh, trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, thương mại dịch vụ đô thị.

Vùng động lực công nghiệp của tỉnh (khu vực B): Bao gồm huyện Bình Sơn (Khu kinh tế Dung Quất) và một phần huyện Trà Bồng, một phần huyện Sơn Tịnh là trọng điểm công nghiệp và dịch vụ hậu cần.

Khu vực kinh tế sinh thái biển (khu vực C): Bao gồm thị xã Đức Phổ và huyện Mộ Đức. Phát triển khu vực trở thành trung tâm đầu mối kinh tế sinh thái biển Quảng Ngãi với trung tâm là thị xã Đức Phổ, hình thành trung tâm hậu cần nghề cá của khu vực, gắn với công nghiệp hậu cần nghề cá, trung tâm đầu mối, giao thương thủy sản hoàn thành chuỗi giá trị ngành hàng.

Khu vực kinh tế rừng xanh (khu vực D): Bao gồm các huyện Trà Bồng, Sơn Tây, Minh Long, Ba Tơ. Hình thành các trung tâm kinh tế miền cao, hướng tới đột phá kinh tế rừng cho Quảng Ngãi.

Hành lang nông nghiệp bền vững (khu vực E): Bao gồm các khu vực có địa hình tương đối bằng phẳng thuận lợi phát triển nông nghiệp xen giữa các khu vực đồi núi thuộc địa giới hành chính của các huyện Nghĩa Hành, Mộ Đức, một phần huyện Sơn Tịnh, Sơn Hà, Minh Long, Ba Tơ. Hướng tới giảm thâm dụng tài nguyên và bảo tồn đa dạng sinh học, hình thành các hành lang kinh tế hỗn hợp - tuần hoàn.

Đảo Lý Sơn, "ngọc lớn - ngọc bé" của Biển Đông (khu vực F): Đảo Lý Sơn với định hướng phát triển đảo Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển - đảo.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh cho rằng Quảng Ngãi thời gian tới phải cơ cấu lại các ngành, không được quá phụ thuộc vào khu kinh tế Dung Quất, nhà máy lọc dầu hay nhà máy thép.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng lưu ý Quảng Ngãi cần tận dụng hết các mối liên kết kinh tế với Quảng Nam, Bình Định, nhất là với khu kinh tế Chu Lai. Hai khu kinh tế bên cạnh nhau cần tạo ra mối liên kết chặt chẽ để trở thành một tổ hợp công nghiệp lớn của cả nước.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
một giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quảng Ngãi đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm công nghiệp và lọc dầu