Mặc dù đã nhiều lần xin gia hạn giãn tiến độ và cam kết hoàn thành, đưa dự án đi vào hoạt động, song đến nay dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) vẫn chưa thể hoàn thành và khó có thể đi vào hoạt động theo cam kết mới nhất.
>> Nhà máy cứu 'vỡ trận rác' ở Quảng Ngãi lại chậm tiến độ
>> Chủ tịch Quảng Ngãi nhờ Bộ TNMT vào xử lý vấn đề rác thải
Yêu cầu khẩn trương thi công nhà máy, tái khởi động bãi chứa tạm
Cuối tháng 8.2018, người dân xã Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ) phản đối và chặn nhà máy xử lý rác thải huyện Đức Phổ không cho hoạt động vì ô nhiễm, đánh dấu một sự bế tắc kéo dài về xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn toàn tỉnh này.
Cùng với nhiều hoạt động nhằm cứu vãn tình hình, tỉnh này liên tục hối thúc đầu tư và hoàn thành dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ ở huyện Tư Nghĩa nhằm cứu vỡ trận rác ở thành phố Quảng Ngãi và các địa phương lân cận.
Thế nhưng, từ đó đến nay nhà máy rác Nghĩa Kỳ vẫn chưa hoàn thành và đưa vào hoạt động sau nhiều lần xin giãn tiến độ.
Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ liên tục chậm tiến độ
Nhiều địa phương trong địa bàn tỉnh Quảng Ngãi như TP.Quảng Ngãi, huyện Tư Nghĩa, huyện Sơn Tịnh phải tự xử lý lượng rác trên địa bàn; nơi thì người dân vì không chịu nổi mùi hôi thối từ rác tìm cách thiêu hủy, nơi thì ùn ứ nằm la liệt khắp trên đường Quốc lộ 1A. Riêng TP.Quảng Ngãi buộc phải tái mở cửa bãi chứa rác Đồng Nà, xã Tịnh Thiện.
Trước tình hình trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi vừa có công văn yêu cầu Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển xây dựng Miền Bắc (chủ đầu tư nhà máy rác Nghĩa Kỳ) khẩn trương thi công, lắp đặt hệ thống lò đốt thứ 2 và đưa vào vận hành thử nghiệm trước ngày 1.8.2019; đồng thời, thi công hoàn thành các hạng mục công trình còn lại, đảm bảo Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ hoạt động chính thức trước ngày 30.9.2019.
UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng giao Sở Kế hoạch -Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và giám sát tiến độ thực hiện dự án của nhà đầu tư; đồng thời, hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết các vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; báo cáo UBND tỉnh về kết quả thực hiện. Trường hợp dự án tiếp tục chậm trễ tiến độ, khẩn trương đề xuất UBND tỉnh xem xét, xử lý theo đúng quy định.
UBND huyện Tư Nghĩa cũng tăng cường tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân ủng hộ, chia sẻ những khó khăn của huyện và tỉnh, không cản trở việc tiếp nhận, vận hành xử lý rác thải sinh hoạt tại Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ nhằm đảm bảo bảo vệ môi trường của địa phương.
Các địa phương của tỉnh Quảng Ngãi đang bị rác thải gây ô nhiễm
Trước đó, vào ngày 24.5.2019, UBND huyện Tư Nghĩa cũng đã tổ chức đối thoại với người dân xã Nghĩa Kỳ về những vướng mắc liên quan đến nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ và việc di dời và tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Nhưng đến nay vẫn chưa thấy có phương án nào để xử lý và di dời, tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi nhà máy.
Trước đó, vào ngày 6.7.2018, người dân xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa đã lập rào chắn không cho xe thu gom rác vào nhà máy, nên toàn bộ rác của thành phố Quảng Ngãi đang được thu gom, vận chuyển tới bãi rác Đồng Nà (xã Tịnh Thiện, thành phố Quảng Ngãi) để tìm cách xử lý.
Chủ đầu tư than khó kịp ngày ấn định
Ông Nguyễn Tấn Pháp - Giám đốc chi nhánh Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển xây dựng Miền Bắc tại Quảng Ngãi cho biết: “Công ty đã cam kết với UBND tỉnh thì sẽ nỗ lực, đẩy nhanh tiến độ để đưa nhà máy đi vào hoạt động trước ngày 30.9.2019”.
“Tuy nhiên, nếu nói chắc chắn nhà máy sẽ chính thức đi vào hoạt động trước ngày 30.9.2019 thì rất khó có thể bởi theo kinh nghiệm xây dựng của chính mình, vận hành nhiều nhà máy thì sau khi lắp đặt xong lò đốt cần nhiều thời gian để vận hành thử nghiệm, lấy mẫu khí thải của lò đốt...”, ông Pháp nói.
Nhà máy vẫn chưa kịp hoàn thành tiến độ theo ấn định mới nhất
Đến nay, nhà máy vẫn đang vận hành thử nghiệm lò đốt thứ nhất, còn lò đốt thứ 2 dự kiến đến cuối tháng 7.2019 sẽ lắp đặt. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất đối với công ty hiện nay là tài chính, để hoàn thành dự án thì công ty còn thiếu một khoảng kinh phí cũng khá là lớn khoảng 30 tỉ đồng. Do lò đốt thứ nhất chưa chính thức hoạt động nên công ty chưa thể vay được vốn thương mại, hiện công ty đang xoay sở từ các nguồn vốn khác”, ông Pháp cho biết thêm.
Ông Lương Thạnh (người dân xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) bức xúc: “Chúng tôi phải chịu đựng cảnh sống chung với rác trong một thời gian dài, cứ cách vài hôm không chịu nổi lại ra thu dọn, xử lý, thiêu hủy, bớt phần nào mùi hôi thối bốc lên từ các đống rác đó, trời nắng mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, rất kinh khủng. Nghe đâu nhà máy rác Nghĩa Kỳ xây dựng cũng đã lâu sao vẫn chưa thấy đưa vào hoạt động. Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn người dân chúng tôi chính là người bị ảnh hưởng lớn nhất, rồi cũng sinh bệnh mà chết thôi”.
Tháng 5.2016, UBND tỉnh Quảng Ngãi quyết định chấp thuận cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển xây dựng miền Bắc - chi nhánh Quảng Ngãi, đầu tư nhà máy xử lý rác thải Nghĩa Kỳ với tổng nguồn vốn trên 298 tỉ đồng. Theo quyết định này, chủ đầu tư phải hoàn thành dự án vào tháng 8.2017. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư đã có nhiều lần xin điều chỉnh tiến độ dự án.
Đến tháng 7.2018, người dân tại bãi rác Nghĩa Kỳ ngăn cản xe chở rác vào bãi rác Nghĩa Kỳ vì ô nhiễm. Điều này khiến rác thải tại TP.Quảng Ngãi, huyện Tư Nghĩa, Sơn Tịnh và Nghĩa Hành dồn ứ khắp nơi. Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh Quảng Ngãi quyết định mở cửa bãi rác Đồng Nà để tiếp nhận rác của TP.Quảng Ngãi. Các địa phương còn lại được yêu cầu tự xử lý đợi đến lúc nhà máy xử lý rác Nghĩa Kỳ hoàn thành.
Cùng với đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ra "tối hậu thư" cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển xây dựng miền Bắc - chi nhánh Quảng Ngãi. Theo đó, đến 30.9 chủ đầu tư phải hoàn thành đưa nhà máy xử lý rác vào hoạt động, nếu không UBND tỉnh sẽ rút giấy phép.
>> Vụ phản đối nhà máy rác ở Quảng Ngãi: Người dân chưa chấp nhận cách giải thích của tỉnh
>> Quảng Ngãi sẽ khởi tố 9 bị can chặn QL1A đêm 2.9
>> Trưởng Ban tuyên giáo tỉnh Quảng Ngãi phản hồi bài báo "Tiếng dân và lòng dân"
Bài, ảnh: Lê Đình Dũng