Palau – quốc gia phía tây Thái Bình Dương, nằm cách Việt Nam 3.000 km, có biên giới biển chung với Philippines và Indonesia. Cho đến nay, Palau vẫn chưa xác nhận ca nhiễm nào.
COVID-19 đã lan đến khắp hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Cách đây 1 tuần, Lào – láng giềng của Việt Nam vẫn tự hào khi chưa ghi nhận được ai nhiễm COVID-19 nhưng giờ thì mọi thứ không còn như trước. Tuần qua, cả Myanmar và Lào đều xác nhận có người nhiễm COVID-19 và khiến tất cả các nước Đông Nam Á đều có người bị nhiễm chủng coronavirus mới này. Câu hỏi đặt ra với nhiều người lúc này là: Vậy quốc gia gần Việt Nam nhất chưa có người nhiễm COVID-19 là nước nào?
Câu trả lời là Palau – quốc gia phía tây Thái Bình Dương, nằm cách Việt Nam 3.000 km, có biên giới biển chung với Philippines và Indonesia. Cho đến nay, Palau vẫn chưa xác nhận ca nhiễm nào. Hồi tháng 3, Palau đã có ca nghi nhiễm COVID-19 đầu tiên nhưng may thay kết quả xét nghiệm cho ra âm tính. Có lẽ vì thế, các biện pháp hạn chế tại Palau vẫn còn khá lỏng lẻo.
Phải mãi đến 19.3, chính quyền Palau mới cho đóng cửa các trường học đến 3.4 như một biện pháp phòng ngừa cho đại dịch COVID-19. Chính phủ nói đây là một biện pháp phòng ngừa mặc dù Palau không có ca nhiễm coronavirus.
Động thái này cũng được coi là một phản ứng mang tính chất đối phó trước sự phản đối kịch liệt của dân chúng với bản thông báo trước đó của Bộ Giáo dục yêu cầu các trường học phải mở cửa giảng dạy bình thường trong đại dịch COVID-19. Phó Tổng thống Raynold Oilouch, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Khẩn cấp Quốc gia, cũng không khuyến khích các cuộc tụ họp đông hơn 50 người.
Dù cho đóng cửa trường học và hoãn lại vô thời hạn tất cả các sự kiện, hội thảo và lễ hội đông người nhưng Tổng thống Tommy Remengesau Junior không chấp thuận lệnh cấm di chuyển với công chức. Ông nói rằng các văn phòng chính phủ vẫn sẽ phải mở và công chức vẫn phải đi làm trừ khi bị ốm.
"Hãy để tôi nhấn mạnh lại một vài điều rất quan trọng, thứ nhất là không có người nhiễm coronavirus ở Palau, thứ hai, chính phủ chúng ta phải tiếp tục thực hiện trách nhiệm của mình và phục vụ cho người dân, thứ ba và cũng quan trọng nhất là không tiến hành cách ly hàng ngàn người khỏe mạnh nhưng cần đảm bảo ai đã bị cúm thì không đến nơi làm việc gây nguy cơ lây nhiễm cho những người khác", ông Remengesau nói.
Tổng thống Palau kêu gọi công chúng chỉ ở nhà nếu họ cảm thấy bị bệnh còn những người khỏe mạnh nên tiếp tục làm việc ngoài xã hội và trấn an người dân đừng hoảng sợ. Ông Remengesau cho biết những người lớn tuổi và những người có tình trạng sức khỏe yếu có nguy cơ cao hơn phần còn lại nhưng ông cũng nói kể cả nhiễm bệnh thì vẫn có khả năng khỏi. "Đối với phần còn lại của chúng ta, đây giống như bệnh cúm. Nếu bạn khỏe mạnh và dù virus đến với bạn, bạn vẫn sẽ sống sót", ông nói thêm. Bộ trưởng y tế có vẻ dửng dưng khi cho rằng COVID là điều khó tránh khỏi.
Quốc hội đã trích thêm gần một triệu USD cho Quỹ Ủy thác của Bệnh viện. Quốc hội cũng cho phép trích 6 triệu USD tiền dự trữ để giúp duy trì hoạt động của bộ máy chính phủ trong bối cảnh doanh thu du lịch giảm. Điều đáng lo nhất với chính quyền chính là nguồn thu chính từ du lịch bị sụt giảm.
Trong một cuộc họp với Hiệp hội Du lịch Palau, tổng thống tuyên bố sẽ giúp các doanh nghiệp gặp khó khăn do du khách suy giảm trong mùa coronavirus, hứa hẹn cắt giảm thuế, kéo dài thời gian và lịch trình thanh toán thuế.
Theo một số khách sạn ở Palau, tỷ lệ lấp đầy phòng đã giảm xuống dưới 25%. Giờ làm việc cho nhân viên cũng phải cắt giảm. Tác động của coronavirus đã khiến du khách giảm mạnh trong tháng 2, tỷ lệ đăng ký phòng giảm 42 % so với cùng kỳ năm 2019.
Theo thống kê mới nhất của Palau, trong tháng 2.2020, lượng khách đến Palau chỉ đạt tổng cộng 5.613, giảm 4.162 so với tháng 2.2019, thời điểm thu hút đến 9.776 lượt khách, bằng một nửa dân số nước này.
Mặc dù Palau không đóng cửa sân bay và cảng biển, các chuyến bay từ đảo Guam sẽ giảm xuống còn một lần một tuần bắt đầu từ ngày 26.3. Các chuyến bay từ Manila đã phải dừng cho đến ngày 3.5.
Thực ra với 18.000 dân thì việc kiểm soát tại Palau cũng dễ dàng. Ngoài ra còn nhiều quốc đảo Thái Bình Dương có đông dân hơn vẫn chưa bị nhiễm như Solomon gần 700.000 dân, Vanuatu hơn 300.000 dân, Kiribati, Tonga hơn 100.000 dân…
Các quốc gia này đang cố gắng biến những điểm yếu điển hình của họ - bị cách biệt ngoài khơi - thành điểm mạnh, Jonathan Pryke, giám đốc Chương trình Quần đảo Thái Bình Dương tại Viện Lowy, một cơ quan cố vấn có trụ sở tại Úc nói. Nhưng một khi bị dịch lan đến thì rất nguy hiểm, giống như kiểu bệnh dịch trên một du thuyền hay tàu sân bay. "Bởi vì các hệ thống y tế các nước này rất mong manh, nên họ sẽ không thể đối phó với một ổ dịch lớn", ông Jonathan Pryke phân tích.
Tuy nhiên, cũng không thể coi việc biệt lập giữa biển là lợi thế quyết định vì trong thế giới phẳng hiện giờ thì không có nơi nào tách biệt hoàn toàn. Bằng chứng là nhiều đảo quốc khác ở Thái Bình Dương đã xuất hiện những ca nhiễm đầu tiên.
Tính đến cuối tuần qua, coronavirus đã được xác nhận ở Papua New Guinea, Fiji cũng như 2 vùng lãnh thổ thuộc Pháp là Polynesia và New Caledonia. Lãnh thổ của Mỹ là đảo Guam còn có đến 51 ca nhiễm và cũng ghi nhận cả ca tử vong vì COVID-19.
Anh Tú