Đối với năng lượng tái tạo, năng lượng mới, Quy hoạch điện 8 chỉ đưa ra tổng công suất dự kiến phát triển thêm và phân bố theo vùng, địa phương, không đưa tên các dự án cụ thể.

Quy hoạch điện 8 ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo

Lam Thanh | 01/04/2021, 10:25

Đối với năng lượng tái tạo, năng lượng mới, Quy hoạch điện 8 chỉ đưa ra tổng công suất dự kiến phát triển thêm và phân bố theo vùng, địa phương, không đưa tên các dự án cụ thể.

Ưu tiên cho năng lượng tái tạo

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, trả lời báo chí về Quy hoạch điện 8, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương cũng như các cán bộ ngành công thương rất chia sẻ những băn khoăn, trăn trở, kể cả lo lắng cho quy hoạch này.

do-tang-hai.jpg
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - Ảnh: VGP

“Hiện nay điện năng quan trọng đối với nền kinh tế cũng như sự phát triển của đất nước khi mà chúng ta đang hướng tới là đất nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nếu không đảm bảo được điện thì chắc chắn là không đạt được mục đích, mục tiêu mà Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã đề ra”, ông Hải nói.

Theo đó, Quy hoạch điện 8 là cả một công trình khi thực hiện đến gần những công đoạn cuối, trước khi Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ để lấy ý kiến, để có thể xem xét về việc ký phê duyệt và ban hành, cũng đã lấy ý kiến rộng rãi của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các bộ, ban, ngành, đơn vị và thậm chí là các cá nhân, gồm các chuyên gia, nhà khoa học liên quan.

“Chúng tôi đánh giá Quy hoạch điện 8 được quy hoạch bài bản, công phu và đã đạt được nhiều kết quả. Phương án phát triển điện lực đáp ứng được các tiêu chí đặt ra tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11.2.2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như nhiều chỉ đạo quan trọng khác của Đảng và Chính phủ và đưa ra 3 nhóm cơ chế, 11 giải pháp trên cơ sở rút kinh nghiệm từ những lần xây dựng quy hoạch điện quốc gia giai đoạn trước để đảm bảo tính khả thi trong quá trình triển khai”, ông Hải nêu.

Theo ông Hải, cơ cấu nguồn điện sẽ được phát triển theo hướng đa đạng hơn, dành sự ưu tiên cao cho phát triển năng lượng tái tạo với cơ cấu và sự phân bố hợp lý hơn giữa từng khu vực, từng miền, không phụ thuộc vào bất kỳ loại hình nguồn điện nào.

Đồng thời hạn chế tối đa việc phát triển các nguồn điện gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới môi trường, phù hợp với các cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong việc chống lại các nguy cơ gây biến đổi khí hậu.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, tính mở và linh hoạt của Quy hoạch điện 8 cũng sẽ là những điểm mới trong cách thức tiếp cận xây dựng đề án lần này. Yếu tố mở và linh hoạt vừa là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ khi giao nhiệm vụ xây dựng quy hoạch cho Bộ Công Thương, vừa là sự tiếp thu những ý kiến đóng góp cũng như từ thực tiễn của quá trình xây dựng và triển khai Quy hoạch điện 7 và Quy hoạch điện 7 điều chỉnh.

Do đó, quy hoạch điện 8 chỉ đưa ra danh mục dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư của ngành điện, trong đó tập trung xem xét trong giai đoạn quy hoạch 2021-2030, nhưng có định hướng đến năm 2045.

Riêng đối với năng lượng tái tạo, năng lượng mới, ông Hải cho biết Quy hoạch điện 8 chỉ đưa ra tổng công suất dự kiến phát triển thêm và phân bố không gian theo vùng, địa phương, không đưa tên các dự án cụ thể.

Theo đó, quá trình lựa chọn danh mục các dự án cụ thể sau này sẽ được Bộ Công Thương phối hợp với các địa phương rà soát, nghiên cứu đưa vào kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Sau khi kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch điện 8 được duyệt, quá trình tổ chức lựa chọn nhà đầu tư phát triển dự án sẽ tuân thủ theo các quy định tại Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu đảm bảo tính công khai, minh bạch.

“Đây không phải là chúng ta chỉ định các nhà đầu tư mà phải thông qua việc đấu thầu. Chúng tôi cũng đã trình Chính phủ và rất hy vọng là sẽ được phê chuẩn và ban hành ngay trong nhiệm kỳ Chính phủ lần này”, ông Hải nói.

Vay quốc tế 2 tỉ USD để phát triển ĐBSCL

Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ, Chính phủ đã nghe, thảo luận báo cáo về chủ trương tiếp nhận khoản hỗ trợ ngân sách cho mục tiêu phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng nêu rõ, triển khai Nghị quyết 120, chúng ta đã làm nhiều việc với kết quả đáng mừng. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn mặn ngày càng khắc nghiệt. Nhiệm vụ phát triển bền vững ĐBSCL là nhiệm vụ cấp bách, rất khó khăn, cần có nguồn lực, nguồn vốn với các giải pháp đồng bộ, trước mắt và lâu dài.

Thủ tướng nhất trí về nguyên tắc cho việc vay nguồn vốn quốc tế với tổng số khoảng 2 tỉ USD (của WB, Đức, Pháp) cho mục tiêu phát triển ĐBSCL.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện quy hoạch ĐBSCL, phối hợp với các bộ, địa phương liên quan tách ra các dự án đầu tư cụ thể, xác định dự án đầu tư nào thuộc nhiệm vụ ngân sách trung ương thì cấp phát 100%, dự án nào thuộc trách nhiệm của tỉnh thì địa phương vay lại theo quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ sửa Nghị định 97 theo hướng có tỉ lệ vay lại hợp lý hơn nhằm tạo thuận lợi cho các tỉnh khó khăn, trong đó có các tỉnh ĐBSCL, nhất là các giai đoạn bị tác động của COVID-19 còn kéo dài.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
10 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quy hoạch điện 8 ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo