Để hàng hóa vào EU tăng trưởng bền vững, các doanh nghiệp Việt phải đặc biệt tuân theo quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu vào thị trường này.

Quy tắc xuất xứ - 'át chủ bài' cho hàng Việt vào EU

Tuyết Nhung | 18/10/2020, 16:00

Để hàng hóa vào EU tăng trưởng bền vững, các doanh nghiệp Việt phải đặc biệt tuân theo quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu vào thị trường này.

Xuất khẩu tăng rõ rệt

Một trong những lợi ích rõ rệt nhất mà Hiệp định EVFTA mang lại cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam đó là mức độ cam kết cắt giảm thuế quan (99% dòng thuế nhập khẩu giữa hai bên được xóa bỏ trong vòng 7 - 10 năm). Để cộng đồng doanh nghiệp tận dụng tối đa các ưu đãi mà hiệp định đem lại, Bộ Công Thương khuyến cáo đặc biệt chú trọng đến quy tắc xuất xứ hàng hóa khi xuất khẩu sang thị trường EU.

img_9402.jpg(1).jpg
Hiệp định EVFTA mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam - Ảnh: TN

Trong tháng 9, tổng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU và Anh đạt 3,54 tỉ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực sau 2 tháng Hiệp định EVFTA được thực thi.

Trong đó, số liệu xuất khẩu cho thấy thủy sản là mặt hàng tận dụng được ưu đãi ngay từ những ngày đầu tiên Hiệp định có hiệu lực. Tính từ đầu tháng 8 đến hết tháng 9, xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU và Anh đạt khoảng 263 triệu USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ 2 tháng năm trước.

Một số mặt hàng có kim ngạch bắt đầu tăng từ đầu tháng 9. Cụ thể, đối với mặt hàng gạo, nhờ tận dụng hạn ngạch thuế quan theo EVFTA, kim ngạch xuất khẩu tháng 9 đạt 1,74 triệu USD, tăng 168% so với tháng trước. Xuất khẩu giày dép, dù tiếp tục chịu tác động lớn của việc sụt giảm nhu cầu do đại dịch COVID-19, cũng bắt đầu ghi nhận kim ngạch tăng trưởng nhẹ trong tháng 9, đạt 307,07 triệu USD, tăng 3,5% so với tháng trước.

Tính đến ngày 12.10, các tổ chức được ủy quyền đã cấp khoảng 23.800 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch khoảng 963 triệu USD đi 28 nước EU. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho trên 660 lô hàng với trị giá khoảng 2 triệu USD. Thị trường nhập khẩu đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp, Anh, trong đó nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi.

So với các FTA khác của Việt Nam mới thực thi trong thời gian gần đây như Hiệp định CPTPP, FTA giữa ASEAN và Hong Kong, Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Cuba, số lượng C/O mẫu EUR.1 theo Hiệp định EVFTA có sự khác biệt đáng kể. Tỷ lệ sử dụng C/O mẫu EUR.1 trong tổng kim ngạch xuất khẩu trong tháng 8 năm 2020 đạt 8,64% và tăng lên 14,65% vào cuối tháng 9 năm 2020. Trong đó, giày dép có trị giá xin cấp C/O sau 2 tháng đạt khoảng 391 triệu USD; hàng thủy sản đạt 183,4 triệu USD; nhựa và sản phẩm nhựa đạt 49,1 triệu USD; hàng dệt may đạt khoảng hơn 27 triệu USD.

Các mặt hàng đã đề nghị cấp C/O mẫu EUR.1 với mức tỷ lệ sử dụng cao từ 50% - 80% gồm thủy sản, giày dép. Đây là các mặt hàng mà mức thuế quan ưu đãi FTA của EU dành cho Việt Nam thấp hơn so với ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) và tiêu chí xuất xứ EVFTA lỏng hơn hoặc tương đương GSP.

Phải nắm vững quy tắc xuất xứ

Bộ Công Thương cho biết trong thời gian tới, một trong những việc các doanh nghiệp Việt Nam cần làm ngay là đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm củng cố tính cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường EU. Các doanh nghiệp cần chú trọng vấn đề vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do EU quy định, coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất, đặc biệt đảm bảo quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu vào EU.

Do quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA yêu cầu sự tham gia lớn của nguồn nguyên liệu trong khu vực FTA nên Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao năng lực sản xuất, chế biến sâu, tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong khu vực hoặc phát triển các nguồn nguyên liệu từ trong nước.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại với sự tham gia của đối tác EU để tìm kiếm nguồn nguyên liệu cũng như bạn hàng mới, mở rộng chuỗi cung ứng trong khu vực cũng như mở rộng thị trường tới những nước EU mà trước đây chưa hoặc ít khai thác.

"Trong bối cảnh hàng hóa Việt Nam có nhiều cơ hội hưởng ưu đãi thuế quan tại các thị trường FTA, quy tắc xuất xứ chính là công cụ giúp hàng hóa xuất khẩu Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh. Song đây cũng là điểm dễ bị lợi dụng", cơ quan này cảnh báo.

Lý do vì nếu sản phẩm của nước ngoài chỉ gia công đơn giản tại Việt Nam như lắp ghép, đóng gói... nhằm mượn xuất xứ Việt Nam, có thể khiến EU áp dụng các biện pháp chống gian lận xuất xứ như tạm dừng ưu đãi thuế quan với cả ngành hàng xuất khẩu từ Việt Nam, hoặc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại...

Do đó doanh nghiệp Việt Nam cần có hệ thống lưu trữ chứng từ đầy đủ để chứng minh được xuất xứ hàng hóa khi có yêu cầu hậu kiểm, đảm bảo hiệu quả công tác xác minh xuất xứ, giúp C/O được hải quan EU chấp nhận và hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan EVFTA.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 2: Những giọt nước nghĩa tình
6 giờ trước Bảo vệ môi trường
Bước vào cao điểm mùa khô, vùng ĐBSCL hiện có hơn 50.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Nguồn nước khan hiếm khiến cho bà con gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, sinh hoạt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quy tắc xuất xứ - 'át chủ bài' cho hàng Việt vào EU