Một nghiên cứu của Đại học Portsmouth phát hiện rác thải nhựa - vấn đề nghiêm trọng với đại dương - không chỉ khiến nhiều động vật thiệt mạng mà còn ngăn cản chúng sinh sản.
Theo nghiên cứu, hóa chất rò rỉ từ rác thải nhựa ảnh hưởng đến khả năng giao phối của một số sinh vật thuộc giống tôm. Giáo sư Alex Ford (Viện Khoa học hàng hải, Đại học Portsmouth) cho biết: “Không giao phối thành công đem lại hậu quả nghiêm trọng không chỉ với loài được chúng tôi nghiên cứu mà còn với toàn bộ quần thể. Những động vật này kết đôi để sinh sản. Khi tiếp xúc với chất hóa học, chúng tách khỏi bạn tình và mất nhiều thời gian - thường là vài ngày - mới kết đôi lại, thậm chí đôi lúc không kết đôi nữa”.
Ông lập luận rằng các sinh vật giống tôm mà họ nghiên cứu tập trung dọc bờ biển châu Âu, đóng góp đáng kể vào chế độ ăn của cá và chim nên sự sống sót của chúng vô cùng cần thiết cho nhiều loài động vật khác. Lượng sinh vật giống tôm sụt giảm sẽ dẫn đến một loạt sự kiện khiến chuỗi thức ăn dưới nước lẫn trên cạn bị ảnh hưởng.
Nghiên cứu xem xét 4 hợp chất trong nhựa vật tư y tế, bao bì thực phẩm, bịch nylon, thiết bị y tế, dụng cụ nấu nướng, sơn móng tay, thiết bị điện tử, phim và đồ chơi đã được biết đến rộng rãi gây hại cho sức khỏe con người. Đội ngũ Đại học Portsmouth cho từng cặp sinh vật giống tôm có khả năng kết đôi và gắn bó với nhau trong 2 ngày khi giao phối tiếp xúc với từng hợp chất, sau đó theo dõi chúng trong khoảng 4 ngày.
Kết quả rất đáng báo động. Trường hợp tốt nhất là sinh vật mất nhiều thời gian hơn để tái kết đôi, tệ nhất là chúng không kết đôi nữa. Ngoài ra chúng còn bị suy giảm 60% lượng tinh trùng sau khi tiếp xúc hóa chất.
“Mặc dù sinh vật chúng tôi nghiên cứu tiếp xúc với mức hóa chất cao hơn nhiều so với mức thường thấy ngoài môi trường, nhưng kết quả cho thấy rõ hóa chất có thể ảnh hưởng đến lượng tinh trùng. Có thể hình dung rằng nếu chúng tôi để chúng tiếp xúc lâu hơn hoặc tiếp xúc trong giai đoạn quan trọng của vòng đời thì sẽ ảnh hưởng mức độ lẫn chất lượng tinh trùng”, theo Giáo sư Ford.
Dựa trên kết quả nghiên cứu, đội ngũ Đại học Portsmouth khuyến nghị các cơ quan môi trường trên thế giới chú ý nhiều hơn đến dữ liệu hành vi, giới khoa học cũng nên thực hiện nhiều nghiên cứu về hành vi sinh vật hơn nữa.