Tết năm nay, bên cạnh những sản phẩm truyền thống, người dân còn có thêm nhiều lựa chọn từ các sản phẩm OCOP mang đến thêm hương vị ngày tết thời hiện đại.
Những năm gần đây, các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của các tỉnh được đầu tư, quảng bá, phát triển mạnh, trong đó nhiều sản phẩm gắn liền với sắc xuân, vị tết, mang đậm nét cổ truyền dân tộc, tạo nên nét riêng cho hương vị ngày tết của từng địa phương.
Cuối năm là thời điểm thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP sôi động nhất. Hiện tại, các chủ thể sản xuất hàng OCOP trên địa bàn Hà Nội đã và đang đẩy mạnh sản xuất, tích trữ hàng hóa cho dịp tết.
Toàn thành phố Hà Nội hiện có 2.167 sản phẩm OCOP đã được công nhận. Ngoài ra, trong năm 2023, thành phố đang đánh giá, công nhận thêm hơn 500 sản phẩm OCOP.
Trong số các sản phẩm OCOP của thủ đô, chiếm số lượng đông đảo là nông sản, thực phẩm chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ…, thích hợp để làm quà biếu hoặc gia đình dùng trong dịp tết. Đó là các sản phẩm bánh chưng của làng nghề Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì); thịt lợn sinh học Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ); giò chả Tân Ước (huyện Thanh Oai); gà đồi huyện Ba Vì; hoa đồng tiền Đồng Tháp (huyện Đan Phượng); hoa đào Nhật Tân và quất cảnh Tứ Liên (quận Tây Hồ)...
Đại diện một doanh nghiệp có 11 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao ở huyện Đông Anh (Hà Nội) cho biết các sản phẩm này chủ yếu là các loại bánh truyền thống như bánh gạo lứt, bánh trứng dừa, bánh vừng vòng, bánh trứng vừng... Công ty sản xuất và cung cấp bánh ra thị trường quanh năm, nhưng dịp tết thường tiêu thụ nhiều nhất.
"Dịp cận Tết, trung bình mỗi ngày chuỗi công ty tiêu thụ số lượng lớn sản phẩm, năm nay dự tính tăng 20 - 30% so với năm trước. Các sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP tiêu thụ tốt nhất. Điều này chứng tỏ sản phẩm OCOP đã thực sự chiếm được lòng tin của người tiêu dùng", đại diện doanh nghiệp cho hay.
Trong mâm cỗ ngày tết không thể thiếu những món ăn truyền thống như giò, chả, xôi, bánh chưng, canh măng, gà luộc, nén hương thơm... Nguyên liệu chính để chế biến những thức ấy phần nhiều là sản phẩm OCOP. Đó là gà đồi, măng tre, gạo nếp cái hoa vàng, bánh chưng, bánh dày, các loại rau, củ, quả tươi ngon... Hay những đặc sản quà tặng như bánh đậu xanh, bột sắn dây, vải thiều sấy khô, hương trầm... Những món ăn truyền thống đậm hương vị tết được chế biến từ sản vật địa phương càng làm tăng thêm sự ấm cúng, gần gũi trong gia đình những ngày tết.
Nhiều hộ kinh doanh, công ty ở Hà Nội buôn bán nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, nhất là các sản phẩm nông sản rau, củ, quả tươi, gạo... Dịp này, nhiều đơn vị đều tăng từ 30 - 40% sản lượng rau quả để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Không chỉ các mặt hàng thực phẩm OCOP đi vào mâm cỗ ngày tết mà cây quất, cây đào - đặc trưng OCOP của Hà Nội cũng đang đóng góp chủ đạo vào hương vị tết ở thủ đô.
Chiều 19.1, tại phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, đã diễn ra Hội thi quất cảnh truyền thống cấp thành phố. Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết hội thi quất cảnh cấp thành phố nhằm mục đích kết nối tiềm năng, gia tăng giá trị và phát triển bền vững những giá trị làng nghề truyền thống nói chung, tôn vinh nét đẹp làng nghề quất Tứ Liên nói riêng. Đồng thời đây cũng là dịp để giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền mỗi dịp tết đến xuân về.
Các tác phẩm mang đến hội thi là sản phẩm cây quất truyền thống có tuổi thọ nhiều năm được các hộ gia đình giàu kinh nghiệm trồng quất cảnh chăm tỉa. Sản phẩm tham gia hội thi sẽ được trưng bày và bán trong 3 ngày (từ ngày 19 đến 21.1), tại UBND phường Tứ Liên, để người dân thủ đô, du khách trong và ngoài nước thưởng ngoạn, mua sắm phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Chiều 18.1, tại khu vực bãi đá sông Hồng (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ), Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn phối hợp với UBND quận Tây Hồ tổ chức Hội thi hoa đào truyền thống cấp thành phố năm 2024.
Các tác phẩm dự thi là cây đào bonsai, đào cổ thụ, đào thất thốn truyền thống từ 5 đến trên 10 năm tuổi, được các hộ gia đình với nhiều năm kinh nghiệm trồng đào chăm sóc cẩn thận, có dáng thế đẹp, ẩn chứa câu chuyện riêng. Mỗi tác phẩm, sản phẩm dự thi đều chứa trong mình những câu chuyện riêng, thể hiện rõ nét văn hóa, đời sống, vật chất tinh thần của người Hà Nội.
Các tác phẩm mang đến là những cây đào bonsai, đào cổ thụ, đào thất thốn truyền thống... với nhiều kiểu dáng và có thông điệp đầy ý nghĩa nhằm bảo tồn và phát triển giá trị lịch sử văn hóa nông nghiệp làng nghề đào Nhật Tân. Thông qua đó, lễ hội tạo ra một sân chơi công bằng để khuyến khích các nghệ nhân trồng đào phát huy ý tưởng mới, cho ra những tác phẩm có tính sáng tạo, kỹ thuật, mỹ thuật, có tính ứng dụng cao, đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước và hội nhập quốc tế.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Tạ Văn Tường cho biết việc tổ chức hội thi nhằm thúc đẩy phát triển các làng nghề truyền thống, gắn với phát triển du lịch trên địa bàn thành phố. Đây không chỉ là hoạt động "Kết nối tiềm năng - Gia tăng giá trị - Phát triển bền vững" những giá trị làng nghề truyền thống nói chung, tôn vinh nét đẹp làng nghề "Đào Nhật Tân", "Quất cảnh Tứ Liên" quận Tây Hồ gắn với giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền mỗi dịp tết đến xuân về. Đây cũng là dịp để người dân thủ đô, du khách trong và ngoài nước thưởng ngoạn, mua sắm phục vụ Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024.
Phó chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Tịnh cho biết toàn quận hiện có 146ha đào, trong đó Nhật Tân 78ha, Phú Thượng 68ha, với hơn 1.000 hộ tham gia.
Qua hơn 5 năm thực hiện chương trình OCOP, đến nay cả nước đã có 63/63 tỉnh thành đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đáng nói, trong 5.361 chủ thể OCOP thì có tới 38,1% là hợp tác xã, chiếm tỷ lệ lớn nhất.
Chính vì vậy, dịp tết mỗi năm có thể coi là thời điểm tương đối thuận lợi để các chủ thể là hợp tác xã tận dụng nhu cầu thị trường, phát huy tối đa "sao" của sản phẩm OCOP trong lòng người tiêu dùng một cách lâu dài và bền vững.
Trong bối cảnh nền kinh tế chung còn gặp nhiều khó khăn, "kênh" OCOP thực chất đã và đang góp phần thúc đẩy các hợp tác xã đầu tư cải tiến chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh và bắt kịp xu hướng tiêu dùng hiện đại, từ đó tạo chuyển biến quan trọng trong sản xuất, sử dụng thực phẩm sạch, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Với sự nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng, quan tâm quảng bá sản phẩm OCOP của các hợp tác xã, người tiêu dùng sẽ có thêm nhiều lựa chọn các sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với giá cả phù hợp trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới; đồng thời góp phần quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy nghề truyền thống và mặt hàng truyền thống, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.