Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo với Quốc hội, chỉ ra hàng loạt sai phạm tại dự án BT xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến khu đô thị mới Xuân Phương (Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) có tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng gây thất thoát ngân sách lớn.
Báo cáo kết quả kiểm toán năm 2018 của Kiểm toán Nhà nước gửi Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa14 đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại dự án xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến khu đô thị mới Xuân Phương theo hình thức BT (Xây dựng - chuyển giao).
Theo Kiểm toán Nhà nước, dự án đã lựa chọn chủ đầu tư là Công ty cổ phần Tasco thiếu năng lực tài chính; thiết kế dự toán không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt là nguyên nhân gây thất thoát ngân sách lớn; thương thảo, kýhợp đồng chưa đảm bảo quy định.
Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, việc giao đất chỉ định cho nhà đầu tư là trái với quyđịnh của Luật Đất đai; việc không quyđịnh cụ thể thời điểm giao đất dẫn đến có dự án được giao đất trước khi thực hiện dự án BT và dự án này cũng được giao đất đối ứng khi dự án BT chưa hoàn thiện.
Việc tạm tính tiền sử dụng đất để xác định giá trị đối ứng khi giao đất cho dự án BT tại thời điểm thực hiện dự án BT dễ dẫn đến thất thoát ngân sách nhà nước.
Cụ thể, tại dự án Xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến khu đô thị mới Xuân Phương: Do giá trị hợp đồng BT tạm xác định theo tổng mức đầu tư được duyệt thường cao hơn thực tế thực hiện, thời gian thi công các dự án BT dài và tiền sử dụng đất tạm tính chưa sát đúng nên giá trị tiền sử dụng đất nhà đầu tư phải nộp ngân sách nhà nước khi được giao đất đối ứng tại thời điểm thực hiện dự án thường thấp hơn giá trị khi quyết toán công trình BT.
Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ rõ"việc xác định giá đất theo phương pháp thặng dư tại Thông tư số 145/2007/TT-BTC ngày 6.12.2007 của Bộ Tài chính và số 36/2014/TT-BTNMT ngày 30.6.2014 của Bộ TN-MT cho phép tính chi phí dự phòng trong chi phí phát triển còn bất hợp lý, không sát hoặc phụ thuộc yếu tố chủ quan dẫn đến giá đất thấp, không sát giá thị trường làm thất thoát lớn tài sản, ngân sách nhà nước. Đây là lỗ hổng lớn nhất làm thất thoát tài sản, ngân sách nhà nước.
Dự án khu đô thị mới Xuân Phương mặc dù hợp đồng BT ký thống nhất tiền sử dụng đất đối ứng với giá trị dự án BT theo nguyên tắc ngang giá, cùng thời điểm ký kết hợp đồng BT và giá không đổi, nên không có yếu tố dự phòng, nhưng do áp dụng phương pháp thặng dư quy định tại Thông tư số 145/2007/TT-BTC và Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT nên vẫn xác định phí phát triển bao gồm cả dự phòng 323,2 tỉđồng làm giảm tiền sử dụng đất phải nộp tương ứng 323,2 tỉđồng".
Qua kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính đối vớidự án đường Lê Đức Thọ - Khu đô thị mới Xuân Phương với tổng số tiền 391,6 tỉđồng.
Đổi 70ha đất vàng lấy 3,51km đường Dự án đường Lê Đức Thọ - Khu đô thị mới Xuân Phương có điểm đầu là nút giao với đường Lê Đức Thọ và điểm cuối là nút giao với đường 70, đi qua các khu đô thị Mỹ Đình 1 - 2, khu đô thị mới Xuân Phương Tasco… thuộc các phường Mỹ Đình, Phương Canh, Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm. Dự án được UBND TP.Hà Nội có quyết định thông qua đề xuất dự án đầu tư xây dựng ngày 4.2.2008. Công ty cổ phần Tasco là nhà đầu tư được giao lập dự án đầu tư xây dựng tuyến đường này. Dự án có tổng chiều dài tuyến đường là 3,51km, mặt cắt ngang 50m gồm 8 làn xe. Mức đầu tư của dự án là 1.543 tỉđồng. Dự án được Tasco khởi công ngày 15.2.2009, tuy nhiên dự án bị giãn tiến độ nhiều năm đến tháng 4.2017 mới hoàn thành. Hà Nội đã giao 70ha đất cho Tasco để thực hiện đối ứng dự án gồm: 30ha đất tại dự án Đơn vị số 1 phường Xuân Phương, 3.000m2 đất tại 48 Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy) và 38ha đất tại phường Xuân Phương (nay là dự án Xuân Phương Foresa Villa). |