“Nếu dùng rượu bia mà không thể kiểm soát tác hại của nó thì bất kỳ ai cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân, thậm chí là tội phạm”, bà Hiền nói.
Thảo luận tại Quốc hội sáng 23.5, ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) cho rằng chỉ có thể giảm tác hại rượu bia thông qua việc giảm sử dụng. Nếu đặt mình vào từng gia cảnh, thân phận con người đang đối mặt với mất mát đau thương, kể cả những người vì rượu bia vướng vào vòng lao lý... thì sẽ hiểu được nỗi đau và bản án lương tâm mà họ phải gánh chịu.
“Nếu dùng rượu bia mà không thể kiểm soát tác hại của nó thì bất kỳ ai cũng có nguy cơtrở thành nạn nhân, thậm chí là tội phạm”, bà Hiền nói.
Bà Hiền cũng cho hay, với quy định về quảng cáo (rượu bia), nếu xác định kiểm soát quảng cáo để hạn chế tác động... thì cần chú trọng 2 vấn đề: hạn chế thấp nhất trẻ em tiếp xúc với quảng cáo rượu bia và nước uống có cồn. Thứ hai, kiểm soát nội dung quảng cáo, làm sao để các em không bị lầm tưởng rượu bia là tốt, khuyến khích sử dụng.
Đại biểu này chia sẻ: “Khi tôi khảo sát nhóm trẻ em từ 12 - 16 tuổi, về các loại thức uống các em dùng thì có 83% ý kiến liệt kê nhiều đồ uống có cồn. 87,6% ý kiến không nhận biết được đồ uống có cồn từ 4,5% trở lên. Khi hỏi về cảm giác sau khi uống, thì các em đều trả lời rằng “con uống có cảm giác lâng lâng”, con chóng mặt... nhưng gần 80% trẻ đều lựa chọn có thể tiếp tục sử dụng vì có giới thiệu, quảng cáo là nước hoa quả có gas, nước lên men...”
“Nếu không muốn nói quảng cáo đã tự do đánh tráo khái niệm thì điều này cũngtrái với việc nghiêm cấm thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu bia, sức khỏe nêu trong Dự thảo”, bà Hiền nêu.
Mặt khác, đại biểu này cho rằng, lấy lý do đồ uống có cồn không được đưa vào Dự thảo Luật chỉ vì đây là từ chưa được sử dụng rộng rãi trong xã hội như báo cáo giải trình thì đó là khá yếu về mặt căn cứ pháp lý.
“Tôi rất ngạc nhiên về tính dự báo của Dự thảo Luật so với xu thế chung, dường như đi ngược lại với tính chất nguy hiểm với đời sống con người, vô tình xem nhẹ sức khỏe con người, nhưng có vẻ bắt kịp rất nhanh, mạnh sự phát triển của nền công nghiệp rượu bia”, đại biểu Hiền nhấn mạnh.
Cũng theo bà Hiền, trên thực tế các loại bia chiếm áp đảo thị trường trong nước đa số có nồng độ cồn từ 4,2 - 5%. WHO nêu rõ, bia là đồ uống phổ biến của Việt Nam, là sự lựa chọn chính khi trẻ làm quen với thức uống có cồn.
Vì vậy đề nghị quy định độ cồn từ 4% trở lên thay cho mốc 5,5%, khung giờ quảng cáo cần phải điều chỉnh lại từ 18 - 21 giờ ở điều 12 thay cho những quy định hiện tại. Ai cũng biết, 19 - 20 giờ là thời gian của chương trình thời sự, gần như không có quảng cáo. Đó chỉ là khung giờ vàng theo quan điểm của người lớn, không có ý nghĩa ưu tiên giảm tiếp xúc với quảng cáo rượu bia và đồ uống có cồn.
“Tôi cảm thấy rằng, Dự thảo này không phục vụ cho mục tiêu phòng chống tác hại rượu bia, lấy lợi ích của người dân làm cốt lõi, cho các nhóm quyền của trẻ em liên quan tới dự luật này”, Đại biểu Hiền nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, với biện pháp kiểm soát trẻ em mua rượu bia, bà Hiền cho biết thấy bất ngờ vì Dự thảo không còn quy định cấm bán rượu bia trên 15% độ cồn trên Internet vì nội dung này thực tế đã được quy định tại nghị 105/2017 của CP. Đây là biện pháp nhằm hạn chế tính sẵn có của rượu bia. Không thể bỏ qua việc đánh giá tác hại của rượu bia với trẻ em thuộc ngành hàng bảo vệ trẻ em. Đề nghị cần bổ sung cấm bán.
“Các nước phát triển về mạng lưới bán lẻ hiện đại vẫn còn nhiều lúng túng trong việc kiểm soát việc gian lận độ tuổi khi mua hàng trong khi rượu bia không phải hàng hóa bình thường mà là hàng có nguy cơ gây nghiện, cần hạn chế tiêu dùng, vì vậy cần tạo ra các rào cản mạnh mẽ, không nên tạo thêm cơ hội cho người tiêu dùng nói chung và trẻ em nói riêng”, bà Hiền nêu.
Theo đó, luât phải có sự minh định rõ rằng, phải tính tới yếu tố khả thi khi áp dụng chứ không thể thiếu sự mạch lạc. Ít nhất là các điều khoản có yếu tố tác động trực tiếp đối với trẻ em và vị thành niên. “Chúng ta không thể hồn nhiên loại bỏ nhiều yếu tố quan trọng nhưng lại hăm hở đi vào nhiều điều cấm.
“Tôi không nghĩDự thảo luật mới nhất lại sơ suất bỏ qua yếu tố kỹ thuật cần thiết, chương nọ xọ chương kia tựa như một dáng đi xiêu vẹo, không còn vững vàng khung pháp lý khi nó được xem như xương sống, trục lái của một bộ luật”, bà Hiền nhấn mạnh.
Nam Phong