Sai phạm tại Vinafood 2: Ngân hàng SCB có cho vay khống?

Nam Phong | 29/03/2021, 20:43

Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã kết luận thanh tra vụ việc. Một trong những nội dung đáng quan tâm là việc sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các cơ sở nhà, đất trên để vay tiền của các tổ chức tín dụng. Trong số này có khoản vay 6.308 tỉ đồng vay từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), vào tháng 8.2018, với tài sản thế chấp là cụm các khu đất tại các địa chỉ nêu trên.

Dự án “khống”?

Khu đất tại số 33 Nguyễn Du và 34-36-42 Chu Mạnh Trinh có tổng diện tích hơn 6.270 m2, đã được xác lập sở hữu Nhà nước và giao do Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) quản lý, sử dụng từ sau năm 1975. Trong quá trình sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất nêu trên, Vinafood 2 được phép chuyển mục đích để xây dựng cao ốc văn phòng và nhà cao tầng để bán, cho thuê theo quy hoạch của TP. HCM.

Từ đó, dự án The Gold Mark Premium Tower được hình thành. Cụ thể, tháng 10.2007, Vinafood 2 có văn bản gửi UBND TP. HCM đề xuất phương án sử dụng đất tại cụm nhà đất số 34-36, 42 Chu Mạnh Trinh và số 33 Nguyễn Du làm cụm khách sạn cao cấp, cao ốc văn phòng và thương mại cho thuê. Sau đó, UBND TP. HCM có Công văn số 7816/UBND-CNN ngày 13.11.2007 chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất tại số 34-36,42 Chu Mạnh Trinh và 33 Nguyễn Du để đầu tư xây dựng cụm phức hợp gồm khách sạn cao cấp, cao ốc văn phòng và trung tâm thương mại cho thuê. Kế đến, Sở QHKT TP. HCM có ý kiến về các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc công trình, trong đó mật độ xây dựng là 50%, hệ số sử dụng đất tối đa 12, số tầng tối đa 24 tầng (không kể tầng hầm, lửng và mái che thang).

Chức năng căn hộ để ở tại dự án này cũng được xác định rõ, là “cao ốc căn hộ hạng sang, trung tâm thương mại và văn phòng hạng A”. Ngày 29.12.2012, UBND TP. HCM có Quyết định 6708/QĐ-UBND về đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 Khu trung tâm hiện hữu TPHCM (930ha) khu đất Chu Mạnh Trinh - Nguyễn Du là có chức năng đất phức hợp. Căn cứ quy hoạch 1/2000 và báo cáo dân số tại các khu đất xung quanh, UBND quận 1 báo cáo Sở QH-KT TP. HCM với đề xuất số dân chấp thuận cho dự án tại Chu Mạnh Trinh - Nguyễn Du với chỉ tiêu chức năng ở là 4,7m2/người.

Ngày 29.6.2016 Sở QH-KT đề xuất UBND TP. HCM vị trí khu đất Chu Mạnh Trinh - Nguyễn Du có chức năng đất phức hợp (mật độ xây dựng 80%, chiều cao 70m). Đồng thời đề xuất cho dự án tại Chu Mạnh Trinh - Nguyễn Du điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc để tạo thành công trình điểm nhấn trong công tác chỉnh trang đô thị.

Ngoài ra, căn cứ xu hướng phát triển đổ thị, hướng nhìn từ các công trình lịch sử…, Sở QH-KT TP. HCM đề xuất nên xem xét công trình theo hướng là điểm nhấn kiến trúc của phân khu văn hóa lịch sử theo đồ án 930ha của UBND TP. HCM với chiều cao trung bình hơn 100m và thấp hơn 350m.

Như vậy có thể khẳng định, dự án The Gold Mark Premium Tower là dự án có thật.

Con đường "đất vàng" vào tay tư nhân thế nào?

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, chủ thể dùng dự án The Gold Mark Premium Tower thế chấp là có nhiều đơn vị khác nhau. Sở dĩ chủ thể có việc này là quá trình thực hiện dự án có sự chuyển nhượng qua các chủ đầu tư.

Trước tiên, Vinafood 2 được UBND TP. HCM cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (số BB971073 ngày 11.9.2010) có mục đích: Đất cơ sở sản xuất kinh doanh (khách sạn, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại). Sau đó, Vinafood 2 hợp tác với Công ty TNHH Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân (Công ty Việt Hân) thành lập Công ty TNHH TM-DV xây dựng Việt Hân Sài Gòn (Công ty Việt Hân Sài Gòn) để thực hiện dự án. Trong đó, Vinafood 2 góp 20% và Công ty Việt Hân góp 80% để thực hiện dự án cụm khách sạn cao cấp, cao ốc văn phòng và thương mại cho thuê.

Trong quá trình thực hiện dự án, tháng 12.2015, Vinafood 2 chuyển nhượng toàn bộ cổ phần vốn góp cho đối tác. Sau đó, khu đất được được cập nhập biến động với việc đổi tên Vinafood 2 trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất thành tên Công ty Việt Hân Sài Gòn.

Tiếp đến, năm 2016, Công ty Việt Hân Sài Gòn có sự thay đổi chủ sở hữu, gồm 2 thành viên góp vốn. Đó là Công ty CP BĐS Mùa Đông (góp 99%) và Công ty Việt Hân (góp 1%). Trong đó, Công ty CP BĐS Mùa Đông có cơ cấu cổ đông là Công ty CP ĐT PT BĐS TNR Holdings Việt Nam (thuộc sở hữu của vợ chồng doanh nhân Nguyễn Thị Nguyệt Hường và ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT MSB) và Công ty CP TĐ ĐT và PT Việt Nam.

Sau đó, các chủ hữu mới đã dùng cụm nhà đất số 34-36, 42 Chu Mạnh Trinh và số 33 Nguyễn Du thế chấp Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM (MSB).

Tháng 1.2017, chủ sở hữu của Công ty Việt Hân Sài Gòn (là Công ty BĐS Mùa Đông và Công ty Việt Hân) chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty Việt Hân Sài Gòn cho Công ty CP Sài Gòn Dimensions (tỷ lệ 60%) và Công ty Đầu tư BOB (tỷ lệ 40%).

Việc chuyển nhượng này thực hiện theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về việc xử lý, thu hồi nợ theo phương án xử lý nợ ngày 26.10.2016 của ngân hàng MSB gửi Ngân hàng Nhà nước. Phương án này được Ngân hàng Nhà nước thẩm định, chấp nhận. Số tiền thu được từ việc chuyển nhượng này dùng để trả nợ cho khoản vay của các công ty tại MSB. Theo đó, tháng 1.2017, Công ty CP BĐS Mùa Đông đã trả hết nợ gốc và lãi cho MSB.

Tài sản là thửa đất tại số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh và số 33 Nguyễn Du (quận 1) thuộc sở hữu của Công ty Việt Hân Sài Gòn (cổ đông góp vốn là Công ty CP Sài Gòn Dimensions và Công ty Đầu tư BOB) được hình thành hợp pháp. Cho nên, Công ty Việt Hân Sài Gòn tiếp tục dùng tài sản này thế chấp tại SCB.

Để đảm bảo an toàn hơn cho khoản vay nêu trên, các bên đã chủ động dùng các bất động sản tại dự án khu dân cư thuộc khu chức năng số 9 đô thị mới Nam TP.HCM (tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) làm tài sản bảo đảm thay thế cho 4 thửa đất số 33 Nguyễn Du, 34-36-42 Chu Mạnh Trinh (quận 1).

Được biết, đến thời điểm hiện nay, SCB đã thu hồi hết tiền cho vay (là 6.308 tỉ đồng) kèm tiền lãi theo quy định. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sai phạm tại Vinafood 2: Ngân hàng SCB có cho vay khống?