Không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với châu Âu, sự cố kẹt tàu ở kênh đào Suez còn khiến các doanh nghiệp lo lắng về hàng loạt khoản chi phí có thể "đội giá".
Những nỗ lực giải cứu siêu tàu Ever Given đang mắc kẹt tại kênh đào Suez, tuyến vận tải quan trọng trong giao thương giữa châu Á - châu Âu, đã bước sang ngày thứ 6 mà vẫn trì trệ.
Đại diện Bộ Công Thương sáng 29.3 cho biết vụ kẹt tàu gây ùn tắc tại kênh đào Suez sẽ ảnh hưởng tới hoạt động thương mại giữa Việt Nam và châu Âu, vì đây là tuyến đường thủy lưu thông các chuyến tàu xuất nhập khẩu hàng hóa từ châu Á sang châu Âu. Khi con tàu của Ever Given - một trong những tàu container lớn nhất thế giới - bị mắc kẹt trên tuyến này đã khiến việc di chuyển của các con tàu khác theo cả hai hướng trên kênh đào Suez đều bị dừng lại, gây ùn tắc tại khu vực này.
"Vì vậy, trong trường hợp việc giải phóng tàu Ever Given kéo dài, nếu các tàu đi vòng qua Mũi Hảo vọng (Nam Phi) sẽ khiến hành trình từ Châu Á tới Châu Âu kéo dài thêm 2 tuần, làm chi phí gia tăng đáng kể. Cùng với tình trạng giá cước tàu biển tăng cao do tác động của dịch COVID-19, sự cố này sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với khu vực Châu Âu. Mức độ ảnh hưởng phụ thuộc vào tiến độ giải phóng tàu Ever Given nói trên", đại diện Bộ Công Thương cho hay.
Trước thực trạng trên, Bộ Công Thương cho biết đã có chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập theo dõi sát tiến độ giải phóng tàu Ever Given để thông tin kịp thời đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Thủy sản là một trong những mặt hàng Việt Nam giao thương lớn nhất với khu vực châu Âu. Đáng nói, thời gian gần đây, lượng hàng đi châu Âu lại tăng đột biến. Vì vậy, vụ việc kẹt tàu ở kênh đào Suez đang khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng.
Trao đổi với PV Một Thế Giới, đại diện một doanh nghiệp thủy sản cho biết, châu Âu là một trong những thị trường quan trọng nhất đối với thủy sản Việt Nam. Vì vậy, sự cố kẹt tàu trên kênh đào Suez đang ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng của Việt Nam với thị trường chủ chốt này.
Trước đó, đại dịch COVID-19 lây lan trên quy mô toàn cầu ảnh hưởng đến việc đi lại đã khiến các doanh nghiệp thủy sản "khó lại chồng khó" khi các hãng tàu thông báo tăng giá cước vận chuyển hàng container từ 2 - 10 lần (tùy từng chặng).
Thông thường với một container, vị này cho biết, doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam đã phải chịu nhiều loại phụ phí như: Phí chứng từ, phí xếp dỡ, phí vệ sinh container, phí cân bằng container, phí khai trọng lượng... tổng chi phí là trên 500 USD/container 40 feet và khoảng hơn 300 USD/container 20 feet. Tuy nhiên, tác động từ dịch bệnh dẫn đến tình trạng có những chuyến đi châu Âu, doanh nghiệp phải chịu giá vận chuyển lên tới 10.000USD/container.
"Giờ đây, tình trạng kẹt cứng tại kênh đào Suez không chỉ khiến khan hiếm tàu cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu mà còn ảnh hưởng lớn đến tình hình tài chính của doanh nghiệp với hàng loạt chi phí chắc chắn sẽ tăng cao hơn nữa. Vì vậy, việc chậm trễ đơn hàng xuất khẩu, nhất là các đơn hàng phải giao để kịp thời hạn hợp đồng khiến doanh nghiệp lo ngay ngáy. Có thể thấy, thiệt hại của doanh nghiệp là rất lớn", vị này cho hay.
Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu sang Châu Âu với kim ngạch 43,7 tỉ USD, và nhập khẩu từ thị trường này 18,5 tỉ USD. 2 tháng đầu năm 2021, con số xuất khẩu là 7,5 tỉ USD, và nhập khẩu 3,1 tỉ USD, tương ứng với tốc độ tăng trưởng 18% và 12%.
Kênh đào Suez dài 190km, rộng 205m và sâu 24m, đi vào hoạt động từ năm 1869, là một trong những tuyến hàng hải đông đúc bậc nhất thế. Khoảng 12% thương mại toàn cầu được vận chuyển qua kênh đào này. Năm 2020, gần 19.000 lượt tàu thuyền đã đi qua kênh đào Suez với tổng trọng tải khoảng 1,17 tỉ tấn.