Hôm 29.3, Bộ Năng lượng Nga cho biết tàu Ever Given mắc cạn chắn ngang kênh đào Suez (Ai Cập) đã nêu bật sự an toàn và bền vững của tuyến đường biển phía Bắc (NSR) và các đường ống dẫn năng lượng của Nga.
“NSR có độ an toàn cao và giữ vị thế cạnh tranh về chi phí vận tải cũng như độ tin cậy so với các tuyến đường thay thế”, Bộ Năng lượng Nga cho biết.
Nga dự kiến lượng hàng hóa được vận chuyển sẽ tăng lên thông qua NSR, tuyến đường Bắc Băng Dương đến châu Á.
NSR là tuyến ngắn nhất từ châu Á đến châu Âu và là dự án kinh tế trung tâm của Nga ở Bắc cực.
Việc vận chuyển hàng hóa qua NSR đạt gần 33 triệu tấn vào năm ngoái và Bộ năng lượng Nga dự kiến sẽ đạt 80 triệu tấn mỗi năm từ 2024.
Các đường ống dẫn từ Nga đến châu Âu bao gồm đường ống dẫn dầu Druzhba và đường dẫn khí đốt Nord Stream.
Hôm 27.3, Nga từng quảng bá NSR là giải pháp thay thế khả thi đường qua kênh đào Suez đang bị tắc.
Hãng tin RT dẫn lời Tập đoàn năng lượng hạt nhân nhà nước Nga - Rosatom cho biết trong loạt tweet nửa đùa nửa thật: “NSR có thể trở thành giải pháp thay thế hiệu quả cho kênh đào Suez, vốn đã bị đóng cửa hoàn toàn kể từ ngày 23.3”.
Đề xuất được đưa ra vài ngày sau khi Ever Given, tàu dài 400m, trọng tải gần 224.000 tấn và đang chở 18.300 container, bị mắc kẹt ở tuyến đường biển quan trọng với thương mại toàn cầu. Do công ty vận tải Evergreen Marine (Đài Loan) vận hành, Ever Given là một trong những tàu container lớn nhất thế giới.
Trên Twitter, Rosatom đã liệt kê lý do để xem tuyến đường vận chuyển chiến lược ở Bắc Cực của Nga là giải pháp thay thế khả thi.
Kết quả đầu tiên bắt nguồn từ dữ liệu theo dõi cho thấy Ever Given đã vẽ đường đi hình sinh thực khí nam khổng lồ ở Biển Đỏ trước khi bị mắc kẹt. Rosatom chỉ ra rằng, NSR cung cấp nhiều không gian hơn để vẽ những bức tranh nghịch ngợm với sự hỗ trợ của tàu chở hàng khổng lồ.
Ở tweet thứ hai, Rosatom nói rằng hạm đội tàu phá băng hạt nhân của Nga (lớn nhất thế giới) sẽ có thể dễ dàng giải phóng bất kỳ tàu nào bị đóng băng. Kèm theo đó là ảnh minh họa cho thấy các tàu phá băng Rosatom giải cứu một tàu chở hàng bị mắc kẹt trong băng vào mùa đông năm nay.
Gồm 5 tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân, 1 tàu container và 4 tàu dịch vụ, Hạm đội Bắc Cực của Rosatom được vận hành bởi công ty Rosatomflot có trụ sở tại thành phố cảng Murmansk, Nga. Các tàu phá băng được sử dụng cho các hoạt động điều hướng và cứu hộ dọc theo NSR.
Các nhà chức trách Nga gần đây đã biến việc phát triển NSR thành một trong những ưu tiên chiến lược quan trọng của đất nước.
Bắc Cực của Nga cung cấp tuyến đường hàng hải ngắn nhất nối châu Âu và châu Á. Tuyến đường biển băng giá đi qua một số biển Bắc Băng Dương, bao gồm biển Barents, biển Kara, biển Laptev, biển Đông Siberia, biển Chukchi và một phần biển Bering ở Thái Bình Dương.
Theo Rosatom, chuyến đi từ thành phố cảng Murmansk tới Nhật Bản qua NSR là 9.280km, còn qua kênh đào Suez là 20.660 km.
Sáng sớm nay (29.3), việc giải cứu Ever Given đã thành công.
Inchcape, một nhà cung cấp dịch vụ hàng hải toàn cầu, cho biết trên Twitter rằng Ever Given đã nổi lại thành công vào lúc 4 giờ 30 sáng theo giờ địa phương và đang được bảo đảm an toàn.
Video được đăng trên phương tiện truyền thông xã hội xuất hiện cho thấy phần đuôi Ever Given đã xoay vòng, mở ra không gian trong kênh. Trong cảnh quay khác có tiếng cổ vũ và tiếng còi tàu vang lên.
Những hình ảnh được chia sẻ với Reuters vào đầu ngày 29.3 cho thấy Ever Given đã lao thẳng vào đường thủy. Hai nguồn vận tải địa phương cho biết nó đã trở lại “hành trình bình thường”.
Hướng đi của Ever Given đã thay đổi đáng kể và đuôi tàu hiện cách xa bờ hơn 100m, nhà chức trách cho biết.
Dịch vụ theo dõi tàu VesselFinder đã thay đổi trạng thái của Ever Given thành đang hoạt động trên trang web của mình.
Ông Mohab Mamish, cố vấn của Tổng thống Ai Cập - Mohamed Morsi về vấn đề kênh đào Suez, cho biết: "Hôm nay chúng tôi sẽ khởi động kế hoạch đưa tất cả tàu di chuyển qua kênh đào Suez. Có thể sẽ phải mất một tuần để các tàu bị mắc kẹt đi qua kênh".