“Tháng 6.2020, chúng tôi đã chuyển giao đề án cho Ban chỉ huy PCTT tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tuy nhiên, họ sử dụng đề án này như thế nào thì chúng tôi không rõ”, ông Trịnh Xuân Hòa, Phó viện Trưởng Viện Khoa học Địa chất và khoáng sản nói.

Sạt lở thủy điện Rào Trăng 3: Đã có cảnh báo từ trước?

Lam Thanh | 15/10/2020, 15:50

“Tháng 6.2020, chúng tôi đã chuyển giao đề án cho Ban chỉ huy PCTT tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tuy nhiên, họ sử dụng đề án này như thế nào thì chúng tôi không rõ”, ông Trịnh Xuân Hòa, Phó viện Trưởng Viện Khoa học Địa chất và khoáng sản nói.

Trước sự cố sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 (Phong Xuân, Phong Điền, Thừa Thiên Huế), trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, TS Trịnh Xuân Hòa, Phó viện Trưởng Viện Khoa học Địa chất và khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết năm 2019, đơn vị đã đã tiến hành điều tra với tỷ lệ 1:50.000 và đã có cảnh báo về hiện trạng trượt lở tại đây.

rao-trang.jpg
Hiện trường vụ sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3, tỉnh Thừa Thiên - Huế - Ảnh: Lê Toàn

Đề án được triển khai thực hiện trên cơ sở Quyết định số 351/QĐ-TTg ngày 27.3.2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam”, do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện.

“Tháng 6.2020, chúng tôi đã chuyển giao đề án này cho Ban chỉ huy PCTT của Tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tuy nhiên, họ sử dụng đề án này như thế nào thì chúng tôi không rõ”, ông Hòa cho hay.

Theo ông Hòa, tại Thừa Thiên – Huế, báo cáo cho thấy có 155 điểm trượt lở đất đá; 1 điểm lũ ống, lũ quét; 9 điểm xói lở bờ sông, suối, biển…; tổng cộng có 165 điểm tai biến địa chất.

Được biết, năm 2020, đề án tiến hành chuyển giao bộ bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000 tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng cho Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban chỉ huy PCTT của tỉnh trước mùa mưa bão.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã triển khai các hoạt động tập huấn cho các chuyên viên được giao trực tiếp quản lý và sử dụng bộ sản phẩm của đề án và các cán bộ phụ trách về công tác phòng tránh thiên tai tại các cộng đồng dân cư.

Các cán bộ kỹ thuật của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trực tiếp hướng dẫn cho các chuyên viên thuộc các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện; sau đó, các chuyên viên này tiếp tục truyền tải các thông tin, hướng dẫn cho các cán bộ, chuyên viên của các đơn vị trực thuộc cũng như tới các cộng đồng dân cư địa phương.

Theo báo cáo tóm tắt của đề án, bộ bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá đã cung cấp thông tin chi tiết về từng vị trí, từng khu vực đã xảy ra trượt lở đất đá đến thời điểm được điều tra, và các khoanh vùng sơ bộ các khu vực có nguy cơ xảy ra trượt lở đất đá cao trên cơ sở tổng hợp các kết quả khảo sát.

Bộ bản đồ này sẽ giúp các cấp chính quyền nắm bắt được toàn cảnh thực trạng xảy ra trượt lở đất đá ở địa phương mình, chi tiết tới từng điểm trượt đã được khảo sát.

Do vậy, địa phương và các đơn vị liên quan có thể sử dụng bộ bản đồ như một công cụ cảnh báo sơ bộ về nguy cơ tái xuất hiện trượt lở đất đá tại các vị trí đã từng xảy ra trong các khu vực đã điều tra, cũng như cảnh báo về nguy cơ xảy ra trượt lở đất đá tại các vị trí, khu vực có điều kiện tự nhiên - môi trường tương đồng.

Trên cơ sở đó, các địa phương có thể chuẩn bị các biện pháp ứng phó phù hợp tại mỗi vị trí tùy mức độ quy mô, nguy cơ (tái) xuất hiện trượt lở trong các mùa mưa bão.

Các bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá cũng cung cấp các thông tin về các mức độ nguy cơ xảy ra trượt lở đất đá tại mỗi khu vực khi hội tụ đầy đủ các điều kiện thuận lợi, kích hoạt các quá trình trượt lở đất đá xảy ra.

Bộ bản đồ này sẽ giúp các cấp chính quyền nắm bắt được toàn cảnh mức độ nguy cơ có thể xảy ra trượt lở đất đá ở địa phương, được chi tiết tới cấp xã. Các địa phương có thể sử dụng bộ bản đồ này làm cơ sở khoa học để phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sắp xếp lại dân cư cho các địa phương, đồng thời, vẫn đảm bảo cho chính quyền các cấp tỉnh, huyện, xã và nhân dân địa phương có thể lồng ghép các kế hoạch và biện pháp phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do trượt lở đất đá gây ra.

Trước đó vào ngày 12.10, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận được một cuộc điện thoại của người dân gọi thông báo tại thủy điện Rào Trăng 3 đang gặp sự cố sạt lở, nhiều công nhân bị vùi lấp, mắc kẹt.

Trong chiều 12.10, đoàn công tác 21 người do ông Nguyễn Thanh Bình - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó tư lệnh Quân khu 4 dẫn đầu cùng chiến sĩ của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã lên đường vào rừng xác minh, ứng cứu.

Lúc 23 giờ, đoàn tiếp cận báo về còn cách thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 3km. Tuy nhiên do thời tiết xấu, trời tối và địa hình sạt lở nên việc tiếp cận khó có thể diễn ra tiếp tục; đoàn quyết định vào Trạm Kiểm lâm số 7 thuộc tiểu khu 67 (đóng trên đường di chuyển) nghỉ ngơi để sáng sớm tiếp tục lên đường.

Đến khoảng gần 1 giờ sáng hôm sau, sạt lở và lũ bất ngờ quét qua khu vực này khiến đoàn công tác gặp nạn, hiện 8 người đã về, còn 13 người mất tích.

Ba hướng cứu hộ, cứu nạn đã được cơ quan chức năng tiếp cận. Trong tối ngày 14.10, lực lượng Công binh tiếp tục điều thêm người vào khu vực tiểu khu 67 để tìm kiếm đoàn cán bộ.

Sau nhiều giờ liên tục tìm kiếm, lực lượng chức năng đã tìm được 7 người trong đoàn công tác, trong tình trạng đã tử vong. Xe cứu thương của lực lượng Quân y được dẫn đoàn bởi CSGT đã ra khỏi hiện trường, dự kiến các nạn nhân sẽ được đưa về Bệnh viện Quân y 286 (TP Huế).

Công tác cứu nạn đang tiếp tục được triển khai gấp rút, các lực lượng của Quân khu 4 đang tăng cường thêm lực lượng vào tìm kiếm nạn nhân trước khi trời tối. Hiện mây mù đã kéo đến ở địa phận xã Phong Xuân, rất có thể trong vài giờ tới trời sẽ đổ mưa.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sạt lở thủy điện Rào Trăng 3: Đã có cảnh báo từ trước?