Sáng 5.7, ông Đinh Hà Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế Gia Lai xác nhận, bệnh nhân Vung (SN 2016, trú tại làng Bông Hiot, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) dương tính với bệnh bạch hầu, đã tử vong vào sáng cùng ngày.

Sau ca tử vong, Gia Lai phát hiện thêm 9 trường hợp mắc bệnh bạch hầu

05/07/2020, 19:23

Sáng 5.7, ông Đinh Hà Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế Gia Lai xác nhận, bệnh nhân Vung (SN 2016, trú tại làng Bông Hiot, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) dương tính với bệnh bạch hầu, đã tử vong vào sáng cùng ngày.

Ca nhiễm bệnh bạch hầu đầu tiên ở Gia Lai đã tử vong

Theo bệnh án, ngày 28.6 bệnh nhân có triệu chứng bị sốt, ho đau họng, gia đình tự mua thuốc về điều trị nhưng không đỡ nên xin nhập viện. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Nhi Gia Lai vào lúc 6 giờ ngày 3.7 và được y, bác sĩ tại đây chẩn đoán viêm họng, amidal, thanh quản giả mạc, viêm phổi. Sau đó, bệnh nhân được xét nghiệm nhanh và được chẩn đoán mắc bệnh bạch hầu dù trước đó bệnh nhân đã tiêm đầy đủ 3 mũi Quinvaxem (trong đó có vắc-xin phòng bạch hầu).

Theo TTXVN, hiện ngành Y tế tỉnh phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương khẩn cấp triển khai các biện pháp phòng chống dịch, xử lý phun hóa chất cloramin B 0,5% tại gia đình bệnh nhân và những hộ nghi ngờ, cũng như các hộ xung quanh bán kính 200m; tổ chức khám sàng lọc và điều trị dự phòng cho toàn bộ người dân xã Hải Yang.

Đồng thời, ngành Y tế tỉnh Gia Lai đẩy mạnh truyền thông, tư vấn, hướng dẫn các biện pháp vệ sinh phòng bệnh như dọn vệ sinh nhà cửa, khu vực xung quanh nhà và vệ sinh cá nhân; tiếp tục theo dõi diễn biến dịch bệnh, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, lấy mẫu xét nghiệm, điều trị kịp thời, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch, không để bệnh bùng phát, lan rộng.

Cho trẻ tiêm vắc xin đủ mũi, đúng lịch để phòng chống bệnh bạch hầu

Ngay sau khi xuất hiện ca bệnh bạch hầu, huyện Đắk Đoa đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tuyến huyện, xã. Riêng tại khu vực làng Bông Hiot, huyện Đắk Đoa đã lập chốt chặn hạn chế người ra vào nhằm kiểm soát không để dịch bệnh lây lan.

Cũng ngay trong chiều 5.7, Sở Y tế tỉnh Gia Lai đã thông báo xác nhận trên địa bàn đã có thêm 9 trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu. “Sau khi xảy ra một trường hợp bị bạch hầu, ngành Y tế tỉnh đã nhanh chóng vào cuộc lấy các mẫu đối với những người sống xung quanh để gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên. Qua kết quả xét nghiệm cho thấy, có chín trong 24 mẫu được gửi đi có kết quả dương tính với bệnh bạch hầu” - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho hay.

Theo bác sĩ Nguyễn Đông Bảo Châu - Bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nhóm B do vi khuẩn Bạch hầu có tên khoa học là Corynebacterium diphtheria thuộc họ Corynebacteriaceae gây ra. Đây là tình trạng nhiễm khuẩn cấp tính tạo ra giả mạc ở tuyến hạnh nhân (amidan), hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh bạch hầu được lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu. Bệnh còn có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.

Tiêm vắc xin ngừa bệnh bạch hầu là biện pháp được cho thấy rất hiệu quả trong phòng bệnh. Đối với các bậc phụ huynh và người dân nói chung, nên đưa trẻ đi tiêm chủng theo khuyến cáo của ngành y tế đủ liều, đúng lịch. Đồng thời, đối với những chiến dịch sức khỏe triển khai tại địa phương, mọi người cần tham gia tích cực, qua đó tạo miễn dịch lớn nhất cho cộng đồng cũng như cho chính bản thân.

"Bệnh bạch hầu xuất hiện với các triệu chứng là sốt, một số trường hợp sốt nhẹ, viêm đường hô hấp. Ngoài ra, khi bị bạch hầu họng và viêm amidan, bệnh nhân thường mệt mỏi, chán ăn, sau 2-3 ngày sẽ xuất hiện lớp giả mạc trắng, xanh bám chắc vào amidan. Biến chứng của bạch hầu tùy theo mức độ, nhẹ có thể gây liệt các cơ, đặc biệt là các cơ vòm họng, làm cho bệnh nhân khó nuốt, dễ bị sặc khi uống nước. Còn trường hợp nặng, có thể gây liệt các chi, rối loạn nhịp tim, thậm chí suy tim dẫn đến tử vong. Đa số bệnh bạch hầu đã bị một lần rồi thì thường sẽ miễn dịch suốt đời, nhưng sự kháng thể, miễn dịch cũng giảm dần theo thời gian. Để phòng bệnh bạch hầu thì ngoài việc tiêm vắc xin thì mọi người cũng nên chú ý về việc vệ sinh nếu vô tình tiếp xúc với người bệnh. Lịch vắc xin phòng bệnh bạch hầu, đối với trẻ dưới 1 tuổi phải được tiêm đầy đủ 3 mũi vắc-xin 5 trong 1 vào các tháng thứ 2, 3 và 4. Đối với trẻ trên 18 tháng tuổi phải được tiêm nhắc lại để tạo miễn dịch cho trẻ được cao hơn" - bác sĩ Bảo Châu chia sẻ.

Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu đủ mũi tiêm và đúng lịch (mũi 1 tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi, mũi 2 sau mũi thứ nhất 1 thán, mũi 3 sau mũi thứ hai 1 tháng , mũi 4 khi trẻ 18 tháng tuổi).

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

- Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

- Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

- Người dân trong ổ dịch cần thực hiện nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Dạ Thảo

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
34 phút trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sau ca tử vong, Gia Lai phát hiện thêm 9 trường hợp mắc bệnh bạch hầu