Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã khiến hàng trăm tấn sầu riêng tại Đắk Lắk, Đắk Nông chưa tìm được đầu ra, giá rớt xuống chỉ còn từ 10.000 - 25.000 đồng/kg.

Sầu riêng rớt giá thê thảm vẫn khó tiêu thụ

Bài và ảnh: Hoàng Lan | 10/08/2021, 17:35

Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã khiến hàng trăm tấn sầu riêng tại Đắk Lắk, Đắk Nông chưa tìm được đầu ra, giá rớt xuống chỉ còn từ 10.000 - 25.000 đồng/kg.

Sầu riêng giảm giá một nửa

Những ngày gần đây, trên các trục đường liên xã, liên thôn của xã Đức Mạnh, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông xuất hiện những điểm thu mua, tập kết sầu riêng. Các điểm thu mua nhỏ lẻ này gom sầu riêng của các nhà vườn trên địa bàn. Phần lớn sầu riêng tại đây là giống cũ, được người dân trồng xen trong rẫy cách đây hàng chục năm.

So với mọi năm, giá sầu riêng các loại năm nay đều giảm sâu. Hiện sầu riêng truyền thống được mua với giá dao động từ 7.000 - 10.000 đồng/kg. Sầu riêng Ri6 có giá trên 20.000 đồng/kg. Còn sầu riêng Thái được thu mua với giá từ 35.000 - 40.000 đồng/kg. Mức giá này đều thấp hơn vụ mùa năm ngoái từ 30-40%.

Theo các đại lý thu mua sầu riêng tại Đắk Mil, giá sầu riêng giảm sâu là do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, khiến sức mua sầu riêng tại các thị trường lớn như TP.HCM và các tỉnh phía Nam giảm mạnh. Việc vận chuyển tiêu thụ hàng hóa nói chung, sầu riêng nói riêng, cũng gặp rất nhiều khó khăn.

sau-rieng-rung.png
Sầu riêng truyền thống tại Đắk Nông hiện giảm chỉ còn giá 7.000 - 10.000 đồng/kg. Dù giá giảm mạnh, sầu rụng đầy vườn nhưng vẫn khó tiêu thụ

Không riêng gì Đắk Nông, tỉnh Đắk Lắk cũng đối diện áp lực khi sầu riêng đang vào vụ thu hoạch rộ. Theo Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh có 12.224 ha sầu riêng, trong đó diện tích đã cho thu hoạch 5.216 ha, sản lượng hơn 103.200 tấn. Cây sầu riêng được trồng khá phổ biến ở tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh, nhưng tập trung nhiều ở các huyện Krông Pắc, Krông Năng, Cư M’gar, TX. Buôn Hồ…

Trong đó, huyện Krông Pắc được mệnh danh là "thủ phủ sầu riêng" của Đắk Lắk, với 3.407 ha (diện tích trong giai đoạn kinh doanh là 2.500 ha), tổng sản lượng khoảng 40.000 tấn. Năm 2020, tổng giá trị của sầu riêng đạt 1.500 tỉ đồng, chiếm 30% giá trị toàn ngành trồng trọt của huyện. Cây sầu riêng đang đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân hằng năm.

Tuy nhiên, năm nay, vụ thu hoạch lại rơi trúng đợt dịch COVID-19 bùng phát mạnh nên việc giao thương sản phẩm ra bên ngoài tỉnh gặp nhiều khó khăn, trong khi nhiều nhà máy chế biến sản phẩm bị phong tỏa khiến đầu ra của sầu riêng gần như chững lại.

Giá sầu riêng cũng vì thế mà giảm mạnh. Các năm trước, sầu riêng Ri6 và sầu Thái đầu mùa giá tại vườn đã 50.000-60.000 đồng một kg, nay giảm hơn một nửa chỉ còn 25.000-30.000 đồng một kg, còn sầu riêng hạt chỉ 8.000-15.000 đồng. Dù giá giảm mạnh, sầu riêng rụng nhiều nhưng không có người mua.

sau-rieng.png
Các loại sầu thường có giá cao như Ri6, sầu Thái cũng chung cảnh ngộ giá giảm mạnh nhưng không có đầu ra

Nỗ lực tìm đầu ra cho sầu riêng

Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắc cho biết huyện đã lường trước được tình trạng này. Do vậy, ngay từ đầu tháng 7 vừa qua, huyện Krông Pắc đã có báo cáo đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk và các sở, ngành liên quan hỗ trợ, kết nối tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, nhất là sản phẩm sầu riêng.

UBND huyện cũng đã xây dựng kế hoạch tổ chức thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm sầu riêng trên địa bàn huyện Krông Pắc trong tình hình dịch COVID-19. Theo đó, huyện đã chỉ đạo các phòng ban và UBND cấp xã chủ động thực hiện rà soát, thống kê và thông tin sản lượng sầu riêng trên địa bàn, sản lượng dự kiến thu hoạch theo từng thời điểm, tiêu chuẩn chất lượng, nhu cầu kết nối tiêu thụ, giá cả.

Song song đó, UBND huyện cũng chỉ đạo các phòng, ban và UBND các xã tập trung tối đa cho phòng chống dịch và xây dựng phương án “4 tại chỗ” trong tổ chức thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm sầu riêng; bố trí các các tổ, đội chống dịch ở các tuyến đường, cửa ngõ ra vào vùng trồng sầu riêng tập trung của địa phương. Qua đó, hỗ trợ phương tiện, người thu mua ra vào thu hoạch thuận tiện; triển khai việc thành lập các tổ liên kết giữa các hộ trồng sầu riêng theo khu vực, địa bàn để hỗ trợ trong thu hoạch, vận chuyển.

sau-rieng-3.jpeg
Đắk Nông và Đắk Lắk hiện có 127.000 tấn sầu riêng cần được tiêu thụ

Để mở rộng kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm, huyện đã chủ động liên hệ, thường xuyên trao đổi, vận động xúc tiến, mời gọi các chợ đầu mối toàn quốc, các đối tác tiêu thụ lớn như: hệ thống siêu thị Co.opmart, VinMart, Bách hóa Xanh, Mega Market Vietnam... trung tâm thương mại, các doanh nghiệp chế biến sản phẩm từ trái sầu riêng đến huyện khảo sát, liên kết, ký hợp đồng tiêu thụ.

Huyện Krông Pắc còn tập trung xúc tiến thương mại cho tiêu thụ, chào bán sản phẩm sầu riêng trên các sàn thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số (online) như: Tiki, Sendo, Shopee, Voso, Postmart, Alibaba...

Ngoài ra, huyện này còn đề nghị Sở Giao thông vận tải tỉnh Đắk Lắk hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký cấp logo cùng với mã nhận diện QR code cho việc tham gia “luồng xanh”; có hướng dẫn cụ thể, áp dụng chung trên địa bàn các xã, thị trấn cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trong quá trình vận chuyển, giao nhận hàng hóa là sản phẩm sầu riêng qua các chốt kiểm dịch tại Đắk Lắk.

“Bên cạnh việc tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp, thương lái đến thu mua sầu riêng thì huyện Krông Pắc cũng đã có văn bản gửi trực tiếp cho các Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Y tế đề nghị tạo mọi điều kiện tốt nhất cho việc thu mua, lưu thông và tiêu thụ sản phẩm sầu riêng trên địa bàn huyện”, bà Trinh khẳng định.

sau-rieng-dak-lak.png
Các địa phương đang đẩy mạnh việc tiêu thụ khi sầu riêng đang vào vụ thu hoạch rộ

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk cũng nói rằng trong bối cảnh nông sản khó tiêu thụ vì dịch, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương vừa thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch, vừa phải hỗ trợ tạo điều kiện để sản xuất nông nghiệp cũng như lưu thông các mặt hàng nông sản, nhất là sản phẩm trái cây đang thu hoạch được thuận lợi.

Ngành nông nghiệp cũng đã đề nghị UBND tỉnh có chỉ đạo chung cho các sở, ngành liên quan như Sở Giao thông vận tải, Sở Công Thương, Sở Y tế phải có sự thống nhất và có văn bản hướng dẫn về quy trình phòng chống dịch kết hợp thu mua, vận chuyển nông sản để đảm bảo vừa thuận lợi vừa thực hiện tốt các quy định phòng chống dịch. Các quy định này cần phải được tuyên truyền phổ biến công khai để người dân hiểu được và chấp hành, doanh nghiệp yên tâm đến với Đắk Lắk để thu mua nông sản.

Trong khi đó, Sở Công Thương Đắk Lắk đã có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ cho địa phương được dùng ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp dự trữ hàng hóa khi dịch COVID-19 lây lan rộng trong cộng đồng. Đồng thời, hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường quốc tế khi các loại nông sản (bơ, mít, sầu riêng...) của tỉnh chuẩn bị vào mùa thu hoạch…

Thống kê của 2 tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk cho thấy hiện nay có trên 15.000 ha sầu riêng các loại, với sản lượng ước tính hơn 127.000 tấn. Nắm bắt được khó khăn, hiện nay, các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk đang khẩn trương triển khai thực hiện các phương án hỗ trợ tiêu thụ sầu riêng và các loại nông sản khác cho người nông dân.

Bài liên quan
Muôn kiểu đi chợ thời 'xã hội giãn cách'
Bán hàng theo combo, không tiếp xúc, tổ đi chợ hộ,... là những cách bán hàng sáng tạo đang được nhiều nơi áp dụng trong lúc giãn cách xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
7 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sầu riêng rớt giá thê thảm vẫn khó tiêu thụ