Trong đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 khu đô thị du lịch biển Cần Giờ, TP.HCM sẽ xây dựng cầu Cần Giờ thay thế phà Bình Khánh, đồng thời xây dựng tuyến đường trên cao nối từ cầu Cần Giờ đến khu đô thị biển.
Ngày 6.11, thông tin từ Văn phòng UBND TP.HCM cho biết, UBND TP.HCM đã yêu cầu Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờbáo cáo nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 khu đô thị du lịch biển Cần Giờ.
Khu du lịch này nằm tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ với quy mô nghiên cứu là 1.875 ha. UBND TP.HCM yêu cầu đơn vị cần đề xuất cơ cấu sử dụng đất hợp lý, đảm bảo khả năng đáp ứng của hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật của khu đô thị trong tương lai.
Đồng thời, đơn vị này cần phân tích rõ các yếu tố tác động lớn đến sự phát triển của thành phố và quy hoạch chung của huyện Cần Giờ. Đặc biệt là những vấn đề liên quan đến phát triển hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật như: xây dựng cầu Cần Giờ thay thế phà Bình Khánh, xây dựng tuyến đường trên cao kết nối từ cầu Cần Giờ đến khu đô thị biển Cần Giờ.
Tuy nhiên, khu đô thị Cần Giờ không mở rộng đường Rừng Sác theo quy hoạch có mặt cắt ngang từ 60 - 120m, tương đương 10 làn xe cơ giới để đảm bảo không ảnh hưởng gián tiếp đến khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, phù hợp với xu hướng bảo tồn của thế giới hiện nay…
Hồi tháng 6 năm nay, UBND TP.HCM cũng đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp với huyện Cần Giờ lập nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đối với huyện này. Nhiệm vụ trên được triển khai sau khi Chính phủ chấp thuận về nguyên tắc việc nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khu vực ven biển Cần Giờ tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh.
Quy hoạch này cũng đểcập nhật vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2030. Sau khi quy hoạch được duyệt, UBND TP.HCM sẽ xem xét quy mô dự án đầu tư khu đô thị lấn biển Cần Giờ, nếu vượt quá thẩm quyền phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 thì TP.HCM sẽ phát triển hai hướng chính là hướng đông và hướng nam ra biển. Do đó, Cần Giờ là một trong những địa điểm được TP.HCM ưu tiên kêu gọi đầu tư.
Trước đó, UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương cho lấn biển làm dự án khu du lịch Cần Giờ do Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ hợp tác với Tập đoàn Vingroup thực hiện việc quy hoạch.
Theo đó, Công ty cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờxin khai thác thêm 480 ha để tạo liên kết lấn biển có quy mô khai thác lên 1.380 ha, chia ra nhiều giai đoạn thực hiện với dự kiến thành lập khu du lịch hiện đại, có cảng trung chuyển đón tàu du lịch biển trong tương lai, du lịch trực thăng…
Về vấn đề này, UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương lấn biển làm khu du lịch và giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc hoàn chỉnh đồ án quy hoạch kiến trúc và giao Sở Kế hoạch - Đầu tư hướng dẫn thủ tục đầu tư dự án theo đúng quy định của pháp luật.
Dự án Khu du lịch Cần Giờ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2004 với quy mô khu đô thị du lịch 221 ha và khu du lịch lấn biển 600 ha. Năm 2007, Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ đã khởi động dự án với tổng kinh phí đầu tư dự kiến ban đầu khoảng 8.470 tỉ đồng.
Phan Diệu