Nhiều năm qua, một số chính phủ trên thế giới đã chỉ trích các mạng xã hội vì vai trò của chúng trong việc lan truyền thông tin sai lệch, kích động bạo lực và những cuộc nổi dậy.
Vào tháng 6, Tổng thống Pháp - Emmanuel Macron đổ lỗi cho Snapchat, TikTok vì đã phát tán video cảnh sát bắn chết một thiếu niên gốc Bắc Phi, gây ra các cuộc biểu tình lớn trên cả nước. Các nhà làm luật Mỹ từng đổ lỗi cho mạng xã hội, gồm cả Twitter và Parler, vì đã góp phần vào cuộc bạo loạn ở Điện Capitol vào ngày 6.1.2021.
Theo hãng tin Bloomberg, đầu tuần này, chính phủ Senegal đã áp đặt lệnh cấm tạm thời với TikTok trên tất cả mạng điện thoại không dây. Không dừng lại ở đó, chính phủ Senegal đã chặn quyền truy cập toàn bộ internet trên thiết bị di động trong 5 ngày hoặc có thể lâu hơn.
Thời điểm đó, Moussa Bocar Thiam (Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Senegal) cho biết rằng việc cắt internet nhằm ngăn chặn sự lan truyền “các thông điệp thù địch và phản cách mạng của những cá nhân đe dọa gây bất ổn cho tình hình trong nước”. Ít nhất 40 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình trên khắp Senegal kể từ khi Ousmane Sonko, nhà lãnh đạo phe đối lập bị bắt và kết tội làm suy đồi đạo đức thanh niên.
Động thái cắt internet của chính phủ Senegal để đối phó với các cuộc biểu tình đã gây ra hậu quả nặng nề. Những ngôi nhà bị mất điện. Người dân bị mất quyền truy cập vào các hệ thống di động mà họ phụ thuộc vào để thanh toán cho các nhu cầu cơ bản như thức ăn và nước uống. Những người phụ thuộc vào mạng xã hội để tránh các cuộc biểu tình trên đường phố bây giờ đang phải đối mặt với chúng.
Bridget Andere, cố vấn chính sách cấp cao của Access Now - tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ quyền kỹ thuật số của mọi người, nói: “Truy cập thông tin trong thời kỳ khủng hoảng, xung đột và bất ổn chính trị thường là vấn đề sống còn. Việc cắt internet không chỉ vi phạm các quyền cơ bản mà còn phá vỡ sinh kế và nguồn thu nhập của người dân, tác động tiêu cực đến nền kinh tế quốc gia và tạo điều kiện cho những người nắm quyền thực hiện hành vi vi phạm nhân quyền với người dân mà không bị trừng phạt”.
Ở nhiều quốc gia châu Phi, smartphone là phương tiện truy cập internet duy nhất mà một số người có. Các ứng dụng truyền thông xã hội như TikTor, Twitter và Facebook trở thành phương tiện để họ cập nhật tin tức. Senegal cũng không ngoại lệ. Ở đó, người dân dựa vào truy cập internet trên smartphone để thanh toán cho các dịch vụ thiết yếu và cập nhật tình hình bất ổn đang gia tăng trước cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 25.2.2024, trong đó Tổng thống Macky Sall dự kiến sẽ rời bỏ vị trí sau hai nhiệm kỳ.
Ibrahim Diop, người dẫn chương trình phát thanh 27 tuổi sống ở Dakar (thủ đô Senegal), cho biết anh bị mất điện trong nhà, không có internet trên smartphone, không thể nạp tiền vào tài khoản của mình bằng một ứng dụng tại địa phương. Ibrahim Diop từng sử dụng ứng dụng TikTok để tránh các khu vực có cuộc biểu tình - nỗ lực được chứng minh là vô ích nếu không có internet.
Theo quan điểm của Ibrahim Diop, các nhà chức trách Senegal lo ngại việc thế giới chứng kiến người dân nổi dậy chống lại chính phủ hơn là quan tâm đến việc giữ an toàn cho họ. “Một người phụ nữ đang quay video từ ban công của cô. Khi cảnh sát nhìn thấy, họ đã bắn đạn hơi cay về phía cô ấy. Rõ ràng là họ không thích người dân quay video”, Ibrahim Diop nói.
Dù cố gắng hết sức để trở thành nguồn giải trí, nơi dành cho các video vui nhộn và nhẹ nhàng, TikTok đã trở thành nền tảng có ảnh hưởng và thường xuyên gây tranh cãi, lọt vào tầm ngắm của các phong trào xã hội và chính trị. TikTok bị cấm tạm thời ở Senegal vì lan truyền video về các cuộc biểu tình vì tỷ lệ thất nghiệp cao, hạn chế quyền dân sự và bắt giữ các nhà lãnh đạo phe đối lập.
TikTok không trả lời nhiều câu hỏi của hãng tin Bloomberg về vấn đề này.
Động thái cắt internet của Senegal không phải là không có tiền lệ. Chính phủ Ethiopia đã hạn chế quyền truy cập vào một số trang web và internet trong nhiều năm trong bối cảnh bất ổn ở khu vực Tigray. Vào đêm trước cuộc bầu cử Tổng thống Uganda vào năm 2021, sau khi Facebook gỡ bỏ một số tài khoản thân chính phủ, internet đã bị tạm ngưng. Iran đã cắt quyền truy cập web vào năm 2019 sau khi giá nhiên liệu tăng vọt gây ra các cuộc biểu tình chết người.
Các chính phủ ngày càng lo ngại về việc mạng xã hội kích động các cuộc nổi dậy sau khi Twitter (hiện được gọi là X) được cho có vai trò trong việc lật đổ các nhà lãnh đạo từ Tunisia đến Ai Cập trong Mùa xuân Ả Rập. Trong tuần trước khi ông Hosni Mubarak từ chức Tổng thống Ai Cập vào năm 2011, số lượng bài đăng trên Twitter về thay đổi chính trị ở Ai Cập đã tăng từ 2.300 lên 230.000 một ngày, theo nghiên cứu của Đại học Washington (Mỹ).
Năm ngoái, việc chặn truy cập internet do các chính phủ thực thi đã dẫn đến thiệt hại kinh tế 261 triệu USD trên khắp châu Phi cận Sahara, bao gồm cả Senegal, ảnh hưởng đến 132,2 triệu người dùng internet trong khu vực, theo Top10VPN, trang web theo dõi dữ liệu ngành có trụ sở tại London (thủ đô Anh).
Chính phủ Senegal cho biết chi phí chặn truy cập internet là rất nhỏ so với thiệt hại về người do các cuộc biểu tình bạo lực. Chính phủ Senegal nhiều lần nhắc đến thiệt hại vật chất và cái chết do bạo loạn, công bố kế hoạch thành lập một đơn vị cảnh sát chịu trách nhiệm bảo vệ tài sản công cộng.
Gần đây, Maimouna Sow (người phụ nữ ở Senegal) đã đi chợ để mua sản phẩm cho khách hàng của mình. Đến khi cố gắng tiếp cận khách hàng để hỏi về việc mua hàng, Maimouna Sow mới nhận ra rằng mình không thể truy cập ứng dụng nhắn tin WhatsApp trên smartphone. "Tôi đứng ở giữa chợ và không thể liên lạc với họ. Tôi đã thử gọi điện và sau đó là gửi tin nhắn. Thật khó chịu", cô nói.
Thanh toán hóa đơn, mua đồ tạp hóa và đổ xăng là tất cả những việc mà Maimouna Sow đã quen thực hiện thông qua các ứng dụng dành cho thiết bị di động. Giờ đây, người dân trong khu vực của Maimouna Sow đang đổ xô đến các máy ATM để rút càng nhiều tiền mặt càng tốt, nhưng “điều đó chắc chắn sẽ sớm trở thành một vấn đề”, cô nói.
Lãnh đạo tại một công ty viễn thông hoạt động ở Senegal (yêu cầu giấu tên) nói chính phủ đã ra lệnh cho các công ty ngừng dịch vụ internet và TikTok từ 8 giờ sáng đến 2 giờ sáng hôm sau vô thời hạn. Người này cho biết các nhà khai thác viễn thông đã yêu cầu Bộ Thông tin Truyền thông Senegal làm rõ khi nào lệnh sẽ được dỡ bỏ.
Chủ sở hữu một hãng công nghệ tài chính ở thủ đô Dakar (yêu cầu giấu tên vì sợ bị trả thù) nói việc cắt internet làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của ông.
Công ty phần mềm thanh toán trực tuyến Wave Mobile Money cũng bị ảnh hưởng bởi việc cắt internet, nhưng đã phát triển những cách để khách hàng vẫn có thể dùng ứng dụng thông qua phương tiện khác. Tuy nhiên, Falilou Cisse, người phát ngôn cho Wave Mobile Money ở Dakar, lưu ý: “Ứng dụng của chúng tôi hoạt động tốt nhất khi được sử dụng trên mạng điện thoại di động”.