Bộ Công an đã hoàn thành hồ sơ dự thảo nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng.
Theo Bộ Công an, mạng xã hội là nơi thường xuyên diễn ra tình trạng đăng tải thông tin xấu độc, sai sự thật. Chỉ tính riêng tình hình dịch COVID-19, cơ quan công an đã xử lý hàng trăm trường hợp tung tin sai sự thật, tin đồn thất thiệt gây hoang mang trong dư luận, có xử phạt vi phạm hành chính nhưng mức độ chưa đủ sức răn đe.
Ngoài ra, Bộ Công an nhấn mạnh thông tin cá nhân người sử dụng các ứng dụng, dịch vụ trên không gian mạng đang bị thu thập, khai thác, sử dụng công khai bởi các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung số, thương mại điện tử, nhiều ứng dụng lưu trữ dữ liệu tại nước ngoài. Đây là những hành vi cần có mức xử phạt để tăng hiệu lực của pháp luật, tăng sức răn đe, ngăn ngừa tội phạm.
Liên quan đến tội phạm sử dụng không gian mạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, Bộ Công an nhận định đây là loại tội phạm diễn ra phức tạp với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi, xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước. Tội phạm tổ chức đánh bạc và đánh bạc, cá độ bóng đá trên mạng chủ yếu do hàng chục “nhà cái” ở nước ngoài móc nối với các đối tượng trong nước (đại lý) xây dựng các đường dây, thiết lập hàng nghìn trang web.
Chưa kể, hoạt động tín dụng đen trên mạng xuất hiện hình thức mới (cho vay ngang hàng - P2P Lending) có dấu hiệu cho vay nặng lãi, một số vụ có người nước ngoài tham gia; đặc biệt, tiềm ẩn nguy cơ bị lợi dụng để núp bóng hoạt động đánh bạc qua mạng, lừa đảo, trốn thuế, rửa tiền...
Hiện Bộ Công an đã hoàn thành hồ sơ dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng để lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Dự thảo nghị định gồm có 4 chương, 51 điều, quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng.
Trong đó, dự thảo quy định phạt tiền từ 40 - 60 triệu đồng đối với một trong những hành vi như: Làm ra và phát tán thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong nhân dân, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; làm ra và phát tán thông tin có nội dung phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng…
Phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng đối với hành vi: Sử dụng không gian mạng kích động hoạt động khủng bố hoặc đe dọa khủng bố; cố ý chia sẻ, bình luận cổ súy cho các thông tin tuyên truyền của các tổ chức, cá nhân khủng bố trên không gian mạng.
Phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng đối với một trong những hành vi: Hỗ trợ việc sử dụng không gian mạng để thực hiện mục đích ủng hộ, tài trợ hoặc vận động người khác ủng hộ, tài trợ cho tổ chức, cá nhân khủng bố; chậm trễ, cản trở, không thực hiện các biện pháp theo yêu cầu của lực lượng chức năng trong phòng chống khủng bố mạng…
Đáng chú ý, tại điều 28 - Vi phạm quy định về phòng chống mua, bán dữ liệu cá nhân, Bộ Công an đề xuất phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Mua bán dữ liệu cá nhân dưới 10.000 chủ thể dữ liệu; chuyển giao dữ liệu cá nhân cho bên thứ 3 không có liên quan tới mục đích xử lý dữ liệu cá nhân đã được chủ thể dữ liệu đồng ý; tổ chức, cá nhân có liên quan tới xử lý dữ liệu cá nhân không áp dụng các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân để ngăn chặn tình trạng nhân viên thu thập dữ liệu cá nhân trái phép, phòng chống hoạt động xâm nhập chiếm đoạt dữ liệu cá nhân từ hệ thống của mình...
Phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi mua bán dữ liệu cá nhân trên 10.000 chủ thể dữ liệu; tái phạm lần 2 các quy định đã nêu trên ở điều 28.