Nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành đã gửi lời xin lỗi tới các bị hại.

‘Siêu lừa’ Nguyễn Thị Hà Thành gửi lời xin lỗi các bị hại

Nhã Thanh | 20/03/2023, 18:22

Nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành đã gửi lời xin lỗi tới các bị hại.

Sau nhiều ngày xét xử vụ án Nguyễn Thị Hà Thành cùng đồng phạm lừa đảo, chiếm đoạt hơn 433 tỉ đồng của ngân hàng, chiều 20.3, HĐXX TAND TP.Hà Nội tuyên bố khép lại phần tranh luận. Các bị cáo được nói lời sau cùng trước khi HĐXX vào nghị án và tuyên án vào sáng 24.3.

Là người đầu tiên được nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành đã gửi lời xin lỗi tới các bị hại. “Tôi thực sự áy náy vì lỗi của mình nên hình phạt thế nào tôi cũng chấp nhận. Tôi mong HĐXX xem xét cho các bị cáo khác vì họ tin tưởng tôi nên phạm tội”, Hà Thành trình bày.

Về phần mình, bị cáo Đặng Thị Quỳnh Hương (Trưởng phòng Khách hàng cá nhân Phòng giao dịch Đông Đô của VietABank) tiếp tục cho rằng bản thân không phạm tội như cáo buộc của VKS. Theo Quỳnh Hương, VKS dùng những công văn, văn bản mâu thuẫn nhau trong ngân hàng buộc tội bị cáo.

ha-thanh.jpg
Các bị cáo tại phiên tòa - Ảnh: H.N

Các bị cáo là cựu cán bộ ngân hàng đều cho hay rất ăn năn, hối hận và nhận thức được trách nhiệm của bản thân; từ đó họ mong HĐXX xem xét công minh, giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về với gia đình.

Trong vụ án này, các bị cáo bị đưa ra xét xử với các tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Cho vay lãi nặng” và “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng”. Trong đó, Nguyễn Thị Hà Thành bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt hơn 433 tỉ đồng của 3 ngân hàng VietABank, NCB, PVcomBank và 4 cá nhân khác.

Luật sư của các ngân hàng đề nghị trả hồ sơ

Đáng chú ý, tại một số phiên xử, đại diện ba ngân hàng đề nghị trả hồ sơ, xác định lại tư cách của họ. Các ngân hàng đề nghị bị cáo Hà Thành phải trả tiền cho các bị hại cũng như người đồng sở hữu sổ tiết kiệm.

Trong vụ án này, ông Đặng Nghĩa Toàn (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là người có quyền và nghĩa vụ liên quan vụ án, sở hữu tổng số tiền 122 tỉ đồng trong các sổ tiết kiệm gửi 3 ngân hàng nêu trên.

Khi luận tội, đại diện VKS đề nghị bị cáo Thành bồi thường cho VietABank 249 tỉ đồng, bồi thường cho NCB 47,5 tỉ đồng và cho PVcomBank 49,4 tỉ đồng. Đối với số tiền 122 tỉ đồng mà ông Toàn có trong các sổ tiết kiệm gửi 3 ngân hàng, VKS đề nghị giữ lại để giải quyết việc vay mượn.

ha-thanh-3-.jpg
Quang cảnh phiên tòa

Trình bày trong phần tranh luận tại tòa, luật sư của các ngân hàng đều chung quan điểm khi cho rằng quá trình tố tụng, Hà Thành thừa nhận quan hệ với ông Toàn là quan hệ vay tiền. Bị cáo này nhiều lần hứa hẹn sẽ có nghĩa vụ trả nợ cho các đồng sở hữu tại 3 ngân hàng.

Luật sư của PVcomBank đánh giá đây là quan hệ dân sự được xác lập bằng lời nói. Các ngân hàng là công cụ đảm bảo cho quan hệ dân sự này. Căn cứ các quy định hiện hành, luật sư đánh giá hợp đồng vay tiền trả lãi cao giữa bị cáo Thành và vợ chồng ông Toàn được phát sinh từ thỏa thuận giữa 2 bên.

Trong khi đó, luật sư của VietABank cho rằng đây là mối quan hệ cho vay trả lãi cao giữa Hà Thành và các đồng sở hữu sổ tiết kiệm tại 3 ngân hàng. Luật sư đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung, xác định đúng tư cách tố tụng của ngân hàng và xác định các đồng sở hữu là bị hại.

Tại tòa, ông Đặng Nghĩa Toàn phản bác những quan điểm của các ngân hàng. Ông Toàn lập luận rằng không có chứng cứ nào thể hiện có việc vay tiền giữa mình và bị cáo Hà Thành. Ông Toàn cũng cho rằng bản thân không nhận một khoản tiền lãi nào từ bị cáo Thành. Từ đó, ông đề nghị tòa buộc 3 ngân hàng giải tỏa, trả tiền tiết kiệm cho ông theo quy định pháp luật.

ha-thanh-2-.jpg
Các bị cáo tại phiên tòa

“Phạm tội trong thời gian dài”

Trình bày quan điểm luận tội, VKS nhận định hành vi của Hà Thành và nhiều cựu cán bộ các ngân hàng có mức sai phạm đặc biệt nghiêm trọng. Họ phạm tội trong thời gian dài, chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của các tổ chức tín dụng và những người gửi tiền.

VKS xác định Nguyễn Thị Hà Thành là chủ mưu, cầm đầu, dùng nhiều thủ đoạn và nhiều lần thực hiện các hành vi gian dối để ngân hàng tin tưởng, cho vay tiền.

Theo hồ sơ vụ án, giữa năm 2016, do làm ăn thua lỗ và nợ 80 tỉ đồng, Hà Thành vay lãi suất cao, trả nợ đúng hạn và trở thành khách VIP của nhiều ngân hàng. Từ đó, bị cáo dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền của ngân hàng.

Tại VietABank, Hà Thành trực tiếp bàn với Nguyễn Thị Thu Hương, được sự giúp sức của Quản Trọng Đức và một số cựu cán bộ nhà băng, giả mạo chữ ký của các đồng sở hữu trên giấy đề nghị vay vốn kiêm hợp đồng tín dụng, hoặc hợp đồng thế chấp số dư tiền gửi... Qua đó, bị cáo chiếm đoạt của VAB gần 274 tỉ đồng và 63 tỉ đồng của các cá nhân.

Ở ngân hàng NCB, Thành vay của ông Đặng Nghĩa Toàn (khách hàng gửi tiền) hàng chục tỉ đồng bằng hình thức yêu cầu ông Toàn gửi tiền tiết kiệm rồi đưa sổ cho mình giữ. Sau đó, Thành thông qua Thu Hương, làm việc với Nguyễn Hồng Trung (chuyên viên ngân hàng NCB) và Bùi Văn Tuấn (chuyên viên PVcomBank) để làm thủ tục vay tiền.

Thành cấu kết với đồng phạm, lợi dụng sự thiếu trách nhiệm của nhân viên nhà băng, ký giả chữ ký của vợ chồng ông Toàn để cầm cố sổ tiết kiệm vay 47,5 tỉ đồng của NCB.

Tại PVcomBank, Nguyễn Thị Hà Thành vay tiền bằng hình thức yêu cầu vợ chồng ông Toàn gửi tiết kiệm 52 tỉ đồng. Thành và đồng phạm Nguyễn Thanh Tùng giả chữ ký, lăn giả dấu vân tay của vợ chồng ông Toàn trong hợp đồng cầm cố tiền gửi. Cuối cùng, họ lợi dụng sự thiếu trách nhiệm của một số cựu nhân viên ngân hàng, chiếm đoạt của ngân hàng này 49,4 tỉ đồng.

Bài liên quan
‘Siêu lừa’ Nguyễn Thị Hà Thành bị đề nghị án tù chung thân
Viện Kiểm sát đã đề nghị HĐXX TAND TP.Hà Nội tuyên phạt Nguyễn Thị Hà Thành mức án chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
6 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Siêu lừa’ Nguyễn Thị Hà Thành gửi lời xin lỗi các bị hại