Chưa đầy một tháng trước, Singapore đã được ca ngợi là một trong những quốc gia có phản ứng đúng đắn với dịch bệnh coronavirus. Còn giờ thì họ lại đang là tâm dịch mới tại châu Á.

Singapore trả giá đắt trong chống dịch COVID-19 và bài học cho sự chủ quan

19/04/2020, 12:46

Chưa đầy một tháng trước, Singapore đã được ca ngợi là một trong những quốc gia có phản ứng đúng đắn với dịch bệnh coronavirus. Còn giờ thì họ lại đang là tâm dịch mới tại châu Á.

Singapore đã truyền cảm hứng cho phần còn lại của thế giới khi khống chế dịch bệnh mà không cần áp dụng các biện pháp phong tỏa, hạn chế đối với hàng triệu người.

Nhưng rồi làn sóng thứ hai dịch bệnh ập đến, gây choáng váng. Theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins, trong vòng 1 tháng qua, số ca mắc coronavirus được ghi nhận tại Singapore đã tăng từ 266 lên hơn 5.900.

Ở các quốc gia bị thiệt hại nặng nhất ở Tây Âu và ở Mỹ, hàng ngàn trường hợp được ghi nhận mỗi ngày. Nhưng Singapore với dân số 5,7 triệu người và tổng diện tích khoảng 700 km2 – còn nhỏ hơn thành phố New York thì những con số của đảo quốc này thật sự đáng lo ngại.

Thực ra, Singapore cũng có những lợi thế trong chống dịch mà nhiều nước lớn hơn không có. Họ chỉ giáp biên giới đất liền với Malaysia, và có thể kiểm soát chặt chẽ những người nhập cảnh bằng đường hàng không. Singapore cũng có một hệ thống y tế đẳng cấp thế giới và một xã hội có hệ thống quy tắc ứng xử nghiêm khắc vốn rất lợi ích cho chính phủ khi tăng cường kiểm soát đại dịch. Vì vậy, sai làm ở khâu nào?

Câu trả lời dường như Singapore bỏ qua giữa những người lao động nhập cư sống trong ký túc xá chật chội và họ đánh giá thấp tốc độ mà dịch bệnh có thể lây lan trong một thành phố không áp dụng các biện pháp phong toả.

Cuộc sống như bình thường khi thế giới phong tỏa

Lúc đầu, đặc thù vị trí địa lý của Singapore giúp họ giải quyết bài toán khá dễ. Họ có thể ngăn chặn làn sóng các ca nhiễm ban đầu từ Trung Quốc bằng cách tiến hành kiểm dịch và truy vết để đảm bảo rằng bất kỳ ai nhập cảnh bằng đường hàng không đều bị cách ly và theo dõi khi có các triệu chứng nhiễm virus.

Đồng thời, họ đã đẩy mạnh các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng để khuyến khích mọi người đề phòng. Các khu cách ly được đặt tại các bệnh viện có kinh nghiệm đối phó trong đại dịch SARS năm 2003 giúp bệnh nhân được điều trị theo cách an toàn nhất có thể, đồng thời ngăn nhân viên y tế khỏi bị nhiễm bệnh.

Quan trọng nhất, theo Dale Fisher, chủ tịch kiểm soát nhiễm trùng tại bệnh viện của Đại học Quốc gia Singapore thì Singapore đã không để bệnh nhân dương tính lây lan cho cộng đồng.

Ngay với những người dù có ít hoặc không có triệu chứng, nhưng đã có xét nghiệm dương tính với virus này thì phải nhập viện cho đến khi xét nghiệm âm tính, thay vì cho cách ly tại nhà, ông Fisher nói.

Bằng cách xét nghiệm rộng rãi và cách ly tất cả những người có khả năng truyền nhiễm, xã hội Singapore vẫn có thể tương đối cởi mở và tiếp tục duy trì hoạt động như bình thường.

"Ở Singapore, chúng tôi muốn cuộc sống tiếp tục như bình thường", Fisher viết vào tháng 3, trước khi các ca nhiễm tăng đột biến mới. "Chúng tôi muốn các doanh nghiệp, nhà thờ, nhà hàng và trường học luôn mở cửa. Đây là thành công của tất cả. Mọi thứ đều tiến triển với những điều chỉnh khi cần thiết và bạn tiếp tục duy trì nhịp sống này cho đến khi có vắc-xin hoặc điều trị".

Cách tiếp cận đó hoàn toàn trái ngược với Hồng Kông: một thành phố khác có dân số tương đương. Tại Hồng Kông, các trường công lập đã bị đóng cửa từ tháng 2 và nhân viên chính phủ được khuyến khích làm việc tại nhà, mặc dù mọi người vẫn đi lại trong thành phố tương đối tự do. Các biện pháp mới cũng được đưa ra sau có sự gia tăng các ca bệnh nhập cảnh hồi tháng trước.

Hồng Kông đã thành công hơn Singapore nhiều trong việc đối phó với làn sóng thứ hai. Singapore chỉ đóng cửa các trường học và một số nơi làm việc trong tháng 4 sau khi các ca nhiễm tăng đột biến gần đây.

Sự chậm trễ đã đưa số lượng các trường hợp mới nhiễm của Singapore theo một đồ thị dốc hơn nhiều. Vào thứ năm, Singapore đã ghi nhận 728 trường hợp mới trong khi Hồng Kông chỉ báo cáo 4 ca nhiễm mới. Ngày hôm qua, Singapore đã ghi nhận thêm 942 trường hợp nhiễm coronavirus, nâng tổng số ca mắc lên 5.992.

Rồi trở thành tâm dịch

Cho đến tháng 4, Singapore dường như trở thành tâm dịch hàng đầu tại châu Á. Các khu vực mà chính phủ Singapore bỏ quên đã nhanh chóng tăng vọt số lượng các trường hợp nhiễm mỗi ngày. Thái độ dễ dãi trước dịch bệnh ở Singapore so với các quốc gia khác chỉ hiệu quả nếu các ca bệnh từ nước ngoài được ngăn chặn và các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm được phát hiện, xử lý nhanh chóng. Một khi biện pháp này thất bại, tốc độ lây lan sẽ nhanh hơn ở những nơi đã thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.

Những ổ dịch mới ở Singapore nằm ở khu dân lao động nhập cư, đặc biệt là những công nhân đến từ Nam Á - sống trong các ký túc xá chật chội. Họ dường như đã bị bỏ qua trong đợt xét nghiệm ban đầu. Giờ thì nhiều ký túc xá đã bị cách ly và chính phủ đang tăng cường xét nghiệm cho tất cả công nhân nhưng có vẻ hành động này hơi muộn.

Đầu tháng này, Tommy Koh, một luật sư và cựu ngoại giao Singapore, đã viết trên Facebook một thông điệp được chia sẻ rộng rãi: "Các ký túc xá giống như một quả bom hẹn giờ đang chờ phát nổ". Koh cho rằng: "Cách Singapore đối xử với công nhân nước ngoài không theo cách của quốc gia thuộc Thế giới thứ nhất mà là Thế giới thứ ba. Chính phủ đã cho phép giới chủ chở công nhân trên những chiếc xe tải không có chỗ ngồi (toàn bộ phải đứng để chở được nhiều). Họ ở trong ký túc xá quá đông và chật cứng như xếp cá mòi với 12 người chung một phòng".

Koh nói thêm rằng: "Singapore nên coi đây là một hồi chuông cảnh tỉnh để đối xử với những người lao động nước ngoài không thể thiếu của chúng ta như một quốc gia thuộc Thế giới thứ nhất và không theo cách đáng xấu hổ như với công nhân bây giờ".

Kể từ các ca tăng đột biến gần đây, Singapore đã đặt ra cái mà chính phủ gọi là "bộ ngắt mạch", một gói các hạn chế và quy tắc mới, kết hợp với các hình phạt nghiêm khắc, được ban hành để ngăn chặn làn sóng ca nhiễm mới và cho phép thành phố được đặt dưới sự kiểm soát.

Singapore vẫn có cơ hội tốt để kiểm soát mọi thứ chính là nhờ diện tích nhỏ, chính phủ mạnh mẽ và hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt. Nhưng các trường hợp nhiễm mới ở Singapore tăng đột biến gần đây sẽ là bài học cho phần còn lại của thế giới. Kinh nghiệm của Singapore cho thấy, việc nới lỏng hạn chế quá sớm có thể gây tác dụng ngược.

Anh Tú (theo CNN)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
5 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Singapore trả giá đắt trong chống dịch COVID-19 và bài học cho sự chủ quan