Tối 3.9, Sở Công Thương TP. Hà Nội vừa có thông tin về việc đảm bảo nguồn cung và điều phối hàng hóa phục vụ nhân dân phòng chống dịch COVID-19 cho 3 phân vùng từ 6h ngày 6.9 đến 6h ngày 21.9.

Sở Công thương Hà Nội lên phương án cung ứng hàng hóa cho người dân tại 3 vùng giãn cách

A.T | 04/09/2021, 11:22

Tối 3.9, Sở Công Thương TP. Hà Nội vừa có thông tin về việc đảm bảo nguồn cung và điều phối hàng hóa phục vụ nhân dân phòng chống dịch COVID-19 cho 3 phân vùng từ 6h ngày 6.9 đến 6h ngày 21.9.

Phương án điều phối, cung ứng hàng hóa cho các Phân vùng

Đối với Phân vùng 1: Về nhu cầu hàng hóa: đảm bảo cung ứng hàng hóa cho khoảng 3,78 triệu người với 10 mặt hàng lương thực thực phẩm (Gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, dầu ăn, gia vị, rau củ quả, thủy hải sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm chế biến từ ngũ cốc), 2 mặt hàng phòng chống dịch (khẩu trang kháng khuẩn và nước sát khuẩn) và 4 mặt hàng thiết yếu khác phục vụ trẻ em, người cao tuổi và phụ nữ (sữa uống, giấy vệ sinh, bỉm trẻ em, bỉm người lớn, băng vệ sinh phụ nữ)

Hệ thống phân phối gồm 78 siêu thị, 149 chợ, 5.095 điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu, 35 doanh nghiệp và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu có hình thức bán hàng trực tuyến, 927 địa điểm sẵn sàng trưng dụng làm kho, điểm bán hàng lưu động ngay khi cần thiết.

Các doanh nghiệp hệ thống phân phối hiện đại đã xây dựng phương án đảm bảo nguồn cung (trong và ngoài Thành phố), điều động vận chuyển cung ứng hàng hóa, nguồn nhân lực phục vụ đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của nhân dân trong Phân vùng. Chỉ được hoạt động khi đảm bảo công tác phòng chống dịch theo Phương án đã được phê duyệt.

Chủ động dự trữ hàng hóa gấp 2-3 lần so với nhu cầu sử dụng bình thường của người dân tại kho hàng và tại địa điểm bán trên địa bàn trong Phân vùng 1. Chủ động đưa hàng dự trữ từ các kho hàng ngoài Phân vùng 1 vào các kho hàng thuộc các địa điểm trong Phân vùng 1 để luôn chủ động về nguồn hàng.

Thường xuyên điều tiết hàng hóa tại các điểm bán theo nhu cầu tiêu dùng của người dân, không để được thiếu hàng cục bộ. Phối hợp với các Ban quản lý chợ trên địa bàn nắm nguồn cung của các tiểu thương để hỗ trợ vận chuyển cung ứng hàng hóa bán buôn cho tiểu thương các chợ (khi có nhu cầu).

Phối hợp với các địa phương tổ chức bán hàng lưu động đối với các địa bàn có ít hệ thống phân phối (Hoàn Kiếm, Thanh Trì, Nam Từ Liêm, Tây Hồ) và các địa bàn có chợ bị đóng cửa (Thanh trì, Ba Đình, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông).

Đối với các chợ trên địa bàn, các tiểu thương chủ động lấy hàng từ Chợ đầu mối, chợ có tính chất đầu mối trên địa bàn nằm trong Phân Vùng 1.

Các đơn vị quản lý kinh doanh khai thác chợ (Ban quản lý chợ) làm đầu mối của các tiểu thương tổng hợp nhu cầu nguồn hàng, trực tiếp liên hệ với các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, các hệ thống phân phối hiện đại,… trên địa bàn Thành phố có nguồn cung để hỗ trợ tiểu thương về đầu vào nguồn cung có hàng hóa bán lẻ phục vụ nhân dân.

Trong trường hợp nguồn cung chưa đủ cho các tiểu thương trong chợ, Thành phố sẽ cho vận hành các điểm trung chuyển để làm điểm giao nhận hàng hóa cho tiểu thương các chợ.

Các quận, huyện, thi xã, các lực lượng chức năng đảm bảo cho các xe vận chuyển được lưu thông bình thường qua các chốt của Thành phố và các Phân vùng đảm bảo nguồn cung không bị đứt gãy, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Đối với các Vùng đỏ, khu vực cách ly, phong tỏa, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng Phương án cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người dân (sử dụng lực lượng Shiper, các lực lượng khác: phụ nữ, thanh niên, tổ dân phố,… để đưa hàng đến từng hộ dân hoặc đến các chốt).

Tập trung chỉ đạo các lực lượng hỗ trợ các hệ thống phân phối mở lại các điểm bán đảm bảo điều kiện theo hướng dẫn của Sở Công Thương đã ban hành để đảm bảo đủ hệ thống phân phối phục vụ nhân dân. 

UBND cấp huyện căn cứ các điểm bán hàng được mở cửa do Sở Công Thương công bố, quyết định tổ chức bổ sung các điểm bán hàng lưu động (nếu cần).

Để đảm bảo vận chuyển cung ứng hàng hóa đến người dân, các sở chuyên ngành rà soát danh sách các phương tiện chở hàng hóa thiết yếu gửi Công an Thành phố cấp mã nhân diện (đối với xe ô tô) và cấp Giấy phép đi đường cho các xe máy;

Xe ô tô được phép hoạt động theo quy định thực hiện cung ứng, vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh, các Vùng vào Vùng 1; Các Shiper chỉ hoạt động trong Phân vùng 1.

Đối với các phương tiện vận chuyển (xe ô tô) của các cơ sở, HTX, doanh nghiệp,… sản xuất, kinh doanh, UBND các quận, huyện đủ điều kiện được phép lưu thông, tham gia vận chuyển, cung ứng hàng hóa, các đơn vị chủ động điều tiết việc vận chuyển nhằm đảm bảo việc cung ứng đầy đủ hàng hóa cho nhân dân trong Phân vùng 1.

 Trường hợp xe ô tô của các đơn vị trên không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển, cần huy động các phương tiện hỗ trợ, thực hiện theo nguyên tắc điều động đươc xây dựng cụ thể trong phương án.

Người dân được UBND quận/huyện thực hiện phát Phiếu mua hàng 2 lần/tuần cho từng hộ gia đình trên địa bàn quận/huyện để mua hàng trực tiếp tại các điểm bán; Mua hàng theo hình thức mua hàng trực tuyến: Các đơn vị cung ứng hàng hóa thực hiện giao hàng qua nhân viên giao hàng theo địa bàn các quận/huyện; Mua hàng tại các điểm bán hàng lưu động trên địa bàn: UBND các Phường/xã thông báo cụ thể thời gian, địa điểm,… để người dân tham gia mua sắm

Phân vùng 2 và Phân vùng 3: Phân vùng 2 tính cho tổng số dân là: 1.634.100 người; Phân vùng 3 tính cho tổng số dân 2.684.419 người đối với 12 mặt hàng thiết yếu, 2 mặt hàng phòng chống dịch, 05 mặt hàng thiết yếu khác phục vụ trẻ em, người cao tuổi và phụ nữ.

Hệ thống phân phối tại phân vùng 2 có 10 siêu thị, 102 chợ, 1.178 cửa hàng tiện ích, 653 điểm bố trí bán hàng lưu động, 49 cửa hàng gas, 112 cửa hàng xăng dầu. Phân vùng 3 có 13 siêu thị, 198 chợ, 3.273 cửa hàng tiện ích, 838 điểm bố trí bán hàng lưu động, 304 cửa hàng gas, 242 cửa hàng xăng dầu.

Phương án vận chuyển và cung ứng hàng hóa cho 2 phân vùng này được thực hiện theo Kế hoạch số 181/KH-UBND ngày 07/8/2021 của UBND Thành phố về việc đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm và cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng nhân dân phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian giãn cách xã hội.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, tính đến ngày 31.8.2021, TP Hà Nội có 51.111 xe ô tô được cấp luồng xanh quốc gia; 26.133 xe máy được cấp mã QR của Sở Giao thông Vận tải. Bên cạnh đó, mỗi quận, huyện, thị xã huy động trung bình 5 xe tham gia vận chuyển, cung ứng hàng hóa. Dự kiến, Sở Giao thông Vận tải sẽ huy động 528 xe tải của các doanh nghiệp tham gia vào cung ứng, vận chuyển hàng hóa.

Các doanh nghiệp phân phối đã chuẩn bị lượng hàng hóa tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường và dự trữ trong 3 tháng; chủ động đưa hàng về các kho trong thành phố; các cơ sở chế biến tăng công suất để cung cấp hàng cho các hệ thống phân phối (có doanh nghiệp tăng 200%). Sở Công Thương đã chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp danh sách các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa cho Hà Nội, đến nay đã có gần 1.000 doanh nghiệp, Hợp tác xã sẵn sàng cung ứng cho Hà Nội.

Về nguồn cung hàng hóa, bên cạnh nguồn sản xuất trên địa bàn TP, Hà Nội còn có nguồn kết nối của các tỉnh, thành phố trên cả nước. Cụ thể, hiện có 774 doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất các tỉnh, thành phía Bắc; 326 doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất các tỉnh, thành miền Trung - Tây nguyên; trên 200 doanh nghiệp các tỉnh phía Nam sẵn sàng cung ứng hàng hóa thiết yếu cho Hà Nội.

Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội khẳng định, TP Hà Nội sẽ đảm bảo đầy đủ nguồn hàng và điều phối, cung ứng hàng hóa đầy đủ đến người dân trên địa bàn thành phố, người dân yên tâm không cần mua sắm tích trữ, chỉ mua đủ dùng cho 3 ngày/tuần theo lịch đi mua hàng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sở Công thương Hà Nội lên phương án cung ứng hàng hóa cho người dân tại 3 vùng giãn cách