Rủi ro về dịch bệnh còn rất lớn khi Việt Nam là nước có tỷ lệ tiêm vắc xin thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Dự báo số người mất việc, doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tại một số địa phương sẽ tăng cao.

Số người mất việc, doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh sẽ tăng cao trong thời gian tới

Lam Thanh | 20/06/2021, 17:00

Rủi ro về dịch bệnh còn rất lớn khi Việt Nam là nước có tỷ lệ tiêm vắc xin thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Dự báo số người mất việc, doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tại một số địa phương sẽ tăng cao.

Dịch bệnh ảnh hưởng đến các khu công nghiệp

Tại Việt Nam, dịch COVID-19 quay trở lại với làn sóng thứ 4 đang ảnh hưởng trực tiếp tới tăng trưởng kinh tế trong tháng 5. Đáng chú ý là dịch bệnh có ảnh hưởng trực tiếp đến các khu công nghiệp và ngày càng lan rộng ra nhiều tỉnh/thành phố.

san-xuat.jpg
Nhiều rủi ro cho tăng trưởng kinh tế thời gian tới

Trong khi Việt Nam phải đối mặt với làn sóng dịch mới thì nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy những dấu hiệu tích cực của sự hồi phục kinh tế do việc đẩy mạnh hoạt động tiêm chủng vắc xin.

Theo Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), kinh tế thế giới tiếp tục cho thấy những dấu hiệu tăng trưởng khả quan.

Ví dụ, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nâng các mức dự báo về tăng trưởng kinh tế thế giới, phản ánh kỳ vọng về sự tăng cường các hoạt động về vắc xin vào cuối năm và các gói cứu trợ lớn được thực hiện ở một số nền kinh tế lớn như Mỹ và châu Âu, đồng thời điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng của hầu hết các nước đối tác của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, EU. Đây là những dấu hiệu tích cực kỳ vọng thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam.

Còn ở trong nước, do ảnh hưởng của dịch COVID, một số hoạt động đang bị đình trệ như các dịch vụ ăn uống, du lịch tiếp tục gặp khó khăn do các biện pháp giãn cách và phong tỏa.

NCIF cho rằng trong 5 tháng, doanh thu ngành dịch vụ tiếp tục giảm sâu, giảm 48,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 54%). Hoạt động sản xuất tại một số khu công nghiệp bị đình trệ, kéo theo hoạt động đầu tư FDI cũng gặp khó khăn.

Tính chung 5 tháng đầu năm, số dự án mới và điều chỉnh vốn và vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài giảm. So với cùng kỳ năm ngoái, số dự án mới giảm 49,4%; số lượng dự án điều chỉnh vốn đầu tư giảm 21,6%. Tổng số vốn FDI thu hút đạt gần 14 tỉ USD, chỉ tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy vậy vẫn có một số điểm sáng. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục là động lực cho tăng trưởng với chỉ số IIP 5 tháng năm 2021 tăng 12,6% so với cùng kỳ, một số ngành có chỉ số IIP tăng trưởng cao như sản xuất kim loại, sản xuất xe có động cơ (cùng kỳ năm 2020 chỉ tăng 2,2%, trong khi năm 2019 là 10,9%).

Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 5, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng giảm 3,1% so với tháng trước, song tính tổng cả 5 tháng, tăng trưởng của tổng mức đạt 7,6% so với cùng kỳ, sau khi loại trừ yếu tố giá đạt 6,2% (trong khi cùng kỳ năm 2020 giảm 7,76%).

Hoạt động xuất nhập tiếp tục phục hồi nhờ ảnh hưởng từ sự hồi phục thị trường từ các nền kinh tế lớn. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 130,94 tỉ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 131,31 tỉ USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước. Sự phục hồi của kinh tế Mỹ, Trung Quốc, cùng với EU và ASEAN là động lực thúc đẩy tăng trưởng thương mại của Việt Nam.

Ổn định vĩ mô tiếp tục được duy trì. Lạm phát 5 tháng đầu năm vẫn duy trì ổn định. Thu ngân sách đạt tốt, đảm bảo mức chi bổ sung cho các hoạt động phòng chống dịch COVID-19. Thu ngân sách đạt 42,7% dự toán thu ngân sách, cao hơn so với cùng kỳ năm trước là 35%.

Ngân sách trung ương đã trích dự phòng gần 3.000 tỉ đồng, trong đó bổ sung 1.740 tỉ đồng kinh phí cho Bộ Y tế để sử dụng mua vắc xin là 1.237 tỉ đồng; mua sắm các vật tư, hóa chất, sinh phẩm và trang thiết bị y tế cần thiết phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 là 503 tỉ đồng; hỗ trợ 314 tỉ đồng cho các địa phương kinh phí phòng chống dịch COVID-19.

Đối mặt với nguy cơ nhập khẩu lạm phát

NCIF cũng cho rằng bối cảnh sáng sủa của kinh tế thế giới được kỳ vọng sẽ tạo ra các tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những tháng cuối năm.

Dự kiến hoạt động thương mại của Việt Nam và các đối tác kinh tế lớn sẽ tiếp tục được phục hồi trong những tháng cuối năm. Xu hướng hồi phục của dòng vốn FDI toàn cầu dự báo sẽ có tác động tích cực tới xu hướng FDI vào Việt Nam.

Sau khi suy giảm trong năm 2020, Việt Nam có khả năng tăng cường thu hút FDI trong thời gian tới nhờ hai hiệp định thế hệ mới EVFTA và CPTPP.

Tuy nhiên, NCIF cho rằng một số rủi ro có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, ví dụ rủi ro về dịch bệnh còn rất lớn khi Việt Nam là nước có tỷ lệ tiêm vắc xin thuộc nhóm thấp nhất thế giới; rủi ro bùng phát dịch bệnh những tháng cuối năm vẫn còn rất lớn nên có nguy cơ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Dự báo, số người mất việc, tạm ngừng/tạm nghỉ sản xuất, kinh doanh hoặc bị cắt giảm giờ làm… tại một số địa phương trong cả nước sẽ tăng cao. 

Hơn nữa, giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục ở mức thấp. Ước giải ngân kế hoạch vốn 4 tháng đầu năm 2021 đạt 86.000 tỉ đồng, bằng 18,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2020 (18,98%), trong đó vốn trong nước đạt 20,74%, vốn nước ngoài đạt 2,02%.

Điều này ảnh hưởng tới hiệu quả sử dụng vốn, kết quả tăng trưởng kinh tế, việc làm, thu nhập của người lao động, tác động đến môi trường đầu tư, kinh doanh và việc huy động các nguồn vốn đầu tư xã hội.

Một số nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công như các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; công tác đấu thầu, thi công; công tác giám sát, đánh giá hiệu quả chưa được quan tâm, thực hiện nghiêm túc, kịp thời mặc dù đã được quy định tại Luật Đầu tư công.

Ngoài ra, áp lực lạm phát gia tăng. Lượng cung tiền tăng nhanh đã đẩy lạm phát của Mỹ trong tháng 5.2021 tăng lên 5% từ mức 2,6% của tháng 3. Nguy cơ lạm phát hiện hữu. Mỹ đang gây áp lực tăng giá lên một số mặt hàng nguyên vật liệu của thế giới. Nguy cơ nhập khẩu lạm phát rõ hơn khi giá nguyên liệu, nhiên liệu toàn cầu đều tăng.

Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ nhập khẩu lạm phát qua đầu vào nguyên vật liệu, nhất là khi nước ta đang nhập siêu trở lại từ tháng 5.2021.

Bài liên quan
Nhu cầu chip AI của Nvidia vẫn bùng nổ nhưng tốc độ tăng trưởng doanh thu chậm lại khiến nhà đầu tư lo ngại
Nvidia hôm 20.11 dự báo mức tăng trưởng doanh thu chậm nhất trong 7 quý, không đáp ứng được kỳ vọng cao của một số nhà đầu tư đã biến hãng chip trí tuệ nhân tạo (AI) Mỹ này thành công ty có giá trị nhất thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
10 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Số người mất việc, doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh sẽ tăng cao trong thời gian tới