Trong đợt tập trận quanh Đài Loan nhằm phản ứng chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, Trung Quốc thử nghiệm một hệ thống pháo phóng loạt (MLRS) tầm xa mới được so sánh với hệ thống pháo cơ động cao (HIMARS) của Mỹ.

So sánh HIMARS Mỹ và hệ thống pháo Trung Quốc

Cẩm Bình | 10/08/2022, 15:41

Trong đợt tập trận quanh Đài Loan nhằm phản ứng chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, Trung Quốc thử nghiệm một hệ thống pháo phóng loạt (MLRS) tầm xa mới được so sánh với hệ thống pháo cơ động cao (HIMARS) của Mỹ.

MLRS tầm xa mới Type PCL-191 từng xuất hiện trong lễ duyệt binh mừng Quốc khánh Trung Quốc tháng 10.2019. Đài truyền hình trung ương nước này (CCTV) cho biết vũ khí được thử nghiệm lần đầu vào giữa tháng 7 trước đó tại một khu vực cao.

Trung Quốc nhân đợt tập trận quanh Đài Loan vừa qua đã tiến hành thử nghiệm lần 2. CCTV đăng tải hình ảnh cho thấy Type PCL-191 bắn đạn về phía Đài Loan ngày 4.8. Nhà phân tích Lyle Goldstein thuộc tổ chức nghiên cứu Asia Engagement at Defence Priorities đánh giá đây là thứ vũ khí “có thể thay đổi cuộc chơi”. Một bài trên tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) gọi Type PCL-191 là HIMARS phiên bản Trung Quốc.

type-pcl-191.jpeg
Type PCL-191 xuất hiện lần đầu năm 2019 - Ảnh: Getty Images

Theo tạp chí quân sự Military Watch, Type PCL-191 là một trong những hệ thống pháo nặng nhất thế giới nhưng tầm bắn chỉ ngang với KN-25 của Triều Tiên.

Hệ thống Type PCL-191 thuộc dòng pháo Vệ Sĩ, mang được 8 quả đạn 370mm bắn xa 350km, tăng đáng kể so với các hệ thống pháo trước của Trung Quốc, khả năng tấn công chính xác cũng cải thiện hơn.

Ngoài pháo, Type PCL-191 còn có thể là bệ phóng cho 2 tên lửa đạn đạo chiến thuật Hỏa Long 480 (750mm) với tầm bắn gần 500km.

HIMARS cũng có thể bắn cả đạn lẫn phóng tên lửa, mang được 6 tên lửa dẫn đường bằng GPS với tầm xa hơn 300km.

himars.jpg
Hệ thống pháo-tên lửa HIMARS - Ảnh: Getty Images

Theo nhà nghiên cứu Marina Miron (Đại học King, London, Anh): “Dòng pháo Vệ Sĩ sánh được với HIMARS. Tuy nhiên chúng có vẻ đa năng hơn, chẳng hạn phiên bản WS-2C và WS-2D bắn xa tới hơn 350km và hơn 400km, đặc biệt 2D phóng được cả máy bay không người lái”.

“Về tầm bắn, chúng vượt trội so với HIMARS, nhưng tất nhiên phải xem xét nhiều yếu tố khác như nguồn cung, khả năng bảo dưỡng, giá cả, tốc độ nạp đạn mà không bị phát hiện, quan trọng hơn nữa là địa điểm cùng mục đích triển khai”, nhà nghiên cứu Miron nói thêm.

Bà Miron chỉ ra rằng HIMARS vượt trội hơn ở tốc độ nạp đạn. Hệ thống này chỉ tốn khoảng 1 phút để nạp, đội vận hành chỉ cần 3 người (đội trưởng, người phụ trách bắn, lái xe), cho phép binh sĩ di chuyển pháo đi ngay sau khi bắn, giảm trở nguy cơ trở thành mục tiêu.

Ngoài ra, chất lượng và sức mạnh vũ khí do Mỹ sản xuất đã được chứng minh, Ukraine sử dụng HIMARS thành công tiêu diệt nhiều mục tiêu Nga. Hiện vẫn chưa rõ Type PCL-191 đáng tin cậy và chính xác đến mức nào.

Số lượng Type PCL-191 cũng là ẩn số, trong khi đó Mỹ sở hữu vài trăm hệ thống HIMARS.

Năm 2020, Bộ Ngoại giao Mỹ phê duyệt thương vụ bán 11 hệ thống HIMARS cùng đạn dược cho Đài Loan. Giới chuyên gia nhận định HIMARS đủ sức giúp Đài Loan ngăn chặn Trung Quốc triển khai tấn công đổ bộ, nhưng đảo tự trị cần có thêm nhiều hệ thống nữa.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
So sánh HIMARS Mỹ và hệ thống pháo Trung Quốc