Ngành chức năng sẽ mời làm việc và hướng dẫn thực hiện các nội dung liên quan, chứng minh nguồn lực tài chính cụ thể, thống nhất thời gian nộp tiền trúng đấu giá...

Sở TN-MT An Giang lên tiếng việc công ty chuyên giặt ủi trúng đấu giá mỏ cát hơn 2.811 tỉ đồng

Tô Văn | 13/04/2021, 20:00

Ngành chức năng sẽ mời làm việc và hướng dẫn thực hiện các nội dung liên quan, chứng minh nguồn lực tài chính cụ thể, thống nhất thời gian nộp tiền trúng đấu giá...

Doanh nghiệp giặt ủi trúng đấu giá có vốn điều lệ 27 tỉ đồng

Chiều 13.4, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang đã ra thông cáo báo chí về việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản cát sông làm vật liệu xây dựng mỏ Bình Phước Xuân, H.Chợ Mới, tỉnh An Giang.

1-home-2-.jpg
Những mỏ cát trên sông Tiền và sông Hậu được đánh giá là lớn nhất miền Tây - Ảnh: Tô Văn

Theo thông cáo báo chí, mỏ Bình Phước Xuân diện tích 60,3 hec ta, khoảng cách biên mỏ đến cù lao Bình Phước Xuân nơi gần nhất là 140 mét, trữ lượng dự kiến khai thác là 2.372.500 m3, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản khởi điểm tạm tính tương đương 7,2 tỉ đồng (mức thu R=5%).

Qua 45 vòng đấu giá, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ T-S.Home (trụ sở tại số 14, đường 11, khu dân cư ven sông thuộc P.Tân Phong, quận 7, TP.HCM) do ông Hồ Quang Thái Dũng làm giám đốc đã trúng thầu quyền khai thác với số tiền hơn 2.811 tỉ đồng, cao gấp 390 lần so với mức khởi điểm. Đơn giá trúng đấu giá là gần 1,2 triệu đồng/m3 cát khai thác.

Như vậy, khi xác định trữ lượng chính thức, mức thu sẽ bằng trữ lượng chính thức nhân với đơn giá trúng đấu giá. Vốn điều lệ của công ty theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là 27 tỉ đồng và thư cam kết tài trợ vốn vay thực hiện dự án 50 tỉ đồng (văn bản xác nhận cho vay số CK 000910 ngày 4.1.2021 của NH TMCP Sài Gòn, chi nhánh Bình Tây).

Cần chứng minh nguồn nhân lực tài chính

Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang cũng thông tin, từ khi phiên đấu giá kết thúc đến nay chưa nhận được bất kỳ khiếu nại hoặc tố cáo vi phạm nào của các cá nhân, đơn vị về trình tự và kết quả của phiên đấu giá. Do đó Sở sẽ mời và làm việc cụ thể với đơn vị trúng đấu giá để xác nhận, hướng dẫn thực hiện các nội dung liên quan như chứng minh nguồn lực tài chính cụ thể và thống nhất thời gian nộp tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Cụ thể, số tiền Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ T-S.Home phải nộp năm đầu tiên là hơn 140 tỉ đồng để được cấp quyền khai thác. Trong 4 năm tiếp theo, mỗi năm phải nộp hơn 667 tỉ đồng. Thời gian khai thác mỏ là 12 năm, mỗi năm khai thác 200.000 m3.

“Trường hợp Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ T-S.Home không chứng minh được khả năng tài chính đáp ứng nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản như trên công ty sẽ không còn quyền của đơn vị trúng đấu giá khu mỏ.

Thời hạn 1 năm kể từ ngày kết thúc phiên đấu giá, tổ chức, cá nhân trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản phải thực hiện hoàn thành các việc như xin phép thăm dò, trình phê duyệt trữ lượng, đánh giá tác động môi trường và nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định của pháp luật về khoáng sản”, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang nêu rõ.

2-home-.jpg
Thông cáo báo chí của Sở TN-MT tỉnh An Giang - Ảnh: Tô Văn

Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường, yêu cầu khi trúng đấu giá Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ T-S.Home không được chuyển nhượng kết quả đấu giá quyền khai thác khoáng sản cho tổ chức, cá nhân khác lập hồ sơ đề nghị cấp phép hoạt động khoáng sản. “Bởi quyết định công nhận trúng đấu giá không phải là loại giấy phép khai thác khoáng sản chứng minh năng lực có nguồn cát để bổ sung hồ sơ tham gia dự thầu hoặc đấu thầu các công trình xây dựng, san lắp”, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang nhận định.

Kiên quyết xử lý vi phạm hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản

Theo lãnh đạo UBND tỉnh An Giang, cần xây dựng phát huy hết vai trò giám sát của người dân và các tổ chức đoàn thể với hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý vi phạm đối với hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển, tiêu thụ, tàng trữ khoáng sản (cát sông) trái quy định pháp luật và đề xuất giải pháp xử lý các vấn đề có liên quan với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Các tổ chức cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên phương tiện được phép khai thác và kết nối với máy chủ đặt tại Sở Tài nguyên và Môi trường để giám sát hoạt động khai thác khoáng sản với cát sông. Nếu vi phạm lần thứ nhất thì tiến hành xử lý vi phạm hành chính theo quy định. Trong trường hợp tái phạm sẽ xem xét thu hồi giấy phép hoặc không được gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản khi hết hạn.

Các khu mỏ trước khi được cấp phép khai thác phải hoàn thành thủ tục đánh giá tác động môi trường và đánh giá tác động đến lòng bờ bãi sông theo Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24.2.2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, thông qua việc kiểm tra bằng mô hình toán thủy lực. Do đó, việc cấp phép khai thác theo đúng quy định sẽ không ảnh hưởng đến sạt lở bờ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
9 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sở TN-MT An Giang lên tiếng việc công ty chuyên giặt ủi trúng đấu giá mỏ cát hơn 2.811 tỉ đồng