Sau khi đánh giá quá trình tự chủ của các bệnh viện từ các chuyên gia, Sở Y tế TP.HCM đã đưa ra 6 kiến nghị đối với lãnh đạo TP và Bộ Y tế nhằm giúp các bệnh viện sớm ổn định những khó khăn và phát triển bền vững.

Sở Y tế TP.HCM kiến nghị 6 giải pháp giúp các bệnh viện tự chủ vượt qua khó khăn

Hồ Quang | 14/11/2022, 20:40

Sau khi đánh giá quá trình tự chủ của các bệnh viện từ các chuyên gia, Sở Y tế TP.HCM đã đưa ra 6 kiến nghị đối với lãnh đạo TP và Bộ Y tế nhằm giúp các bệnh viện sớm ổn định những khó khăn và phát triển bền vững.

Sở Y tế TP.HCM vừa báo cáo và kiến nghị lãnh đạo TP một số nội dung nhằm giúp ổn định những khó khăn hiện nay của nhiều bệnh viện và sớm có giải pháp giúp cho các bệnh viện phát triển bền vững.

tphcm-nganh-yte-kien-nghi-6-giai-phap-gup-cac-benh-vien-tu-chu-vuot-qua-kho-khan-hinh-anh(1).png
Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM, một trong những bệnh viện tự chủ đang gặp rất nhiều khó khăn khiến hàng loạt nhân viên y tế ở đây nghỉ việc - Ảnh: PV 

Theo đó, Sở Y tế TP.HCM đã có 6 kiến nghị đối với lãnh đạo TP và Bộ Y tế gồm:

- Thành phố duy trì cơ chế hỗ trợ nguồn ngân sách bổ sung cho quỹ cải cách tiền lương đủ để thực hiện Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND đối với các bệnh viện gặp khó khăn về chênh lệch thu chi (không đủ nguồn để chi thu nhập tăng thêm cho nhân viên), giúp cho nhân viên y tế an tâm công tác và các bệnh viện ổn định lại trong giai đoạn hiện nay, giai đoạn sau đại dịch COVID-19.

- Thành phố có cơ chế hỗ trợ các bệnh viện công lập được phép tự tổ chức cung ứng các dịch vụ tiện ích phục vụ người bệnh và thân nhân người bệnh trong khuôn viên của các bệnh viện (như bãi giữ xe, căn tin…), bệnh viện tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động này (bao gồm cả hình thức tự tổ chức thực hiện hay đấu giá thực hiện).

- Thành phố xem xét và thí điểm cơ chế về điều tiết quỹ phát triển sự nghiệp trong khối các bệnh viện công lập, giữa các bệnh viện có số dư cao ngoài nhu cầu phát triển của bệnh viện và bệnh viện đang gặp nhiều khó khăn có nguồn trích lập thấp không đủ đáp ứng yêu cầu phát triển cơ bản của bệnh viện.

- Thành phố thành lập Hội đồng tư vấn tự chủ bệnh viện giúp hướng dẫn, tư vấn những vấn đề vướng mắc liên quan đến hoạt động tự chủ tài chính của các bệnh viện, đồng thời tham mưu lãnh đạo TP các giải pháp giải quyết các vướng mắc liên quan đến hoạt động của các bệnh viện (Thành viên Hội đồng tư vấn bao gồm đại diện lãnh đạo các sở, ngành: Y tế, Tài chính, Kế hoạch đầu tư, Tư pháp…).

- Thành phố có cơ chế chính sách cho phép ngành y tế triển khai thí điểm chuyển đổi mô hình cấu trúc quản lý bệnh viện tương ứng với loại hình tự chủ của bệnh viện, cụ thể như hội đồng quản lý 2 cấp thay vì chỉ có ban giám đốc bệnh viện như hiện nay (có thể chọn Bệnh viện Mắt triển khai thí điểm mô hình này sau khi đã thí điểm thi tuyển chức danh giám đốc bệnh viện).

- Bộ Y tế sớm ban hành cơ chế chính sách trong xây dựng kết cấu giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo hướng tính đúng, tính đủ, bổ sung tiền thuế đất vào giá dịch vụ khám chữa bệnh. Trong thời gian chờ bổ sung thì ngân sách hỗ trợ các bệnh viện công lập đóng khoản tiền thuế đất theo quy định của Luật số 45/2013/QH13 về Luật Đất đai năm 2013.

Đánh giá kết quả sau 20 năm chuyển đổi từ cơ chế hoạt động từ ngân sách sang cơ chế tự chủ chi thường xuyên của các bệnh viện công lập, Sở Y tế TP.HCM khẳng định, cơ chế tự chủ trong thời gian qua đã giúp một số bệnh viện công lập trên địa bàn phát triển khá toàn diện về mọi mặt, cả về chuyên môn kỹ thuật lẫn cơ sở hạ tầng, trang thiết bị.

Tuy nhiên, không ít bệnh viện gặp khó khăn ảnh hưởng đến sự phát triển của bệnh viện, nhất là khó khăn trong cân đối chênh lệch thu chi, ảnh hưởng đến phát triển chuyên môn kỹ thuật, cơ sở hạ tầng và khó nhất là đảm bảo thu nhập chính đáng của nhân viên y tế, từ đó khó giữ chân các thầy thuốc giỏi, hiện tượng nhân viên y tế công lập nghỉ việc tăng cao sau đại dịch COVID-19...

Sở Y tế cho rằng cơ chế tự chủ đã làm xuất hiện các khoảng cách ngày càng rõ nét giữa các bệnh viện công lập với nhau, trong đó, khoảng cách về thu nhập chính đáng của nhân viên y tế công lập ngày càng cách biệt. Điều này có thể dẫn đến tình trạng mất công bằng về thu nhập giữa các nhân viên y tế công lập với nhau, cho dù nhiệt huyết và sức lao động là như nhau.

Cùng với đó là khoảng cách ngày càng lớn về quỹ phát triển sự nghiệp giữ các bệnh viện công lập, các bệnh viện chuyên khoa dường như thuận lợi hơn nhiều so với các bệnh viện đa khoa về việc trích lập quỹ quan trọng này, quỹ cần thiết cho sự phát triển của bệnh viện.

Một trong những kinh nghiệm về vấn đề tự chủ được rút từ các bệnh viện trong thời gian qua, đó là đổi mới cơ chế tự chủ tài chính gắn liền với đổi mới cấu trúc bộ máy quản lý bệnh viện, như mô hình hội đồng quản lý bệnh viện 2 cấp.

Theo đó, Hội đồng quản trị bệnh viện là hội đồng cao nhất. Ngoài chủ tịch và phó chủ tịch, Hội đồng quản trị còn bao gồm các thành viên là đại diện của Bộ Tài chính, Sở Tài chính, Bộ Y tế, Sở Y tế, đại diện chính quyền địa phương, đại diện người bệnh (hội đồng người bệnh) và các giám đốc, phó giám đốc chuyên môn của bệnh viện. Dưới Hội đồng quản trị là Ban điều hành bệnh viện bao gồm các giám đốc, phó giám đốc và các trưởng phòng chức năng như hiện nay.

Việc đổi mới mô hình cấu trúc quản lý bệnh viện sẽ giúp các nhà quản lý chính xác hơn, hiệu quả hơn và an toàn hơn khi ra các quyết định liên quan đến sử dụng nguồn lực của bệnh viện nhờ có các chuyên gia am hiểu sâu về các lĩnh vực kinh tế, pháp luật, đầu tư…

Bài liên quan
TP.HCM: Nhiều vi phạm trong quản lý đầu tư xây dựng tại Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng
Thanh tra TP.HCM đã chỉ ra nhiều vi phạm liên quan đến Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng trong quản lý đầu tư xây dựng tại Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sở Y tế TP.HCM kiến nghị 6 giải pháp giúp các bệnh viện tự chủ vượt qua khó khăn