Gần 2 tháng tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án hình sự liên quan đến ông Chi cục phó Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Sóc Trăng, lãnh đạo cơ quan an ninh điều tra đã tiếp xúc báo chí để "trần tình" những lý do khởi tố 2 cán bộ QLTT.

Sóc Trăng: Cơ quan điều tra trần tình vụ 'ém' công văn có lợi cho bị cáo

Duy Khang | 15/10/2018, 06:43

Gần 2 tháng tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án hình sự liên quan đến ông Chi cục phó Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Sóc Trăng, lãnh đạo cơ quan an ninh điều tra đã tiếp xúc báo chí để "trần tình" những lý do khởi tố 2 cán bộ QLTT.

Vì sao Phó chi cục QLTT Sóc Trăng bị bắt tạm giam?

Vào sáng 12.10, ông Châu Hoài Phương (40 tuổi, ở xã Hòa Tú 2, H.Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) và Ung Văn Thanh (35 tuổi, ngụ P.8, TP.Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) đã đồng loạt nhận được quyết định của Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) tỉnh Sóc Trăng về việc tạm đình chỉ điều tra bị can.

Quyết định do đại tá Dương Việt Hùng, Phó thủ trưởng Cơ quan ANĐT ký, ghi ngày 29.9, nhưng bưu điện nơi gửi chuyển phát nhanh tại TP.Sóc Trăng đóng dấu ngày 11.10.

"Quyết định tạm đình chỉ vụ án và tạm đình chỉ điều tra bị can phải gửi song song nhưng không hiểu sao 2 quyết định này tôi nhận được cách nhau đến 10 ngày, đều qua đường bưu điện. Theo nguyên tắc, cơ quan điều tra phải mời chúng tôi lên để trao quyết định, còn đằng này họ gửi chuyển phát nhanh qua bưu điện. Tòa án trả hồ sơ yêu cầu giám định bổ sung nhưng các nơi giám định trước đó chưa nhận được yêu cầu này thì càng lạ", ông Phương thắc mắc.

Theo quyết định của Cơ quan ANĐT thì lý do đình chỉ điều tra bị can đối với ông Phương với Thanh là hết thời hạn điều tra mà chưa có kết quả trưng cầu giám định.

Quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can của ông Châu Hoài Phương- Ảnh: Hàm Yên

Hơn 16 tháng trước, Công an tỉnh Sóc Trăng khởi tố ông Phương (khi đang làm Chi cục phó QLTT Sóc Trăng) và Thanh (kiểm soát viên) về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Sau nhiều tháng điều tra, cuối năm 2017, Cơ quan ANĐT chuyển tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Vướng lao lý vì làm Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành

Hơn 2 năm trước, ông Phương là Trưởng đoàn Kiểm tra liên ngành (KTLN) do Sở Công Thương Sóc Trăng thành lập. Đoàn này sau đó lấy mẫu 3 loại phân bón của 1 doanh nghiệp ở TX.Ngã Năm để gửi xét nghiệm.

Sau 2 lần kiểm nghiệm mẫu phân bón, kết quả cho thấy sản phẩm chưa đạt chỉ tiêu như ghi trên bao bì, đoàn kiểm tra thống nhất cho kiểm tra lại và kết quả đạt.

Cơ quan điều tra cho rằng Thông tư của Bộ Khoa học Công nghệ không quy định thử nghiệm hàng hóa lần 3. Tuy nhiên, đoàn KTLN lấy đưa mẫu phân bón còn lại đưa đi thử nghiệm lần 3 là sai. Đây là nguyên nhân ông Phương vướng lao lý vào tháng 9.2017.

Hơn 1 tháng trước, HĐXX chỉ ra những mâu thuẫn trong vụ án liên quan đến kết quả giám định thiệt hại của Sở Nội vụ với Sở NN&PTNT Sóc Trăng. Giám định viên cho rằng hành vi tháo niêm phong 2 lô phân bón của các bị cáo để cho doanh nghiệp bán ra thị trường gây thiệt hại về vật chất và phi vật chất.

Quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can của ông Ung Văn Thanh- Ảnh: Hàm Yên

Tuy nhiên, theo công văn của Bộ Công Thương, các mẫu phân bón được đưa đi kiểm nghiệm tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam Bộ đều đạt chất lượng. Song, công văn này không được CQĐT đưa vào hồ sợ vụ án.

Từ đó, tòa án trả hồ sơ, đề nghị Viện KSND và cơ quan điều tra yêu cầu giám định viên tư pháp của 2 Sở cho ý kiến và kết luận giám định bổ sung đối với các kết luận giám định trước đây.

Công văn trái với thông tư?

Trước thông tin dư luận cho rằng cơ quan điều tra “ém” 2 công văn của Bộ Công Thương có lợi cho bị cáo, đại tá Dương Việt Hùng đã tiếp xúc với báo chí để trao đổi về vụ án. Ông Hùng nói trong vụ án này đơn vị chỉ điều tra việc làm "trái công vụ" của cán bộ nhằm giải tỏa lô phân niêm phong tại doanh nghiệp, chứ không điều tra phân bón giả.

Theo ông Hùng, Thông tư 26 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc kiểm nghiệm phân bón lần 2 khi có khiếu nại. Kết quả kiểm nghiệm lại làm căn cứ cuối cùng để xử lý, nhưng ông Phương cho kiểm nghiệm thêm lần 3 là không đúng.

"Sai và thủng quy trình vì chưa có phân mà tiến hành mã hóa; không có biên bản nhận mẫu phân giữa doanh nghiệp và đơn vị kiểm tra. Giao mẫu phân cho doanh nghiệp lưu 30 ngày nhưng khi lấy mẫu đi kiểm tra lần 3 là 60 ngày thì mẫu phân ở đâu mà có?", lãnh đạo CQĐT đặt nghi vấn.

Ông Hùng còn nêu ra phụ lục 14 của Thông tư 29 của Bộ Công Thương quy định về dùngsai không vượt quá 5%. Tuy nhiên, kết quả kiểm mẫu phân lần 2 và 3 có tỉ lệ chênh lệch 70-80 %.

Đối với công văn số 3194 ngày 17.4.2017 của Bộ Công Thương xác định các phiếu kết quả kiểm nghiệm do Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam Bộ cấp ngày 27.6.2016 là hợp pháp (vì 1 ngày sau đó đơn vị này mới nhận được quyết định của Bộ Công Thương về việc hủy quyết định chỉ định cho trung tâm thử nghiệm và chứng nhận phân bón), CQĐT cho rằng công văn này có nội dung trái với điều 19, Thông tư 29 của Bộ Công Thương.

Cụ thể, khoản 3 của điều 19 ghi: "Trường hợp quyết định chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp bị hủy bỏ, các kết quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức đánh giá sự phù hợp trong khoảng thời gian kể từ lần kiểm tra trước đến thời điểm hủy bỏ quyết định chỉ định sẽ không còn giá trị".

Từ đó, CQĐT cho rằng ngày nhận mẫu trùng với ngày có quyết định hủy bỏ chức năng thử nghiệm (17.6.2016), nên những kết quả có sau ngày 16.6.2016 đều không có giá trị.

"Đối chiếu công văn 3194 với khoản 3, điều 9 của Thông tư 29 thì thấy rằng nội dung giải thích của công văn là trái với văn bản vi phạm pháp luật", lãnh đạo CQĐT giải thích và xem đây là lý do không đưa công văn 3194 vào hồ sơ vụ án.

Bị can phản ứng mạnh

Phía ông Ung Văn Thanh nói rằng việc bị can đưa mẫu phân bón lưu tại doanh nghiệp đi kiểm nghiệm lần 3 là đúng với khoản 6, điều 9 của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, nhằm giải quyết khiếu nại của nhà sản xuất. Theo ông Thanh, trong vụ án này cơ quan điều tra làm sai khi sử dụng Thông tư 26 của Bộ Khoa học và Công nghệ để làm cơ sở xử lý, trong khi đây là văn bản hướng dẫn dưới luật.

"Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa có giá trị cao hơn Thông tư. Luật và quy chuẩn quốc gia về lấy mẫu không quy định phải lập biên bản giao nhận mẫu với doanh nghiệp. Do đó, cơ quan điều tra không thể suy diễn việc tôi không lập biên bản khi lấy mẫu lưu tại doanh nghiệp là làm trái công vụ", ông Thanh nêu quan điểm.

Ông Thanh cũng đưa ra chứng cứ để khẳng định mẫu phân bón lưu tại doanh nghiệp vẫn còn tồn tại sau 30 ngày. Đó là biên bản của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm vùng Nam Bộ xác định mẫu còn niêm phong nguyên vẹn, còn con dấu, chữ ký của các thành viên đoàn kiểm tra.

"Thời gian trong biên bản 30 ngày nhưng trong trường hợp này doanh nghiệp có khiếu nại nên chúng tôi phải giữ lại mẫu nhưng không quá 90 ngày theo quy định. Như vậy, không thể nói hết 30 ngày thì không còn mẫu. CQĐT đã không đúng khi hiểu luật kiểu này", ông Thanh khẳng định.

2 bao thư gửi quyết định tạm đình chỉ vụ án và tạm đình chỉ bị can được gửi cách nhau 10 ngày (theo dấu bưu điện)- Ảnh: Hàm Yên

Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP.Cần Thơ) cho rằng CQĐT lập luận việc "trái thông tư" để không đưa công văn có lợi cho bị can vào hồ sơ vụ án là hành vi tùy tiện. Theo quy định, khi cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu cơ quan chức năng trả lời về một việc gì đó thì nội dung trả lời buộc anh phải đưa vào hồ sơ vụ án.

"Pháp luật không cho phép CQĐT tùy tiện bỏ công văn 3194 của Bộ Công Thương ra khỏi hồ sơ vụ án. Việc đánh giá nội dung công văn có trái với Thông tư 29 hay không là do HĐXX xem xét. CQĐT không có quyền dùng suy nghĩ cá nhân để xử lý tùy tiện", luật sư Đức nói.

Đối với tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” phải thỏa mãn cùng lúc 3 yếu tố "vì động cơ vụ lợi cá nhân", "làm trái công vụ" và "gây hậu quả". Theo luật sư, trong vụ án này ông Phương với Thanh không vì động cơ cá nhân, không làm trái công vụ và không có hậu quả nên việc xử lý hình sự các bị can là oan sai.

Hàm Yên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Khánh thành và khai thác cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Diễn Châu – Bãi Vọt
Chiều 28.4, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với UBND các tỉnh Ninh Thuận, Nghệ An, Hà Tĩnh tổ chức lễ khánh thành Dự án đường bộ cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và thông xe đưa vào khai thác dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sóc Trăng: Cơ quan điều tra trần tình vụ 'ém' công văn có lợi cho bị cáo