Khu vực rộng lớn này trải qua không ít thăng trầm khi bị kéo sâu hơn vào cuộc đối đầu Mỹ-Trung.

Châu Á trong năm 2018

Cẩm Bình | 23/12/2018, 14:14

Khu vực rộng lớn này trải qua không ít thăng trầm khi bị kéo sâu hơn vào cuộc đối đầu Mỹ-Trung.

          

Thế đối đầu giữa hai cường quốc được thể hiện rõ nét nhất trong Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tổ chức tại Papua New Guinea. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ trích chủ nghĩa bảo hộ, còn Phó tổng thống Mỹ Mike Pence cáo buộc Bắc Kinh khiến các nhiều nước “chìm trong biển nợ”.

Đỉnh điểm là lần đầu tiên sự kiện đa phương này kết thúc mà không có thông cáo chung, do hai “ông lớn trong phòng họp” bất đồng về việc có nên nhắc đến sự cần thiết phải cải tổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hay không.

Gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều

Một sự kiện đáng chú khác là cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều vào tháng 6 năm nay. Tổng thống Donald Trump với nhà lãnh đạo Kim Jong-un khẩu chiến dữ dội trước khi quyết định tiếp xúc trực tiếp để bàn về chuyện phi hạt nhân hóa.

Với cái bắt tay lịch sử tại Singapore, ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên hội kiến một nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng.

Năm đời Tổng thống Mỹ trước không thể khiến Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân, nhưng hai ông Trump - Kim lại gặp gỡ một cách vui vẻ. Cả hai đều ca ngợi cuộc gặp thượng đỉnh này là một thắng lợi dù nó chỉ cho ra một tuyên bố giải trừ hạt nhân mơ hồ.

Cái bắt tay lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều - Ảnh: CNBC

Chiến dịch cứu hộ đội bóng mắc kẹt

Cuộc giải cứu đội bóng thiếu niên Thái Lan với hơn 10.000 người tham gia cũng thu hút được sự chú ý của dư luận quốc tế. Mọi người tham gia cứu 12 cậu bé cùng huấn luyện viên mắc kẹt trong hang Tham Luang do mưa lớn, may mắn là tất cả được đưa ra ngoài an toàn sau hơn 2 tuần.

Khâm phục sự dũng cảm của các thợ lặn cùng tinh thần của 13 thành viên đội bóng, một hãng phim của Hollywood thông báo họ sẽ đưa câu chuyện này lên màn ảnh. Hang Tham Luang giờ đây trở thành điểm du lịch rất hút khách.

Năm của bi kịch

Cuối tháng 7 xảy ra vụ vỡ đập thủy điện Setien Senamnoi tại Lào, cướp đi sinh mạng của ít nhất 39 người và khiến hàng nghìn người khác phải di tản.

Đến tháng 10, một máy bay chở 189 người của hãng Lion Air rơi xuống biển Java. Giới chức Indonesia mới đây cho biết chiếc Boeing 737 MAX xấu số không ở trong tình trạng đủ an toàn để bay nhưng vẫn được phép cất cánh.

Một mảnh vỡ từ chiếc máy bay Lion Air xấu số - Ảnh: Reuters

Trong cuộc bình chọn ký tự tượng trưng cho năm 2018, người dân Nhật Bản đề cử chữ “tai” (thảm họa) sau khi phải hứng chịu bão, lũ lụt, động đất lẫn nắng nóng kỷ lục.

Malaysia biến động

Ông Mahathir Mohamad trở lại giữ chức Thủ tướng Malaysia. Chính trị gia 92 tuổi lên tiếng cảnh báo về “chủ nghĩa thực dân mới” khi nói về sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) mà Trung Quốc xúc tiến.

Ông Mahathir Mohamad trở lại nắm quyền - Ảnh: Bloomberg

Nhà lãnh đạo Kuala Lumpur hủy hai dự án do công ty Trung Quốc xây dựng, bao gồm tuyến đường sắt phía đông bán đảo Malaysia (ECRL, trị giá 20 tỉ USD) và đường ống dẫn khí đốt tại bang Sabah trị giá 3,2 tỉ USD với lý do chúng quá tốn kém.

Ngoài ra, chính quyền mới còn lật lại vụ bê bối quỹ 1 MDB. Cựu Thủ tướng Najib Razak dự kiến sẽ bị xét xử từ đầu năm 2019 với 32 tội danh hình sự vi phạm tín nhiệm, tham nhũng, lạm quyền lẫn “rửa tiền”. Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia còn bắt giữ phu nhân của ông Razak là bà Rosmah Mansor cũng như truy nã tỷ phú Jho Low do có dính líu.

Vành đai và Con đường

Lo ngại đối với BRI đến năm 2018 đã bùng nổ thành hàng loạt chỉ trích. Những nước tham gia sáng kiến nay lại đánh giá nhiều dự án cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ BRI không cần thiết, có tình trạng tham nhũng và gắn liền với lợi ích chiến lược của Bắc Kinh.

Chính phủ Sri Lanka phải cho một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc thuê cảng Hambantota 99 năm để trừ bớt khoản nợ mà nước này đã vay nhằm phát triển khu vực hẻo lánh này. Phương Tây gọi đây là minh chứng tiêu biểu cho chiến lược “ngoại giao bẫy nợ” mà cường quốc châu Á thực thi.

Các dự án trong khuôn khổ BRI bị nhiều quốc gia châu Á chỉ trích - Ảnh: Tân Hoa Xã

Để tránh ngập trong nợ nần, Myanmar đàm phán giảm 80% quy mô dự án cảng nước sâu Kyaukpyu với Trung Quốc.

Mỹ trong năm nay khởi động nỗ lực đối phó với BRI, nhiều đồng minh khu vực như Úc với Nhật Bản đều hưởng ứng.

Cẩm Bình (theo SCMP)

   
Bài liên quan
Dubai chìm trong lũ lụt chỉ là bề nổi của khủng hoảng khí hậu ở châu Á
Việc thành phố sa mạc Dubai chìm trong lũ lụt những ngày qua là ví dụ tiêu biểu cho khủng hoảng do biến đối khí hậu. Tuy nhiên, đó chỉ là phần nổi của vấn đề.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ông Phan Đức Trung: 'Khung pháp lý cho tài sản ảo là bài toán khó'
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), cho biết việc ban hành một chính sách hoàn chỉnh cho tài sản ảo (VA) và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP) phù hợp vào thời điểm này là một bài toán khó.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Châu Á trong năm 2018