Hiện bệnh sốt xuất huyết đang bùng phát tăng mạnh ở nhiều địa phương trên cả nước. Số ca mắc sốt xuất huyết tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái và 16 người tử vong.

Sốt xuất huyết tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, 16 người chết

Hồ Quang | 13/08/2019, 14:29

Hiện bệnh sốt xuất huyết đang bùng phát tăng mạnh ở nhiều địa phương trên cả nước. Số ca mắc sốt xuất huyết tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái và 16 người tử vong.

Sốt xuất huyết bùng phát khắp các tỉnh, thành

Bệnh sốt xuất huyết đang tăng lên hàng ngày số người mắc bệnh và tử vong trên cả nước. Vào ngày hôm qua (12.8), tỉnh Đồng Nai đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong do mắc bệnh sốt xuất huyết. Bệnh nhân này 36 tuổi, ngụ ở huyện Trảng Bom, sau một thời gian điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất ( Đồng Nai) đã tử vong vào sáng cùng ngày. Đây là bệnh nhân đầu tiên ở địa phương này tử vong do mắc sốt xuất huyết. Như vậy, tính từ đầu năm 2019 đến nay cả nước có 16 trường hợp tử vong so mắc sốt xuất huyết.

Theo Bộ Y tế, hiện bệnh sốt xuất huyết đang tăng nhanh một cách chóng mặt tại nhiều địa phương trong tháng 7 vừa qua, khiến số ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm 2019 đến nay đã lên đến khoảng 125.000 trường hợp, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt tại 20 tỉnh, thành phía nam như: TP.HCM, Đồng Nai, Đắk Lắk, An Giang, Bình Dương, Bình Phước... chỉ từ đầu năm đến nay đã có đến hơn 50.000 ca mắc sốt xuất huyết.

Trong đó, dẫn đầu là TP.HCM, chỉ trong tháng 7.2019 vừa qua, địa phương này đã ghi nhận 6.456 ca sốt xuất huyết, trong đó có 3.696 ca nội trú và 2.760 ca ngoại trú, 123% so với tháng tháng trước đó. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay TP có đến 31.787 ca (trong đó có 7 trường tử vong), tăng 160% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, Bộ Y tế cho biết tại các tỉnh phía bắc, dịch sốt xuất huyết cũng đang diễn biến rất phức tạp và đang có dấu hiệu lan nhanh tại một số quận thuộc phía Tây Hà Nội. Đặc biệt, một số nơi trung bình mỗi nhà đang có ít nhất 1 người mắc bệnh. Thống kê tại thành phố Hà Nội cho thấy, các quận, huyện phía Tây thành phố hiện đang có số trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue ở mức cao như Hà Đông có 150 ca, Bắc Từ Liêm với 88 ca, Cầu Giấy có 73 ca, Đống Đa với 69 ca và Nam Từ Liêm là 65 ca...

Nhận định về tình hình bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng từng ngày, các chuyên gia y tế cho rằng một phần là do người dân chưa hoàn toàn tuân thủ về nguyên tắc phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết, hoặc chưa thật sự phân biệt được triệu chứng bệnh sốt xuất huyết với các bệnh khác như sốt thông thường, sốt phát ban, sốt virus, sốt xuất huyết.

Bên cạnh đó, người dân khi đã được chẩn đoán bệnh, cần tuyệt đối tuân thủ các khuyến cáo trong việc điều trị sốt xuất huyết tại nhà. Khi có trẻ em mắc bệnh, phụ huynh cần thực hiện chăm sóc trẻ sốt xuất huyết theo đúng hướng dẫn.

Bộ Y tế kêu gọi người dân phòng, chống

Trước tình hình trên, Bộ Y tế đã lập 8 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết tại 20 tỉnh, thành có nguy cơ cao như: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa- Vũng Tàu, TP.HCM, Đồng Tháp, Đắk Lắk, Đắk Nông... Mỗi đoàn sẽ tiến hành kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng, chống sốt xuất huyết từ 2 đến 3 địa phương.

Các đoàn có nhiệm vụ kiểm tra công tác triển khai kế hoạch phòng, chống sốt xuất huyết ở địa phương; hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống dịch; công tác chuyên môn về dự phòng (giám sát xử lý ổ dịch, tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy/ lăng quăng, vai trò của chính quyền các cấp, huy động các ban ngành đàn thể tham gia phòng, chống sốt xuất huyết tại địa phương)...

Ngay sau đó, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng đã phối hợp với các nhà mạng nhắn tin trực tiếp đến số điện thoại của từng người dân để kêu gọi: Lật úp tất cả các công cụ chứa nước trong nhà để ngăn ngừa khả năng muỗi đẻ trứng, để phòng chống dịch sốt xuất huyết đang có nguy cơ bùng phát.

Tại TP.HCM, địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết và tử cao nhất nước, Ths.BS Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết hiệnSở Y tế TP đã chỉ đạo các Trung tâm Y tế quận, huyện khẩn trương tiến hành các biện pháp kiểm soát sốt xuất huyết, gửi văn bản đến các UBND quận huyện để phối hợp tổ chức các hoạt động kiểm soát sốt xuất huyết tại từng địa phương; phối hợp với Bộ Tư lệnh thành phố, Thành Đoàn TNCS HCM, Sở Giáo Dục – Đào tạo tổ chức các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết trong cộng đồng và các cơ quan tổ chức.

Riêng Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP tổ chức các chiến dịch diệt lăng quăng và chiến dịch truyền thông tại thành phố. "Chiến dịch năm nay sẽ tập trung vào các giải pháp tác động đến hành vi của cá nhân trong phòng bệnh sốt xuất huyết, để diệt lăng quăngkhông chỉ là công táccủa một cơ quan nào đó làm theo một kế hoạch, có thời hạnmà phảihành động hàng ngày của mỗi công dân. Phương châm của các chiến dịch này là: “cuối tuần không lăng quăng, cả tuần không có muỗi”, bác sĩ Dũng chia sẻ.

Ông Dũng cho rằng số ca mắc sốt xuất huyết và tử vong ở TP tăng cao một phần do tâm lý chủ quan, không theo dõi sát diễn biến, không đi khám bệnh để được bác sĩ hướng dẫn cách tự chăm sóc tại nhà. Trong khi bệnh có thể trở nặng nhanh chóng, rất dễ nguy hiểm đến tính mạng. “Trong số 7 ca tử vong do sốt xuất huyết, có đến 5 trường hợp là người lớn, 2 trường hợp ở tuổi thiếu niên. Phần lớn các ca bệnh này đều đến trễ”, ông Dũng nói.

Theo Bộ Y tế, người dân cần nhận biết các dấu hiệu sớm của bệnh sốt xuất huyết để điều trị kịp thời. Bị sốt xuất huyết trước hết là xuất hiện sốt, kèm theo triệu chứng đau nhức mình mẩy, chán ăn, sốt kéo dài từ 2-5 ngày, sau đó bệnh nhân có các nốt phát ban, chảy máu chân răng, nếu bệnh nặng thì có thể dẫn đến chân tay lạnh, đau bụng, trụy mạch, vã mồ hôi, có biểu hiện xuất huyết nội tạng.

Để xác định rõ có bị sốt xuất huyết hay không, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần đi khám để được chẩn đoán sớm và được bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc và theo dõi bệnh. Vì sốt xuất huyết bản chất là bệnh do do virus gây ra, và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên với sốt xuất huyết thông thường chỉ cần theo dõi uống nước, uống oresol, dùng thuốc hạ sốt, trong trường hợp mất nước thì truyền dịch ngày thứ 5 thứ 7 bệnh sẽ sang giai đoạn hồi phục.

Hồ Quang

Những việc cần làm để không bị bệnh sốt xuất huyết

a. Diệt muỗi và không để muỗi chích bằng các biện pháp:

- Dùng bình xịt muỗi, nhang muỗi

- Bôi kem chống muỗi

- Ngủ mùng kể cả ban ngày

b. Diệt lăng quăng và không để muỗi sinh sản:

- Súc rửa hồ, phuy, lu, xô chứa nước, trước khi thay nước mới

- Đậy kín nắp lu, hồ, phuy khi không sử dụng

- Thay nước bình bông, chén nước cúng hằng ngày - Thu gom và xử lý các vật phế thải

- Thường xuyên tìm và xử lý các vị trí, đồ vật có thể bị đọng nước trong và xung quanh nhà

Những việc cần làm khi theo dõi chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà

- Người có triệu chứng sốt nên đi khám tại các cơ sở y tế để được bác sĩkhám và hướng dẫn theo dõi tại nhà

- Uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ

- Uống nhiều nước

- Nếu thấy một trong các dấu hiệu sau: lừ đừ, mệt mỏi, chi lạnh, nôn ói nhiều, đau bụng, xuất huyết nhiều thì đến ngay bệnh viện.

Bài liên quan
TP.HCM: Bé trai 4 tuổi mắc sốt xuất huyết nguy kịch thoát chết sau 6 lần lọc máu
Sau 3 ngày sốt, bé trai 4 tuổi bị sốc sốt xuất huyết nặng, sốc kéo dài gây rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, suy hô hấp, biến chứng suy đa cơ quan…

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sốt xuất huyết tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, 16 người chết