Sri Lanka đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực, khi giá lương thực tăng chóng mặt đến độ nhiều người dân không thể mua gạo ăn.

Sri Lanka bên bờ vực nạn đói sau cuộc suy thoái kinh tế

Bảo Vĩnh | 16/09/2022, 16:40

Sri Lanka đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực, khi giá lương thực tăng chóng mặt đến độ nhiều người dân không thể mua gạo ăn.

Chương trình Lương thực thế giới (WFP) ước tính 30% trong 22 triệu dân Sri Lanka lâm cảnh bất ổn lương thực, cứ 4 người dân thì 1 người thường xuyên phải nhịn ăn một bữa.

“Cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay là một vấn đề nhân đạo. Người dân phải giảm nhiều bữa ăn trong ngày, hạ chất lượng lương thực và phải đổi thói quen ăn uống”, theo lời nhà kinh tế học Manoj Thibbotuwawa ở Viện Nghiên cứu chính sách Sri Lanka.

Cách đây hai tháng, hàng ngàn người biểu tình tràn vào dinh tổng thống ở thủ đô Colombo, sau khi cựu tổng thống Gotabaya Rajapaksa chạy trốn ra nước ngoài tiếp sau những cuộc biểu tình lớn hồi tháng 7.

Người biểu tình cáo buộc ông Rajapaska và chính phủ điều hành kinh tế quá yếu kém, hậu quả là không trả nổi nợ nước ngoài và lạm phát tăng cao.

Cuộc khủng hoảng lương thực Sri Lanka hiện nay còn do các chính sách trước đây. Sau khi cuộc nội chiến kéo dài hàng chục năm kết thúc năm 2009, đảo quốc này lao vào xây dựng cơ sở hạ tầng. Chẳng hạn sân bay Mattala Rajapaksa được xây từ nguồn tiền vay lãi suất cao của nhiều đối tác quốc tế.

Hậu quả là Sri Lanka lãnh một món nợ ngày càng phình to. Trung Quốc chiếm khoảng 10% trong món nợ nước ngoài của Sri Lanka, lên tới hơn 51 tỉ USD.

Một trong những nguồn thu ngoại tệ lớn của Sri Lanka là du lịch, nhưng mảng này cũng giảm đáng kể sau vụ khủng bố tấn công năm 2019, cũng như vì xảy ra dịch COVID-19.

Do gần như cạn kiệt nguồn ngoại tệ, Sri Lanka không thể nhập khẩu lương thực, thuốc men và nhất là xăng dầu, khiến chi phí vận chuyển tăng cao và kéo theo là giá lương thực tăng cao. Tình trạng lạm phát cấp toàn cầu và cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine cũng làm tăng giá nhiên liệu, phân bón và thuốc trừ sâu ở Sri Lanka.

Nhà kinh tế học nông nghiệp Thibbotuwawa nói lệnh cấm sử dụng phân hóa học của Tổng thống Rajapaksa hồi tháng 5.2021 cũng giữ một vai trò trong cuộc suy thoái kinh tế của Sri Lanka. Khi ấy, ông Rajapksa nói lệnh cấm là cần thiết vì phân bón tổng hợp “tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người”, trong khi lý do khác để cấm là nhằm giảm chi phí nhập khẩu phân bón để tiết kiệm nguồn dự trữ ngoại hối.

Tuy nhiên, chuyên gia Thibbotuwawa nói sự chuyển sang nông nghiệp hữu cơ phải mất nhiều năm mới có thể bền vững, vì đa số nông dân vẫn dựa cậy vào phân bón hóa học. Cũng phải có một hệ thống xác định đất, để nông dân biết loại nông sản nào cần bón phân và bón bao nhiêu, dù đó là phân hữu cơ hay phân hóa học.

Sau những cuộc biểu tình phản đối lan rộng, chính phủ phải dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu phân bón hồi nửa năm sau. Nhưng trong thời gian đó, sự thiếu phân bón đã giáng đòn mạnh vào nông nghiệp Sri Lanka, nhất là mảng sản xuất lúa gạo.

Mùa gặt trước, sản lượng lúa giảm hơn 30%, khiến nhiều nông dân chật vật tìm cách trang trải chi phí. Việc thiếu xăng dầu cũng gây phức tạp cho vụ gặt và vận chuyển nông sản. Chính phủ Sri Lanka tung ra hệ thống định mức, qua đó ưu tiên xăng dầu cho nông dân, nhưng nhà nông vẫn tiếp tục khổ sở. “Mỗi ngày, chúng tôi phải ghi nhận nhà nông phàn nàn họ không nhận được sự hỗ trợ thích đáng từ chính quyền”, theo lời nhà buôn gạo Joseph M. A. Công ty của ông mua thóc lúa từ hơn 3.000 cánh đồng trên khắp Sri Lanka.

Hiện nay, chính phủ mới cho phép nhập khẩu gạo giá rẻ để kéo giảm tình trạng giá gạo tăng cao. Người trồng lúa vẫn tiếp tục lao động, bất chấp việc thiếu phân bón và nhiên liệu, nhưng họ phải vất vả tìm cách bán nông sản với giá hợp lý. Nhiều nhà nông ngưng trồng lúa cấp độ lớn, chuyển sang cấp độ nhỏ để tự tiêu thụ, hoặc họ bỏ luôn nghề nông.

Tân Tổng thống Ranil Wickremesinghe đã đồng ý với gói cứu trợ có điều kiện trị giá 2,9 tỉ USD của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhằm kéo Sri Lanka khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế.

Chính phủ Sri Lanka cũng cố gắng tiết kiệm nguồn ngoại tệ còn lại, cấm nhập khẩu hơn 300 loại sản phẩm, đa số là mặt hàng lương thực. Nhưng lệnh cấm này càng đẩy giá lương thực lên cao.

Nhà kinh tế học Thibbotuwawa kết luận: hiện cần phải có nhiều phương án giải cứu ngắn hạn để lập tức đáp ứng nhu cầu lương thực nhằm tránh làm cuộc khủng hoảng trầm trọng thêm, nhưng về lâu về dài thì cần có những thay đổi lớn để chuyển hóa mảng nông nghiệp của Sri Lanka.

Theo Deutsche Welle
Copy Link
Bài liên quan
Bài học kinh tế từ khủng hoảng tại Sri Lanka
Sri Lanka trở thành tâm điểm chú ý khi rơi vào khủng hoảng kinh tế - chính trị. Đất nước bị vô chính phủ sau cuộc bỏ trốn của Tổng thống, dự trữ ngoại hối cạn kiệt và chìm trong nợ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sri Lanka bên bờ vực nạn đói sau cuộc suy thoái kinh tế