Sri Lanka đã yêu cầu Trung Quốc giúp đỡ về thương mại, đầu tư và du lịch để giúp nước này thoát khỏi khủng hoảng kinh tế.
Trả lời phỏng vấn Reuters hôm 26.7, Đại sứ Sri Lanka tại Trung Quốc, ông Palitha Kohona nhấn mạnh rằng Trung Quốc là chìa khóa giúp kinh tế Sri Lanka phục hồi. Trung Quốc và Nhật Bản hiện là hai chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Sri Lanka.
Ông Kohona cho biết, Colombo muốn Bắc Kinh yêu cầu các công ty Trung Quốc mua chè đen, ngọc bích, gia vị hàng may mặc của Sri Lanka, đồng thời đề nghị Bắc Kinh điều chỉnh các quy tắc nhập khẩu sao cho minh bạch và dễ điều hướng hơn.
Ngoài ra, Đại sứ Sri Lanka cũng gợi ý rằng Bắc Kinh cũng có thể giúp đỡ quốc đảo này bằng cách rót thêm vốn đầu tư vào các dự án cảng do Trung Quốc quản lý ở thủ đô Colombo và thành phố Hambantota. Kohona cho biết các kế hoạch đầu tư lớn của Trung Quốc vào nước này trước đó vẫn bị gián đoạn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Theo quan chức ngoại giao Sri Lanka, đất nước của ông cũng muốn thu hút thêm nhiều khách du lịch Trung Quốc bởi số khách Trung Quốc du lịch đến Sri Lanka đã giảm từ 265.000 (năm 2018) xuống gần như bằng 0 sau năm 2019 vì các cuộc tấn công liều chết ở Sri Lanka và đại dịch COVID-19.
Kohona cũng tiết lộ tân Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe có kế hoạch thăm Trung Quốc để thảo luận về hợp tác về các vấn đề, bao gồm: thương mại, đầu tư và du lịch.
Ông hy vọng chính quyền mới của ông Wickremesinghe sẽ không có thay đổi cơ bản nào trong chính sách với Trung Quốc, đồng thời chia sẻ ông hiểu rằng Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc khẩn trương giúp đỡ Sri Lanka. Bởi với vai trò là một chủ nợ lớn trên toàn cầu, Trung Quốc hiện cũng phải xử lý nhiều vấn đề khi nhiều quốc gia khác cũng đang gặp khó khăn về tài chính.
"Có lẽ nếu đó chỉ là Sri Lanka, thì việc ra quyết định sẽ dễ dàng hơn nhiều", ông Kohona nói với Reuters.
Trong những tháng qua, Sri Lanka đã đàm phán với Trung Quốc về gói viện trợ 4 tỉ USD, bao gồm khoản vay 1 tỉ USD để trả khoản nợ mà nước này vay Trung Quốc sẽ hết hạn trong năm nay.
Bên cạnh đó, Sri Lanka cũng yêu cầu hạn mức tín dụng 1,5 tỉ USD để thanh toán cho hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Đại sứ Kohona cho biết những mặt hàng nhập khẩu này chủ yếu là nguyên liệu đầu vào cần thiết cho ngành công nghiệp may mặc. Sri Lanka cũng hy vọng sẽ thuyết phục Trung Quốc kích hoạt giao dịch hoán đổi tiền tệ song phương trị giá 1,5 tỉ USD.
Kohona cho biết các cuộc thảo luận về viện trợ tài chính với Trung Quốc vẫn đang được tiến hành nhưng vẫn chưa ấn định được ngày họp tiếp theo.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong tháng này cho biết Bắc Kinh sẵn sàng làm việc với các quốc gia khác và các tổ chức tài chính quốc tế để "đóng một vai trò tích cực" giúp Sri Lanka vượt qua khủng hoảng.
Ngoài hỗ trợ tài chính, Sri Lanka cũng hy vọng Trung Quốc có thể giúp nước này mua nhiên liệu, phân bón và các nguồn cung cấp khẩn cấp khác. Trung Quốc cam kết hỗ trợ khẩn cấp 500 triệu nhân dân tệ (74,09 triệu USD) cho Sri Lanka vào tháng 4 và tháng 5. "Chúng tôi cần nhiều hơn nữa", ông Kohona nói.
Phát biểu của ông Kohona được đưa ra trong bối cảnh Sri Lanka đang rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế, nhiên liệu tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập vào năm 1948 sau khi cạn kiệt nguồn dự trữ ngoại hối. Đảo quốc Nam Á đã nhận được 3,8 tỉ USD hỗ trợ từ Ấn Độ và đang đàm phán để có cơ hội vay thêm.
Bị đẩy vào hoàn cảnh khốn cùng, thiếu thốn lương thực, thuốc men, nhiên liệu, người dân Sri Lanka trong hơn 3 tháng qua đã xuống đường biểu tình phản đối chính quyền của Tổng thống Mahinda Rajapaksa và yêu cầu ông rời ghế. Ông Rajapaksa đã phải nộp đơn từ chức qua email từ Singapore, một ngày sau khi rời khỏi đất nước hôm 13.7.
Sri Lanka hiện nợ nước ngoài khoảng 51 tỉ USD và nước này gần như không còn ngoại tệ để trả nợ hay nhập khẩu hàng thiết yếu. Trong số đó, có khoảng 10% là của chủ nợ Trung Quốc, nước mà từ 15 năm qua đã có quan hệ khăng khít với gia tộc cầm quyền Rajapaksa.
Quốc đảo Nam Á có 22 triệu dân trước đó có nhiều quan hệ gần gũi với Ấn Độ, nhưng năm 2009, sau cuộc nội chiến đánh thắng lực lượng Hổ Tamoul theo Ấn Độ Giáo, đất nước này đã nhanh chóng xích lại gần hơn với Trung Quốc. Ban đầu, Trung Quốc đã cung cấp cho chính quyền của cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa vũ khí. Trung Quốc đã dồn dập đầu tư vào các dự án lớn ở Sri Lanka, từ sân bay quốc tế, khu phố tài chính ở Colombo, hay hải cảng Hambantota.
Việc Sri Lanka lâm vào khủng hoảng còn có những nguyên nhân chủ yếu từ nội tình đất nước như quản lý kém, tham nhũng và những yếu tố liên quan đến lịch sử chính trị của đất nước này từ nhiều thập kỷ qua... Nhưng nhiều chuyên gia nhận định rằng cuộc khủng hoảng lên đến đỉnh điểm như hiện nay ít nhiều bắt nguồn sự lệ thuộc của chính quyền cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa vào Bắc Kinh.
Theo các nhà quan sát, dù Sri Lanka hiện đã có tổng thống mới, khó có thể bảo đảm Sri Lanka sẽ sớm thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế, nhất là khi người đứng đầu quốc gia này cũng từng là quan chức thân cận và là thủ tưởng dưới thời ông Mahinda Rajapaksa.