Với đa số người Việt, mâm cỗ cúng Giao thừa hay mâm cỗ ngày mùng 1 Tết luôn là quan trọng nhất.

Sự khác biệt thú vị trong mâm cỗ ngày Tết của 3 miền

Hải Yến | 26/01/2017, 10:26

Với đa số người Việt, mâm cỗ cúng Giao thừa hay mâm cỗ ngày mùng 1 Tết luôn là quan trọng nhất.

Tuy nhiên, ở mỗi vùng miền khác nhau, mâm cỗ ngày Tết cũng được bày một cách khác nhau, báo điện tử Một Thế Giới xin gửi tới độc giả sự khác biệt về văn hóa được thể hiện trong chính mâm cỗ ngày Tết.

Mâm cỗ Tết miền Bắc

Mâm cỗ Tết miền Bắc rất đa dạng về món ăn và khá cầu kỳvề hình thức. Theo truyền thống, mâm cỗ Tết của người miền Bắc cần có 8 món gồm 4 bát và 4 đĩa tượng trưng cho tứ trụ, bốn mùa và bốn phương. Cỗ lớn thì có thể có 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát 8 đĩa, tượng trưng cho phát lộc phát tài. Mâm cỗ lớn có thể phải xếp thành 2 hoặc 3 tầng. Trong số các tỉnh thành miền Bắc, có Hà Nội là vẫn giữ được phần lớn những món ăn truyền thống trong mâm cỗ Tết.

4 bát bao gồm: Bóng thả, chân giò hầm măng khô, mọc nấm thả và miến

4 đĩa bao gồm: Thịt gà, nem, bánh chưng, giò lụa (hoặc chả quế, giò thủ)

Mâm cỗ Tết miền Bắc chú trọng về hình thức

Mâm cỗ Tết của người miền Bắc ngày nay khá đa dạng, có nhiều món mới phù hợp với sở thích, nhu cầu của từng người. Các món ăn thường được nấu cùng trong mâm cỗ Tết các gia đình miền Bắc: thịt nấu đông, nộm su hào, dưa hành muối, chè kho, rau củ luộc, nộm su hào… Số lượng món ăn khá nhiều nên khi bày biện chỉ bày trên bát đĩa nhỏ, vừa đủ dùng lại vừa hài hòa đẹp mắt. Nhiều gia đình còn có món bát su hào thái chỉ ninh kỹ, chim hầm nguyên con, gà tần để mâm cỗ thêm đầy đặn, sang trọng.

Mâm cỗ Tết miền Trung

Các món ăn ở đây không cầu kỳtheo kiểu mâm cao cỗ đầy như miền Bắc, ngoại trừ các tỉnh Bắc Trung bộ như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có mâm cỗ giao thoa văn hóa hai vùng Trung – Bắc thì các tỉnh còn lại có món ăn ngày Tết khá giản dị và có xu hướng lưu trữ, nên các món ăn được chế biến mặn và bảo quản lâu. Riêng với Huế thì món ăn có phần cầu kỳhơn.

Khác mới miền Bắc ăn bánh chưng thì miền Trung lại có bánh tét. Bánh tét chỉ khác với bánh chưng về hình thức là dài tròn. Bánh chưng gói lá dong còn bánh tét gói bằng lá chuối. Bánh tét thường không để được lâu nên chỉ có đậu xanh, không có thịt mỡ, được gói chặt thì để được lâu hơn.

Các món bánh thường có trong mâm cỗ Tết miền Trung

Miền Trung không ăn dưa hành hoặc dưa muối mà ăn dưa món, được làm từ đu đủ, củ cải, cà rốt, hành khô. Mâm cỗ Tết miền Trung còn có những món ăn khác theo kiểu rim kho mặn để bảo quản lâu như: củ cải kho thịt heo, giò bò, bò kho mật mía, thịt heo ngâm nước mắm… Người miền Trung rất thích các món cuốn nên những món ăn này cũng không thể thiếu trong mâm cỗ Tết.

Ngoài ra ở mỗi tỉnh thành miền Trung còn có những món bánh đặc trưng khác nhau như bánh tổ, bánh thuẩn, bánh răng bừa, bánh phu thê, bánh măng, bánh in…

Mâm cỗ Tết miền Nam

Miền Nam Việt Nam là mảnh đất trù phú và phát triển nhiều loại cây trái, thủy hải sản nên món ăn ngày Tết ở đây rất phong phú và cũng không nặng nề về nghi thức như miền Bắc.

Các món ăn trong mâm cỗ Tết miền Nam được chuẩn bị kỹlưỡng với hương vị đầy đủ chua, cay, mặn, ngọt và đắng góp phần làm phong phú và hài hòa mâm cỗ Tết. Có những món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ cúng gia tiên như: mướp đắng (khổ qua) nhồi thịt (với mong muốn đau khổ trong năm cũ qua đi), thịt kho trứng nước dừa, gỏi ngó sen, tai heo ngâm dấm, tôm khô củ kiệu, lạp xưởng…

Mâm cỗ Tết miền Nam

Cũng như miền Trung, miền Nam sử dụng bánh tét nhưng có phần khác biệt, nếu bánh tét miền Trung ít đỗ, ít thịt, buộc chặt thì bánh Tét miền Nam lại coi trọng đến hình thức. Bên ngoài bánh tét được trộn với dừa nạo, hạt điều, đậu đen hoặc nếp cẩm, lá dứa để có nhiều màu sắc. Phần nhân bánh ngoài đậu xanh, thịt mỡ còn có nhân chuối, đậu xanh trứng muối, thập cẩm… Một số nơi còn tạo hình chữ Phúc – Lộc – Thọ khi cắt ra trông rất đẹp mắt.

Các món ăn ngon đượctrình bày đẹp mắt trong mâm cỗ dịp Tết là phong tục, văn hóa của người Việt. Tuy vậy, do mỗi vùng miền, tỉnh thành đều có nét văn hóa riêng biệt nên bài viết chỉ có tính chất tham khảo.

Dạ Thảo
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
3 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sự khác biệt thú vị trong mâm cỗ ngày Tết của 3 miền